Kỳ 2: Chuyện lạ ở Cồn Cỏ
(GD&TĐ) - Có một điều ai cũng dễ dàng nhận ra là ở đảo, có nhiều chuyện lạ mà chỉ ở nơi này mới có.
Chúng tôi (PV) được ưu ái đưa đi thăm Cồn Cỏ trên chiếc xe ô tô duy nhất của đảo |
Khi chúng tôi đến, Chủ tịch huyện đảo đưa cho chúng tôi xem trái bàng vuông. Phong ba, cỏ cây, lau lách…có thể ở đâu cũng có, nhưng chỉ ở Cồn Cỏ mới có cây bàng cho quả vuông, rất to …nhưng không ăn được. Vào mùa thu, cây bàng trút lá, cùng với muôn loài cây khác, cây bàng tạo thành thảm đỏ dưới chân mình. Lính ta trên đảo, thích thú khi chứng kiến cảnh mộng mơ này.
Nhiều người cho biết, loài bàng độc đáo này đã “di cư” từ Trường Sa về đây. Hình như Trường Sa muốn chia sẻ với Cồn Cỏ sự độc đáo của mình…
Tôi mải mê ngắm nhìn con đường hun hút giữa bốn bề hoa lá, chim kêu, bướm lượn, không một bóng người… và cố tìm ra nơi ẩn náu của những chú cua đá như đảo trưởng Lê Quang Lanh nói. Tuy nhiên, trời nóng, khó có thể tìm ra một chú cua đá lộ diện.
Theo ông Lê Quang Lanh, cua đá Cồn Cỏ đã tạo nên một thương hiệu cho Cồn Cỏ, như trong lời bài hát thời chiến tranh “ Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá, nó nằm trong đá, nó nằm trong khe, nó có tám cái que, có hai cái càng…” . Đúng vậy, cua đá Cồn Cỏ khi trưởng thành khoảng 4-5 lạng, thân hình vạm vỡ, mai và thân đỏ au. Nó có đôi càng to, và kiểu bò ngang cũng rất độc đáo. Loài cua này ăn rất ngon, thịt nhiều, ngọt và thơm.
Giờ, loài cua này đã trở nên hiếm hơn, bởi sự vây bắt của con người. Chỉ khi vào những ngày mưa bão, cua đá mới tức tốc “hành quân” ra đường, cùng với loài rắn lục xanh nghênh ngang xuôi ngược trên đường, thậm chí, chúng tiến thẳng vào những ngôi nhà chưa kịp đóng cửa. Ông kể rằng, có đêm, hồi mới ra đảo, ông nghe thấy tiếng lộc cộc khe khẽ -như thoảng tiếng bước chân người. Ông giật mình lất đèn pin để quan sát, không thấy ai. Nhưng vừa tắt đèn, lại thấy tiếng lộc cộc. Một lát sau nghe tiếng chó kêu ăng ẳng. Ông bật đèn thì thấy miệng chú chó bị chú cua đá to kềnh càng cặp chặt hai bên...
Chủ tịch huyện đảo Lê Quang Lanh và trái bàng vuông ở Cồn Cỏ |
Cua đá sống cả trên cạn và dưới nước. Khi mang trứng sắp tới kỳ sinh nở, cua đá lên bờ. Cua cái lặc lè với chiếc bụng đầy ắp trứng vào rừng, chọn viên đá ôm chặt để cho nở trứng. Đã có người mừng rỡ vì đi rừng vô tình gặp cua đá. Họ tưởng “ngon ăn” vì thấy con cua to đùng, nằm hớ hênh bên cạnh tảng đá. Tuy nhiên, hãy coi chừng, cua đực đang canh chừng cua đá đẻ trứng cách đó không xa. Chỉ cần ai có ý định đến bắt cua cái, là nó đến ngay lập tức, dùng 2 chiếc càng to đùng ấy xiết chặt kẻ định bắt cua cái, mạnh đến nỗi gây đau đớn và có người đã đập chết cua đá, bẻ càng cho lìa thân cua đứt ra mà 2 chiếc càng vẫn cắm sâu vào lòng tay.
Nếu may mắn, cua cái “sinh hạ”, trứng nở xong, bầy cua con sẽ theo bố mẹ ra biển, để rồi mát mẻ, chúng chọn những tảng đá gần bờ để kiếm ăn, còn khi nắng nóng, chúng trốn sâu vào kẽ đá, không bao giờ chịu ló ra ngoài. Nhưng khi trưởng thành, chúng lại lên rừng, hoàn thành chu trình sinh sản.
Cồn Cỏ giờ đây ít cua đá. Bom đạn trong chiến tranh cùng sự đánh bắt tùy tiện đã khiến loài cua này trở nên ít hơn. Ông Lanh đang nuôi gần chục con, để xem chúng thích nghi với thức ăn gì. Trong tương lai, ông muốn gây giống cua đá, loài cua không chỉ mang lại thương hiệu cho đảo mà còn mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho Cồn Cỏ. Ông Lanh còn cho biết, cua đá cũng có thể ngâm rượu, dành cho các vị đàn ông cần thể hiện phong độ, sau sáu tháng-rượu hết mùi tanh, nếu dùng, nhiều quý ông sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.
Cua đá Cồn Cỏ giờ đang được nuôi để theo dõi sự thích nghi và phát triển (ảnh đồng nghiệp) |
Mỗi khi trở trời, không chỉ cua đá, mà loài rắn lục xanh ( dài và to bằng chiếc đũa con) cũng chọn con đường rải nhựa làm nơi “dạo chơi”. Để sinh tồn và ẩn náu, loài rắn đã buộc phải mang trên mình màu xanh của lá. Vì vậy, rất ít người đi rừng phát hiện ra chúng. Chỉ khi nào bị cắn, tê nhói, mới nhận ra mình bị chúng cắn. Loài rắn này cắn đau, và buốt đến chục hôm. Nếu lỡ bị rắn lục cắn, phải nặn sạch máu, lấy ga-rô băng lại. Rắn cắn không chết người nhưng cũng gây nên sự đau đớn và đặc biệt là sợ hãi đối với nhiều người. Đến nỗi, có những người không dám ra ngoài, khi biển động, thời tiết thay đổi. Bởi nhiều chú rắn lục lười nhác không chịu rời bỏ con đường mà các chú ưa thích.
Ban ngày nắng nôi, các chú rắn thu mình dưới lùm cây rậm rạm. Khi màn đêm buông xuống, nhất là khi biển động, rắn và cua đá làm cuộc lộ trình “dạo chơi” những con đường trên đảo. Không bao giờ bắt hết được loài rắn này. Nó tồn tại khi rừng tồn tại. Mà rừng Cồn Cỏ thì mãi mãi xanh, cho biển đảo quê hương và cho con người…
Nếu chế biến, làm thuốc-thì nhiều cụ già bảo, rắn lục cũng có thể làm thuốc qúy cho con người.
Một số nét chấm phá nơi Cồn Cỏ:
Cồn Cỏ vươn mình đón nắng gió biển khơi |
Các công trình dân sinh xen lẫn màu xanh của đảo |
Màu xanh bất tận ẩn chứ nhiều sự lạ |
Chu Thị Thơm
(Kỳ 3: Sản vật ở Cồn Cỏ)