Kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hiện đại, an ninh chính trị ổn định, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
20 năm hành trình bứt tốc
Huyện Tam Đảo được thành lập và đi vào hoạt động từ 1/1/2004 theo Nghị định số 153 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của các huyện: Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên và thị xã Vĩnh Yên. Huyện có diện tích đất tự nhiên 235km2; dân số trên 94.000 người, trong đó có trên 42% là đồng bào dân tộc thiểu số; toàn huyện có 9 đơn vị hành chính với 3 thị trấn và 6 xã.
Từ xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sức cạnh tranh kém, tỷ lệ hộ nghèo cao, tuy nhiên sau 20 năm xây dựng và phát triển, Tam Đảo đã chuyển mình mạnh mẽ.
Minh chứng cho điều này là tốc độ tăng giá trị sản xuất của huyện được duy trì ở mức cao, thường xuyên tăng trưởng 2 con số; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2023 đạt 58 triệu đồng/người, tăng gấp 18,72 lần so với năm 2004.
Cơ cấu kinh tế qua 20 năm từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản giảm từ 70% xuống còn 22,9%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 9% lên 40,3%; dịch vụ tăng từ 21% tăng lên 36,79%.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản có bước tăng trưởng khá, hiệu quả cao; giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng năm 2004 chỉ đạt 23,9 tỷ đồng, đến năm 2024 tăng lên 3.262 tỷ đồng.
Quy mô kinh tế năm 2023 ước đạt 7.846 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân đầu người ước đạt 85 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1.805 tỷ đồng, tăng 42 lần so với năm đầu thành lập.
Điểm nhấn trong sự phát triển ấn tượng của Tam Đảo đó là ngành du lịch – dịch vụ. Được xác định là huyện trọng điểm về du lịch, thời gian qua huyện đã tập trung chỉ đạo và huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế du lịch của huyện theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng ngành du lịch - dịch vụ; đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho quá trình phát triển du lịch. Trên cơ sở đó huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch có nhiều đổi mới; thực hiện xúc tiến cải thiện môi trường đầu tư.
Nếu như năm 2004 giá trị sản xuất của ngành du lịch, dịch vụ chỉ đạt 112,3 tỷ đồng thì đến hết năm 2023 tăng lên trên 3.156 tỷ đồng.
Năm 2022 khu du lịch Tam Đảo được công nhận là khu du lịch Quốc gia và Thị trấn Tam Đảo được vinh danh là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới năm 2022. Hiện huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản vào du lịch như: Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời... góp phần nâng tầm du lịch Tam Đảo với nhiều công trình dự án lớn, hiện đại, đa dạng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng của du khách như: Sân golf Tam Đảo; Cáp treo Tây Thiên; Khách sạn Venus, Lâu đài Tam Đảo; Khách sạn De L’Amour Tam Đảo... Đây là động lực để du lịch Tam Đảo cất cánh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Người dân được hưởng thành quả từ sự phát triển
Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện Tam Đảo nhất quán việc lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu, động lực, lấy người dân là chủ thể, là trung tâm và đối tượng được hưởng lợi từ chính thành quả phát triển.
Không chỉ chú trọng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, Tam Đảo còn coi trọng việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; quan tâm vấn đề an sinh xã hội; chăm lo sự nghiệp giáo dục; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
20 năm qua khu vực nông thôn của huyện đã có sự chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng nông thôn nhất là hạ tầng về giao thông, trường học, y tế, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc… được đầu tư xây dựng, khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, sản xuất, kinh doanh, giao thương ngày càng cao của nhân dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đến nay, trên địa bàn huyện có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, trong năm 2023, huyện đã nỗ lực triển khai xây dựng, khánh thành 5 Khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí thành phần trong Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh, đến nay, các địa phương cơ bản đạt trên 50% của bộ tiêu chí thành phần, từ đó làm thay đổi diện mạo, kinh tế xã hội các miền quê Tam Đảo ngày càng khởi sắc.
Với đặc thù là huyện có nhiều con em miền núi, dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận giáo dục còn nhiều hạn chế so với các địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh nỗ lực vượt khó, thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ, thầy cô, phụ huynh học sinh cùng với nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã có nhiều bước tiến quan trọng. Số trường, lớp, cơ sở vật chất không ngừng tăng lên.
Đến hết năm 2023 toàn huyện có 26/36 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới, đạt tỷ lệ 72,2%, trong đó, có 10 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Chất lượng đào tạo không ngừng được nâng lên, vị trí xếp hạng trong các kỳ thi có sự cải thiện qua từng năm.
Bản sắc văn hoá các dân tộc được duy trì và phát triển. Huyện có hệ thống Đình, Đền, Chùa, Miếu đa dạng, với 124 di tích; trong đó 1 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 17 di tích xếp hạng cấp tỉnh; có 2 hình thức sinh hoạt văn hóa được khôi phục (Hát Văn và làn điệu Soọng cô).Năm 2018 làn điệu Soong cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, năm 2024, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 95,2%; tỷ lệ thôn tổ dân phố văn hóa đạt 96,1%, tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đạt 98,6%.
Khát vọng vươn xa
Những năm qua, huyện Tam Đảo đặc biệt nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc với việc ban hành các nghị quyết, chương trình hành động nhằm tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển địa phương. Đây cũng tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Tam Đảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ý chí thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển KT-XH. Cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến, chuyển đổi số và số hóa trong giải quyết công việc.
Tập trung đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế đô thị, nông thôn, ban hành nhiều chính sách nhằm khơi dậy ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu của người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại IV vào năm 2025, tiến tới trở thành thị xã du lịch đặc sắc, trung tâm du lịch lớn của miền Bắc và cả nước, dần khẳng định được vai trò, vị thế của huyện đối với sự phát triển của tỉnh.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong 20 năm thành lập, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tam Đảo nhiều phần thưởng cao quý; trong đó năm 2014 Đảng bộ và nhân dân huyện Tam Đảo được nhận Huân chương lao động hạng ba. Bên cạnh đó cũng có nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; các bộ ngành trung ương và của tỉnh.