Người dân Thái Nguyên khốn đốn vì 20 năm dự án vẫn... trên giấy

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo UBND TP Sông Công, Thái Nguyên thì dự án quy hoạch chung thị xã Sông Công (trước đó) được phê duyệt vào năm 1997.

Vết nứt chạy dài bên sườn căn nhà của một hộ dân.
Vết nứt chạy dài bên sườn căn nhà của một hộ dân.

Nhà xuống cấp, dột nát, nhưng không thể đập đi xây mới, cuộc sống khốn khó trăm bề, luôn thường trực nỗi lo… là tình cảnh mà gần 70 hộ dân phường Bách Quang (thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đang phải chịu đựng nhiều năm nay.

Nhà ở xuống cấp như… ổ chuột

Nhiều năm trước, khi biết tin HĐND tỉnh Thái Nguyên quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Cách mạng tháng 10, TP Sông Công, cũng giống như nhiều hộ dân khác đang sinh sống trên địa bàn phường Bách Quang, gia đình bà Bùi Thị Hương (44 tuổi, trú tại tổ dân phố Đồi) rất phấn khởi.

Bà Hương lý giải, đường Cách mạng tháng 10 nối từ trung tâm TP Sông Công đến khu công nghiệp Sông Công nên hàng ngày có rất nhiều phương tiện di chuyển qua lại. Sinh sống tại căn nhà ven đường đến nay đã hơn 40 năm, gia đình bà Hương phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường này.

Nguyên nhân do trước kia đường Cách mạng tháng 10 nhỏ, hẹp, mặt đường xấu, nhiều phương tiện tham gia giao thông. “Chính vì thế nên chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương nâng cấp, mở rộng con đường này. Điều này giúp bộ mặt phường khang trang hơn và quan trọng nhất là hy vọng sẽ giảm thiểu được những vụ tai nạn giao thông xảy ra”, bà Hương cho biết.

Thực tế, chủ trương mới nằm… trên giấy, còn gần 70 hộ dân sinh sống dọc tuyến đường này đang phải gánh chịu nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy hoạch, đường Cách mạng tháng 10 sẽ được mở rộng ra thành 42m. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc phạm vi mở rộng sẽ ảnh hưởng đến gần 70 hộ dân và họ nằm trong vùng quy hoạch.

“Chúng tôi đồng ý với việc dự án sẽ không thể thực hiện trong một sớm, một chiều được nhưng kéo dài lên đến hơn 20 năm thì sẽ là một câu chuyện khác. Nhà cửa chúng tôi xây dựng 30 - 40 năm trước bằng cát, vôi nên sau từng đó thời gian đã xuống cấp nghiêm trọng. Do vướng dự án nên chúng tôi không thể can thiệp vào hiện trạng căn nhà”, bà Hương chia sẻ.

Thực tế cho thấy, căn nhà của gia đình bà Hương đã xuống cấp và là mối nguy hiểm tiềm tàng cho những người đang sinh sống bên trong khi dọc 2 bên hông nhà là những vết rạn nứt kéo dài. Theo năm tháng, chất kết dính để xây dựng nên căn nhà có thể dễ dàng dùng tay cạy ra được.

Không chỉ nứt tường, căn nhà nơi bà Hương cùng 2 cô con gái đang sinh sống có trần thủng lỗ chỗ, khu vực nhà vệ sinh còn mất hẳn mái khiến mỗi khi trời mưa, nước ngập lênh láng khắp nhà. Mỗi khi các con cần giải quyết những nhu cầu bình thường, bà Hương đều phải ép buộc bọn trẻ đội mũ bảo hiểm và mặc áo mưa vào để tránh ướt quần áo và vật thể lạ từ trên trần rơi xuống.

Đáng nói hơn, mỗi khi trời có mưa lớn, bà Hương phải dắt 2 người con sang nhà hàng xóm để ở nhờ vì lo lắng căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Trần nhà thủng chìa cả mái tôn trong căn nhà của ông Dương Văn Chiến.

Trần nhà thủng chìa cả mái tôn trong căn nhà của ông Dương Văn Chiến.

“Lãnh đạo đã hứa nhiều rồi”

Cuối tháng 7/2023 nhà ông Nguyễn Đình Tuất (78 tuổi, tổ dân phố Đồi, phường Bách Quang) bị đổ khiến chị Nguyễn Thị Ngọc Bình (con dâu) bị thương tích phải nằm viện điều trị hơn 10 ngày.

Ông Tuất cho biết, căn nhà 4 gian hiện là nơi sinh sống của 8 nhân khẩu trong gia đình được xây dựng từ năm 1975 bằng cát và vôi. Từ năm 1997, tỉnh Thái Nguyên chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Cách mạng tháng 10 TP Sông Công khiến căn nhà rơi vào diện quy hoạch và không thể sửa chữa, xây mới.

“Kể từ đó đến nay, trải qua thời gian, căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng. Những thanh gỗ đòn nâng đỡ mái ngói đã bị mối mọt ăn rỗng bên trong nên chỉ cần lực nhỏ tác động là có thể đổ sập. Hôm đó, con dâu tôi bắc ghế lên để lấy quần áo cho các cháu đi học thì bất ngờ mái ngói đổ sập xuống khiến bất tỉnh tại chỗ, phải khâu 5 mũi và nằm viện điều trị hơn 10 ngày”, ông Tuất kể.

Sau khi sự việc trên xảy ra, ông Tuất có làm đơn và được chính quyền phường Bách Quang cho sửa chữa lại phần mái bị sập chứ không thể xây mới. Điều ông Tuất bức xúc nhất là khởi nguồn từ một dự án rất được người dân đồng tình, nhưng bây giờ dự án đó lại quay lại hành dân. Bản thân ông Tuất mong muốn tỉnh Thái Nguyên nhanh chóng triển khai, hoàn thiện dự án để dân bớt nơm nớp lo sợ khi ở tại chính căn nhà của mình.

Căn nhà cũ của ông Nguyễn Đình Tuất có nhiều hư hỏng nhưng do vướng dự án treo nên không thể đập đi xây lại.

Căn nhà cũ của ông Nguyễn Đình Tuất có nhiều hư hỏng nhưng do vướng dự án treo nên không thể đập đi xây lại.

Cũng nằm trong diện tích quy hoạch, căn nhà cấp 4 có tuổi đời hơn 30 năm của gia đình ông Dương Văn Chiến bị hư hại nặng, có thể sập bất cứ lúc nào.

Không thể xây mới, ông Chiến và con trai chỉ còn cách dùng những thanh gỗ nhỏ nẹp từng mảng trần bị hư hỏng và bắt thêm kết cấu đỡ bằng thép và trần nhựa để mưa đỡ dột vào nhà.

“Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Cách mạng tháng 10 TP Sông Công qua nhiều đời chủ tịch. Khi mới lên, ai cũng hứa hẹn sẽ sớm triển khai để đảm bảo cuộc sống của người dân, nhưng sau đó đâu vẫn đóng đấy. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng thường xuyên đưa sự việc ra để kiến nghị nhưng không có kết quả”, ông Chiến nói.

Theo UBND TP Sông Công, Thái Nguyên thì dự án quy hoạch chung thị xã Sông Công (trước đó) được phê duyệt vào năm 1997. Trong đó, đường Cách mạng tháng 10 được quy hoạch mở rộng ra thành 42m. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên phải đến năm 2021 dự án mới bắt đầu được triển khai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 201 tỷ đồng, vốn ngân sách. Thời gian thi công, hoàn thiện và quyết toán dự án từ năm 2023 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ