Quyết định trên căn cứ vào nội dung thanh kiểm tra công tác chuyển mục đích sử dụng đất tại huyện Hóc Môn.
Đã có dấu hiệu sai phạm
Theo Thanh tra TPHCM, qua kiểm tra ngẫu nhiên 100 trường hợp được chuyển mục đích sử dụng sang đất ở có diện tích lớn trong số 1.392 hồ sơ nhà đất bị trễ hẹn. Thanh tra TPHCM xác định có đến 89 trường hợp thành phần hồ sơ chưa hợp lệ nhưng vẫn được cơ quan có thẩm quyền tại huyện Hóc Môn thông qua.
Đặc biệt, thông tin này được ghi nhận tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2020 (ngày 3/11/2020) tại TPHCM khi Sở TN&MT TPHCM báo cáo công việc.
Cụ thể, năm 2015 và 2016, UBND huyện Hóc Môn tiếp nhận 5.802 hồ sơ chuyển mục đích sang đất ở, giải quyết được 4.921 hồ sơ với tổng diện tích 289ha. Trong đó, 1.392 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất ở có diện tích đất lớn hơn 500m2.
Từ 1.386 hồ sơ giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở huyện Hóc Môn trong giai đoạn trên, đoàn thanh tra chọn 100 hồ sơ có diện tích đất ở lớn từ 500m2 đến 6.658 m2 (thuộc 3 nhóm quy hoạch 1/2.000, 1/5.000 và 1/10.000) để kiểm tra thì phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Về thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở, chỉ có 11 hồ sơ hợp lệ. Nhiều trường hợp có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không ghi thời gian. 71 trường hợp thiếu thành phần hồ sơ, như: Không có biên bản xác minh thực địa, không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, biên bản xác minh nhu cầu sử dụng đất không có chữ ký…
Dấu hiệu vi phạm được thanh tra chỉ rõ như sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất ở, một số chủ đất đã tiến hành tách thửa đất, chuyển nhượng. Các thửa đất không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch và quy định kết nối hạ tầng hiện hữu. Thế nhưng cơ quan chức năng huyện Hóc Môn vẫn cho phép tách thửa và cho xây dựng.
Từ các dấu hiệu vi phạm, Thanh tra nhận định UBND huyện Hóc Môn cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nhiều thửa đất với diện tích lớn hơn 500 m2 không xuất phát từ nhu cầu thực sự về nhà ở. Chủ yếu một số cá nhân thu gom đất nông nghiệp sau đó chuyển mục đích sử dụng sang đất ở rồi phân lô bán nền, xây dựng nhà xưởng – nhà kho…
Từ các sai phạm, Thanh tra kiến nghị và UBND TPHCM đã giao công an điều tra, xử lý một số hồ sơ do có dấu hiệu.
Chuyển đổi sai mục đích hàng trăm ha đất nông nghiệp
Hệ lụy từ những sai phạm trên khiến hàng nghìn người dân nhiều năm nay dù có đất ở mà không thể xây nhà. Theo Thanh tra, huyện Hóc Môn đã lập kế hoạch, sử dụng đất năm 2015, 2016 không đúng quy định, tiến độ, không sát với tình hình thực tế.
Nó dẫn đến việc thực hiện theo kế hoạch được duyệt không khả thi. Đơn cử như việc trình UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm và hằng năm của huyện Hóc Môn không bảo đảm tính chính xác và phù hợp số liệu báo cáo giữa các năm.
Cụ thể, theo kế hoạch, đất ở nông thôn tại huyện Hóc Môn năm 2015 được phê duyệt tăng thêm 375ha, đất ở đô thị được tăng hơn 86ha. Tuy nhiên, kết quả thực tế, đất ở nông thôn tăng tới hơn 933ha (vượt 150% kế hoạch), còn đất ở đô thị lại giảm 103ha.
Qua kiểm tra, Thanh tra TPHCM khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở tại huyện Hóc Môn có biểu hiện buông lỏng, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều sai phạm, thiếu sót.
Nhiều trường hợp được Thanh tra TPHCM chỉ rõ dấu hiệu sai phạm như trường hợp ông Phạm Văn Liệu (xã Thới Tam Thôn) có 2.773m2 đã được huyện giải quyết chuyển mục đích và tách thành 14 thửa và ông Liệu đã chuyển nhượng hết cho người khác.
Tương tự, ông Lê Văn Suối (xã Xuân Thới Sơn) chuyển mục đích, tách thửa đất 4.379m2 thành 8 thửa, ông Lâm Thanh Hùng (xã Bà Điểm) tách thửa 4.813m2 thành 7 thửa và đều chuyển nhượng cho người khác xây dựng.
Những sai phạm trên, theo Thanh tra TPHCM, trách nhiệm thuộc về chủ tịch UBND huyện, trưởng phòng TN&MT huyện, trưởng phòng quản lý đô thị và chủ tịch các xã - thị trấn các thời kỳ có liên quan.
Đáng nói, các sai phạm về chuyển mục đích sử dụng đất, công tác quản lý đất đai tại huyện Hóc Môn đã xác định rõ từ rất lâu. Nhưng đến nay hậu quả của nó vẫn chưa được giải quyết. Khiến không ít người dân khổ sở vì lỡ mua đất không hợp pháp.
Ông Dư Huy Quang - Trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM cho biết, các hộ gia đình bị “tắc” mọi giao dịch là do UBND huyện Hóc Môn đang thực hiện các kết luận của Thanh tra TPHCM.
Để thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, tháng 3/2018 Sở TN&MT đã có quyết định thành lập tổ công tác rà soát, phân loại 137 phương án phê duyệt tổng thể mặt bằng, thiết kế hạ tầng kỹ thuật thực hiện tách thửa sai của UBND huyện Hóc Môn (bao gồm đại diện các cơ quan như Sở QH-KT, Sở Xây dựng, Thanh tra TP) nhằm tìm kiếm phương án, đề xuất giải pháp xử lý trình UBND TPHCM.
Tuy nhiên, đến nay Sở TN&MT vẫn đang trong quá trình tổng hợp ý kiến các sở, ngành và các đơn vị có liên quan để đề xuất tham mưu TP xem xét hướng xử lý cụ thể cho từng phương án khiến người dân dở khóc, dở cười.