Quận Bình Thủy (Cần Thơ): Sai phạm đất đai, nhiều cán bộ bị khởi tố

Những sai phạm nào khiến lãnh đạo, cán bộ chủ chốt quận Bình Thủy vướng vòng lao lý?

Hàng loạt lãnh đạo quận sai phạm

Quận Bình Thủy (Cần Thơ): Sai phạm đất đai, nhiều cán bộ bị khởi tố ảnh 1
Công an tiến hành lệnh bắt ông Lê Văn Trứ, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thủy vào ngày 16/7.

TP Cần Thơ, trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đón làn sóng nhập cư và các dự án đầu tư. Theo đó, nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao, giá cả đất đai cũng tăng liên tục. Đây là cơ hội để một số đối tượng "xé rào", chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định; tách thửa, chia lô, bán nền; xây dựng nhà không phép, sai phép; san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất; hình thành nhiều khu dân cư tự phát… Trong đó, có sự tiếp tay, buông lỏng quản lý của một số cán bộ, công chức địa phương.

Thanh tra thành phố vào cuộc, phát hiện hàng loạt sai phạm đất đai tại quận Bình Thủy. Thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Bình Thủy tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân liên quan. Đồng thời xem xét, xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm của Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy (người trực tiếp ký văn bản) có liên quan các sai phạm xảy ra tại địa bàn phường Long Hòa. Chuyển hồ sơ liên quan đến việc sai phạm tại phường Long Hòa sang Công an thành phố thụ lý.

Tháng 9/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai tại quận Bình Thủy. Đến nay đã có 5 cán bộ bị khởi tố, đó là ông Lê Văn Trứ, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thủy; Lê Văn Vũ, Phó Phòng TN&MT quận Bình Thủy và 3 cấp dưới là Huỳnh Trung Thanh, Lê Hồng Khánh và Trần Tuấn Anh.

Ngoài ra, 13 cá nhân là cán bộ thuộc Phòng TN&MT, văn phòng đăng ký đất đai quận và UBND phường Long Hòa cũng bị xử lý kỷ luật. Các cán bộ bị khởi tố, điều tra về hành vi "chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật", phạm vào tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Đối với vai trò người đứng đầu, ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận và ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận bị kỷ luật cảnh cáo. UBND thành phố đã điều ông Niệm về Sở Nội vụ; còn ông Tuấn điều về Phòng Tổ chức quận.

Liên quan đến những sai phạm về đất đai tại quận Bình Thủy và truy cứu trách nhiệm lãnh đạo quận. Theo Đại tá Võ Văn Thăng, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Công an thành phố đang xin ý kiến các cơ quan Trung ương. "Công an thành phố đã có quyết định trưng cầu giám định về chuyên môn và giám định về thiệt hại của vụ việc, gửi Bộ TN&MT để có kết luận. Hiện Công an thành phố chưa có kết luận về nội dung này…", Đại tá Thăng cho biết.

Công tác quản lý đất đai yếu kém

Quận Bình Thủy (Cần Thơ): Sai phạm đất đai, nhiều cán bộ bị khởi tố ảnh 2
Lực lượng chức năng phá dỡ cầu nối vào khu dân cư tự phát ở quận Bình Thủy.

Theo kết luận thanh tra, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn quận Bình Thủy có nhiều sơ hở, yếu kém. Cho phép điều chỉnh loại, chuyển mục đích sử dụng đất sai quy định. Tách thửa, chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép. San lấp kênh rạch, lấn chiếm đất; hình thành nhiều khu dân cư tự phát cơ sở hạ tầng thấp kém...

Sai phạm nổi cộm là tại phường Long Hòa. Cụ thể là trường hợp vợ chồng ông Sử Quang Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Ngành chức năng quận Bình Thủy đã buông lỏng quản lý, ưu ái, dễ dàng để ông Thái, bà Tuyền được chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chia lô, bán nền, cấp phép xây dựng trái với quy hoạch được duyệt. Để xây dựng nhà sai phép, không phép nhưng không kiên quyết xử lý. San lấp rạch Mù U trái phép để làm đường đi tại khu vực Bình Nhựt (phường Long Hòa)… Hình thành nên khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém, xuống cấp, ảnh hưởng đến việc khai thác quỹ đất của thành phố... Ngoài ra, ông Thái còn được cho phép điều chỉnh vị trí đất ở đô thị, nhận chuyển nhượng đất lúa sai quy định.

Kế đến là trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất cây lâu năm thành đất ở đô thị của ông Lê Đức Thành với diện tích gần 1ha (trong đó có khoảng 0,66 ha chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với quy hoạch). Ông Thành còn nhận chuyển nhượng đất lúa sai quy định, khu đất này được sử dụng chủ yếu làm bến xe Thành Bưởi (theo quy định phải là đất chuyên dùng). UBND quận Bình Thủy còn cho phép ông Nguyễn Việt Thảo và bà Nguyễn Thị Ánh Loan điều chỉnh 4.175,6 m2 từ đất lúa thành đất cây lâu năm không có cơ sở…

Nghiêm trọng hơn là các ngành chức năng quận Bình Thủy buông lỏng quản lý, cho phép một số hộ tách thửa, chia lô, nhằm hình thành khu dân cư tự phát, không đúng chủ trương của UBND TP Cần Thơ…. Diện tích đất sai phạm khoảng 2ha. Nguyên nhân chính để ra các sai phạm do UBND phường Long Hòa, các phòng ban chuyên môn và UBND quận Bình Thủy không tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý…

TP Cần Thơ thành lập Tổ công tác tham mưu, xử lý khu dân cư trái phép. Kết quả quận Bình Thủy để xảy ra nhiều nhất và nghiêm trọng nhất. Theo đó, quận Bình Thủy có đến 89 khu dân cư trái phép, với tổng diện tích gần 74ha. Khu dân cư trái phép nhiều nhất tập trung ở phường Long Hòa (31 khu). Các khu tự phát này có 1.955 công trình nhà ở đã xây dựng, nhưng chỉ có 772 công trình xây dựng có phép, còn 1.183 công trình không phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động