Huyện Hoài Đức tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học cấp tiểu học

GD&TĐ - Sáng 15/10, Phòng GD&ĐT Hoài Đức (Hà Nội) đã tổ chức tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường cấp tiểu học. 

Các giáo viên và cán bộ quản lý cấp tiểu học huyện Hoài Đức tập trung nghe chia sẻ từ diễn giả về thực hiện chương trình mới.
Các giáo viên và cán bộ quản lý cấp tiểu học huyện Hoài Đức tập trung nghe chia sẻ từ diễn giả về thực hiện chương trình mới.

Hiểu rõ về mục tiêu chương trình mới

Tham dự chương trình có TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); ông Vương Văn Lâm – Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức cùng hơn 200 cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên cấp Tiểu học trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Phát biểu khai mạc, ông Vương Văn Lâm – Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức nhấn mạnh, sau hai năm triển khai thực hiện Chương trình mới đối với lớp 1 và lớp 2, bên cạnh việc quan tâm, đầu tư của các cấp thì các nhà trường đã chủ động trong việc khắc phục điều kiện thực tế; xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung học tập.

Đặc biệt việc tổ chức dạy học đã được giáo viên linh hoạt, chủ động áp dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục để phù hợp với tâm lý học trò. Tất cả học sinh lớp 1, lớp 2 của huyện được học 2 buổi/ngày, mỗi lớp được bố trí 1 phòng học với cơ sở vật chất và sĩ số đảm bảo quy định tại Điều lệ trường Tiểu học.

Ông Vương Văn Lâm – Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức nêu một số điểm nổi bật của ngành Giáo dục Hoài Đức trong thực hiện chương trình SGK mới thời gian qua.

Ông Vương Văn Lâm – Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức nêu một số điểm nổi bật của ngành Giáo dục Hoài Đức trong thực hiện chương trình SGK mới thời gian qua.

Các lớp học còn lại đang áp dụng Chương trình GDPT 2006 cũng được các nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để học sinh tiếp cận dần với Chương trình GDPT 2018. Đánh giá chung về việc triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 1 và 2 ở cấp tiểu học cơ bản ổn định; bước đầu ghi nhận tín hiệu tốt khi học sinh hứng thú tham gia, phụ huynh cũng chia sẻ, đồng thuận cao...

Tại buổi tập huấn, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đã có một số chia sẻ về nội dung nâng cao năng lực thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học; nhấn mạnh vai trò của giáo viên, tổ trưởng chuyên môn trong thực hiện chương trình phổ thông. Ông cũng làm rõ khái niệm Chương trình GDPT 2018 và nguyên tắc triển khai thực hiện ra sao.

Có hơn 200 cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên tiểu học tại huyện Hoài Đức đã tham dự tập huấn.

Có hơn 200 cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn và giáo viên tiểu học tại huyện Hoài Đức đã tham dự tập huấn.

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng tiếp cận phẩm chất, năng lực học sinh. Thực tế cho thấy, mỗi cá thể học sinh là duy nhất. Xã hội không thể phát triển bằng 1 sự đồng loạt, giáo dục cần tôn trọng sự khác biệt đó. Phẩm chất, sự khác biệt của học sinh phải được nuôi dưỡng, tôn trọng. Nếu số lượng nơ-ron thần kinh nằm bên trái nhiều thì trẻ có nhiều sở trường về Toán học. Nếu nằm nhiều bên phải thì trẻ có thiên hướng về cảm xúc, nghệ thuật, vận động thô như thể thao, âm nhạc…

Ví dụ câu chuyện người mẹ đã động viên, khích lệ cho con mình là Edison – tác giả sáng chế ra bóng đèn điện cho thấy, nếu được động viên tích cực thì trẻ sẽ phát triển khả năng sáng tạo của mình. Mỗi người do có sự phân bố tế bào nơ-ron thần kinh khác nhau trên vỏ não, mỗi em có 1 năng lực khác nhau nên phải nuôi dưỡng, sáng tạo mọi năng lực cho học sinh.

"Chúng ta hãy để cho đứa trẻ thoải mái được phát triển theo năng lực riêng. Ví dụ, trong chuồng có 7 con bò, hỏi sáng hôm sau bác nông dân mở cửa thì có bao nhiêu con ra ngoài. Mỗi em sẽ có những đáp án khác nhau, miễn sao giải thích đúng chứ ta không nên quy định chỉ có 1 đáp án" - TS Thái Văn Tài giải thích.

Đổi mới trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học nhấn mạnh tới các yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình mới.

TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học nhấn mạnh tới các yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình mới.

Tại buổi tập huấn, vị diễn giả cũng có những phân tích sự giống và khác nhau giữa Kế hoạch giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 với Chương trình GDPT 2006.

Theo chương trình mới, chúng ta phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của giáo viên thì mới làm đúng. Trước đây, Bộ GD&ĐT xây dựng một thời khóa biểu cho toàn quốc. Còn hiện nay theo chương trình mới sẽ có sự phân cấp tới từng giáo viên và tổ chuyên môn.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cũng nêu một số lưu ý về giáo dục STEM trong chương trình bậc tiểu học. Việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học được áp dụng theo Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT. Trong đó, có hình thức thư khen học sinh ở mỗi một năng lực, sở trường, điểm nổi bật của mỗi em, nhiều địa phương đã làm rất tốt việc này. Việc xây dựng kế hoạch nhà trường cũng cần linh hoạt và phù hợp với thực tế từng đơn vị...

Nhận định sau khi kết thúc chương trình, Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức Vương Văn Lâm khẳng định, nội dung buổi tập huấn hôm nay là rất hữu ích đối với mỗi giáo viên và cán bộ quản lý. Các thầy cô đã tập trung theo dõi, trao đổi ý kiến của cá nhân, của đơn vị mình trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 để được vị diễn giả giải thích kịp thời.

"Tôi cũng đề nghị các cán bộ chuyên viên cấp tiểu học tập trung nắm bắt nội dung để có chỉ đạo đúng hướng đối với nhiệm vụ chuyên môn của cấp học. Các nhà trường phải triển khai nội dung hôm nay đến toàn thể giáo viên trong trường để tổ chức có hiệu quả việc thực hiện chương trình đối với lớp 1, 2, 3 và vận dụng sáng tạo vào việc thực hiện chương trình đối với lớp 4, 5 nhằm đạt được mục tiêu dạy học phát triển năng lực và phẩm chất học sinh" - đại diện ngành Giáo dục Hoài Đức nói.

Chia sẻ sau khi dự tập huấn, cô Chu Thị Thêu - Giáo viên Trường Tiểu học La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ sự tâm đắc với những nội dung được lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học trình bày tại hội nghị. Nhờ những kiến thức này mà cô và các đồng nghiệp đã tự trang bị thêm cho mình nhiều kỹ năng trong thực hiện chương trình giáo dục bậc tiểu học. Ngoài ra, việc đổi mới trong phương pháp giáo dục cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.