Hoài Đức (Hà Nội): Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy

GD&TĐ - Nhìn lại những kết quả đạt được trong năm học vừa qua, ngành giáo dục huyện Hoài Đức (Hà Nội) xác định sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy ở năm học mới 2022-2023.

Toàn bộ các phòng học ở Trường Tiểu học Đông La đều được trang bị máy tính, máy chiếu để phục vụ giảng dạy - học tập cho cô trò nhà trường.
Toàn bộ các phòng học ở Trường Tiểu học Đông La đều được trang bị máy tính, máy chiếu để phục vụ giảng dạy - học tập cho cô trò nhà trường.

Những kết quả tích cực

Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Vương Văn Lâm - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức nhấn mạnh, một trong những điểm nổi bật của năm học 2021-2022 của ngành giáo dục huyện Hoài Đức là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy ở các nhà trường. Do đó, trong năm học mới 2022-2023, huyện Hoài Đức xác định sẽ tiếp tục coi đây là một trong các nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện tốt.

Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo và hướng dẫn các trường học triển khai và ứng dụng tốt CNTT trong công tác quản lý và dạy học. Mặc dù có nhiều biến động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, học sinh nghỉ phòng chống dịch bệnh nhưng việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành, dạy và học được thực hiện rất tích cực.

Các nhà trường sử dụng, khai thác mạng internet vào các hoạt động rất hiệu quả, chất lượng như dạy học trực tuyến, tuyên truyền giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, tổ chức cơ quan trực tuyến, kiểm tra định kỳ cuối năm học; họp cha mẹ học sinh... Nhiều trường đã quan tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ thiết thực trong mọi hoạt động.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức tặng thưởng cho các em học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2021-2022.
Lãnh đạo huyện Hoài Đức tặng thưởng cho các em học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2021-2022.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, khi phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhiều trường đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc dạy học trực tuyến và kiểm tra cuối năm học nhằm đảm bảo mục tiêu kép rất hiệu quả, tạo được sự hài lòng của cha mẹ học sinh. Tiêu biểu là các trường THCS Đông La, Nguyễn Văn Huyên, Yên Sở; các trường Tiểu học An Thượng A, Vân Canh, Di Trạch, Cát Quế A, Yên Sở...

100% các trường đã có Website, đảm bảo mỗi đơn vị có 2 đường truyền cáp quang tốc độ cao do 2 nhà mạng cung cấp phục vụ cho các hoạt động ứng dụng CNTT cũng như hoạt động của nhà trường. Các trường đã tập trung đầu tư mua sắm bổ sung máy tính, máy chiếu, màn hình LCD phục vụ tốt công tác giảng dạy.

Ứng dụng CNTT trong công tác tuyển sinh trực tuyến vào các trường Mầm non, lớp 1, lớp 6 đảm bảo đúng tiến độ, nghiêm túc, hiệu quả vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh. Tỷ lệ tuyển sinh trực tuyến vào trường mầm non đạt 23.3%, Tiểu học đạt 80,75%, THCS đạt 84,22% - cao hơn cùng kỳ năm học trước.

Các giáo viên mầm non tích cực tham gia làm đồ dùng đồ chơi và 1 số sản phẩm cho trẻ trải nghiệm.

Các giáo viên mầm non tích cực tham gia làm đồ dùng đồ chơi và 1 số sản phẩm cho trẻ trải nghiệm.

Về triển khai chương trình GDPT 2018, huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học; xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung; phối hợp với Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và các cơ sở đào tạo tổ chức bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT phù hợp với kế hoạch.

Phối hợp với các nhà xuất bản sách giáo khoa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2, lớp 6. Chỉ đạo các nhà trường phân công hợp lý đội ngũ giáo viên dạy lớp 2, 6 đảm bảo chất lượng bộ môn. Các nhà trường tuyên truyền việc lựa chọn sách giáo khoa cho cha mẹ học sinh và học sinh được biết, đảm bảo công khai, minh bạch.

Số trường chuẩn quốc gia không ngừng tăng lên

Điều kiện học tập của học sinh trên địa bàn huyện Hoài Đức ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao.

Điều kiện học tập của học sinh trên địa bàn huyện Hoài Đức ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao.

Cũng theo đại diện ngành giáo dục Hoài Đức, năm học 2021-2022, toàn ngành được UBND TP Hà Nội công nhận chuẩn Quốc gia đối với 6 trường. Trong đó cấp mầm non có 3 trường (Lại Yên nâng chuẩn mức độ 2, Sơn Đồng mức 2, An Thượng A mức 1); cấp tiểu học có 2 trường (Yên Sở và Dương Liễu A); cấp THCS có 1 Trường THCS Lại Yên.

Như vậy, toàn huyện có 60/77 trường công lập đã đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 77,9%; tăng 2 trường so với cùng kỳ năm trước. Trong đó cấp THCS: 20/22 (đạt 90,9%), cấp Tiểu học 19/25 (đạt 76%), cấp Mầm non 21/30 (đạt 70%). Số trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 là 6/60 trường đạt tỉ lệ 10%, tăng 2 trường so với năm trước.

Hệ thống thư viện trường học từng bước được củng cố và phát triển. Hiện nay toàn huyện đã có 43/47 thư viện trường học được công nhận đạt chuẩn trở lên. Trong đó có 1 thư viện xuất sắc, 11 thư viện tiên tiến và 32 thư viện đạt chuẩn, tăng 1 thư viện tiến tiến so với năm trước, đạt 91,5% vượt chỉ tiêu chung toàn thành phố.

Thư viện Trường THCS Đông La được sắp xếp, bố trí theo hướng thân thiện với người đọc.

Thư viện Trường THCS Đông La được sắp xếp, bố trí theo hướng thân thiện với người đọc.

Hoạt động của các thư viện đã có sự chuyển biến rõ nét, đổi mới, sáng tạo phục vụ tốt nhu cầu đọc của học sinh, giáo viên. Tiểu biểu là thư viện các trường Tiểu học Vân Canh, Cát Quế A, Cát Quế B, An Khánh B; các trường THCS Vân Côn, Đông La, Cát Quế B, Nguyễn Văn Huyên.

Ngoài ra, trong năm do diễn biến của dịch bệnh Covid 19 nên toàn ngành không tổ chức các hoạt động TDTT cấp huyện, chỉ tham gia cuộc thi bơi cấp thành phố và Quốc gia. Kết quả có 1 học sinh đạt giải Nhất cấp thành phố và giải Ba cấp Quốc gia môn bơi.

Trong dịp hè, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS, Tiểu học tổ chức xây dựng Kế hoạch phổ cập bơi, kết quả có 23 bể bơi di động được lắp đặt, dạy bơi cho 2.939 lượt học sinh và phục vụ hàng chục nghìn lượt bơi tự do, trong đó số học sinh biết bơi 2.735 em, đạt tỷ lệ 93%. Số học sinh được phổ cập bơi trong hè là 3.916 em...

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT Hoài Đức Vương Văn Lâm, năm học tới ngành giáo dục huyện Hoài Đức sẽ nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng với các yêu cầu cốt lõi, trọng tâm các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018...

"Chúng tôi sẽ phối hợp với phòng Tài chính-Kế hoạch huyện nghiên cứu tham mưu UBND huyện chỉ đạo đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện lộ trình tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện Nghị quyết số 19 của TW. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; phát triển hệ thống trường học ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội..." - ông Vương Văn Lâm nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.