Ban ngày có thể chạy, nhưng đêm thì…
Chị Phạm Thị Thương (31 tuổi, đường A Khanh, thị trấn Đăk Glei) cho biết, gia đình chị sống dưới chân núi đã nhiều năm nay. Những hôm mưa lớn, từng mảng đất lớn sạt lở, bắn nằm vương vãi dưới chân núi. Lo sợ tính mạng gia đình mình bị đe doạ, cả nhà thức trắng nhiều đêm. Đồ đạc quan trọng cũng được gia đình chị chuyển ra gian nhà trước đề phòng núi lở.
Không chỉ tại thị trấn Đăk Glei, ở xã Đăk Pék người dân cũng sống trong tình trạng tương tự. Nhiều khu vực đồi được người dân khoét sâu vào để lấy mặt bằng làm nhà. Mỗi khi mưa lớn, đất đá trượt dài, sạt lở sát chân nhà dân.
Ông A Nhoong (71 tuổi, thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pék) cho biết, căn nhà của gia đình ông nằm lọt thỏm dưới chân núi. Mỗi khi mưa lớn, đất trên núi trước nhà cứ sạt lở xuống dần. Bên cạnh đó, ngọn núi cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Phía sau nhà cũng đang bị dòng sông Pô Kô bào mòn dần vào móng.
Cũng theo ông A Nhoong, trong cơn bão số 9 vừa qua, mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến đất trên núi theo nước trượt dài. Không những vậy, nước sông Pô Kô dâng cao, mấp mé nhà. Lo sợ tính mạng của những người trong gia đình bị đe dọa, ông đưa mọi người đến nhà văn hóa thôn trú tạm.
“Cứ mỗi đợt mưa lớn tôi vô cùng lo sợ tính mạng của gia đình bị đe doạ. Bởi trước nhà tôi là núi, sau lưng lại là sông. Trời cứ mưa lớn, tôi không biết khi nào núi đổ ập xuống nhà hay dòng sông nuốt chửng mọi thứ. Những ngày bão lũ, cả nhà chẳng ai yên tâm mà ngủ ngon được”, ông A Nhoong nói.
Những hôm mưa lớn, người lớn bé trong gia đình anh Hoàng Văn Trung (32 tuổi, trú thôn 14B, xã Đắk Pék) chạy loạn vì lo sợ ngọn đồi có thể đổ xuống nhà.
“Ban ngày nếu núi lở thì gia đình còn biết mà chạy, chứ đêm hôm chẳng biết đâu mà lần. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, có cách giải quyết, khắc phục. Từ đó để người dân chúng tôi yên tâm sinh sống, lao động, đặc biệt mỗi khi mưa lớn không còn nơm nớp lo sợ”, anh Trung tâm sự.
Nguy cơ mất an toàn cho hàng trăm học sinh
Sạt lở không chỉ đe dọa nhà dân, hơn 260 học sinh và hàng chục giáo viên trường mầm non xã Đăk Pék cũng thấp thỏm ngày đêm. Cơn bão số 9 vừa qua khiến đất đá trên núi lăn xuống khu nhà ở nhân viên và bếp ăn của trường.
Cô giáo Trần Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng trường cho biết, phía sau trường có một quả đồi lớn. Tuy nhiên, cây cối ít nên mỗi khi mưa lớn, từng lớp đất bị bào mòn, sạt lở. Chính vì vậy, giáo viên và phụ huynh luôn nơm nớp lo sợ ngọn đồi có thể đổ ập xuống và để lại những hậu quả đáng tiếc.
Bà Y Kim Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Pék cho biết, xã có địa hình một bên là núi, bên còn lại là vực. Do đó, mỗi khi mưa xuống đất đá từ trên núi sạt lở xuống, bên cạnh đó cũng gây ngập sâu ở đường sá, nhà dân.
Theo bà Y Kim Lý, xã có 7 tuyến đường, nhưng mỗi khi mưa lớn đều bị sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt tại điểm trường mầm non của xã tại thôn Đăk Rang, vừa qua đất đá sạt lở chỉ còn cách lớp học khoảng 2m. Riêng tại thôn 14B, có tới 35 căn nhà bị sạt lở và ngập nước.
Vị chủ tịch xã cho hay, mỗi khi mưa lớn, bão lũ người dân ở thôn 14B đều được di dời đến nơi an toàn để tránh sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng.
Về vấn đề này, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết, địa phương có địa hình vô cùng hiểm trở. Bởi một bên là thung lũng, một bên là núi cao vực sâu. Chính vì vậy, mỗi khi mưa lớn người dân luôn phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, ngập lụt.
Theo bà Y Thanh, người dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, huyện không đủ kinh phí để hỗ trợ cho người dân đến nơi an toàn. Chính vì vậy, địa phương đã báo cáo lên UBND tỉnh để có biện pháp xử lý.
“Những hôm mưa lớn hay bão lũ, địa phương sẽ tổ chức di dời người dân sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn”, bà Y Thanh nói.