(GD&TĐ) - Tại xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khoảng từ thế kỷ XVII, khi những người dân tộc Thái đầu tiên đặt chân lên cánh rừng, ngọn đồi, khe núi để lập bản thì người ta đã thấy các dãy mộ cổ được sắp xếp trật tự không biết có từ bao giờ. Sự bí ẩn đó đã tồn tại ít nhất gần 500 năm nay, nhưng vẫn chưa được các nhà khoa học lý giải.
Vùng đất mạch phát
Trước đây, xã vùng cao Trung Thành chỉ là một chòm dân cư tập trung sinh sống ở gần cuối dòng suối Quýt đổ ra sông Mã (tại địa bàn bản Chiềng, xã Trung Thành ngày nay). Sau này dân cư đông đúc hơn, Trung Thành được tách thành ba xã Trung Thành, Trung Sơn và Thành Sơn.
Tương truyền, ngày xưa, có hai anh em người dân tộc Thái từ Mường Ca Da tên Biện và Mầu, lặn lội khắp nơi tìm đất lành lập bản và cuối cùng đã dừng lại nơi này. Khi đó, đây là vùng đất hoang vu, không người, chỉ có tiếng hổ và thú rừng ngày đêm gầm rú. Họ đã dựng lều, khai hoang piềng bãi dọc ven sông, suối, đồi thấp. Trải qua hàng trăm năm, sự phồn thịnh, ấm no ở nơi này khiến ngày càng có nhiều dòng họ như họ Phạm, họ Hà, họ Lương từ nơi khác theo về đây sinh sống, lập bản mường cho đến tận bây giờ...
Một góc ở xã Trung Thành, huyện Quan Hóa; |
Vượt hơn 100 km đường rừng chúng tôi tìm đến nhà cụ Phạm Bá Ngoằng (70 tuổi), ở bản Phai, xã Trung Thành, một trong những già làng nhiều tuổi của vùng. Đầu đội chiếc mũ vải đen, đôi mắt sắc, nhanh, cụ nắm chặt tay khách. Trong ngôi nhà sàn ấm cúng, cụ Ngoằng kể lại: “Vùng đất nhìn ngang thấy núi, nhìn xuống thấy sông này có nhiều điều mà dân bản chưa lý giải được. Những điều cấm kỵ từ những vật linh thiêng như hòn đá Han dưới dòng suối Quýt ở bản Chiềng; hòn đá bốn chân (ma ngao) được coi là thủy thần... đều được dân bản gìn giữ như những gì mà tổ tiên khai hoang để lại. Thời điểm bị giặc ngoại xâm chiếm đóng, vùng đất Mường Lè này cũng nằm trong tầm để ý của giặc phương Bắc. Đồng bào tin rằng, ngọn núi Khò Hùng ở bản Cá ngày nay có hình dáng rồng cuộn được coi là mạch phát của cư dân cả vùng. Biết vậy, quân giặc đã tìm cách đào đứt ngọn núi có dáng rồng cuộn thành ba mạch nhằm phá sự ổn định và niềm tin của dân trong vùng”.
Cụ Phạm Bá Ngoằng |
Ám ảnh thú dữ
Bên ánh lửa bập bùng, đêm ở rừng bản Phai càng trở nên tĩnh lặng, huyền bí hơn, vẻ mặt cụ Ngoằng như trùng xuống khi kể về những câu chuyện xưa: Vùng đất này xưa nhiều hổ lắm, riêng gia đình cụ 3 người đã bị hổ ăn thịt. Đã thành bản làng rồi, nhưng thú dữ vẫn luôn rình rập khắp gầm nhà sàn. Gặp người là hổ vồ ăn thịt, đặc biệt là con gái. Cụ nói: Con gái đất này rất đẹp, nước da trắng, mái tóc đen, dài mượt mà như dòng suối Quýt. Do đó, nhiều người cho rằng, con gái thường bị hổ rình rập để ăn thịt là vậy. Nhớ lại cách đây vài chục năm trước, một người thân của cụ Ngoằng cũng bị hổ dữ vồ khi đang ngồi dưới chân nhà sàn chải tóc, con hổ đã kéo người xấu số vào rừng và khi dân bản tìm thấy thì chỉ còn một phần thi thể.
Con gái ở xã Trung Thành có tiếng là đẹp và khéo Ảnh: Nguyễn Quỳnh |
Nói về những câu chuyện ly kỳ nơi đây, ông Phạm Bá Ngọc - Trưởng bản Phai lý giải: "Hổ cứ gặp người là ăn thịt. Phụ nữ thường phải dậy sớm xuống sàn lo cơm nước nên thường bị hổ ăn thịt là vậy. Cả vùng, có tới hàng chục người đã bị hổ ăn thịt. Thậm chí mộ của những người dân bản chết còn bị hổ đào bới lên, nhưng có điều kỳ lạ là nơi đây có hàng trăm ngôi mộ đá cổ tầng tầng, lớp lớp, nhưng không ngôi mộ nào bị hổ đụng đến. Tin vào sự linh thiêng che chở của thế giới thần linh, người dân nơi đây đã chôn cất người chết xen kẽ với những ngôi mộ đá”.
Chén nước lá rừng làm dịu đi cơn mệt mỏi khi đi bộ đường rừng, nhưng điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là vùng đất xưa kia muông thú khắp nơi, nay lại hoang vắng chẳng một tiếng chim kêu… Thú rừng mất dần khi con người xuất hiện và can thiệp sâu vào thiên nhiên. Những ngôi mộ cổ ở Trung Thành cũng đang dần mất đi hiện trạng khi chưa từng được lý giải.
Nguyễn Quỳnh
Kỳ II: Những ngôi mộ cổ chưa lời giải