Huyện Ba Vì (Hà Nội) tập huấn phòng chống tai nạn thương tích trong trường học

GD&TĐ - Ngành Giáo dục huyện Ba Vì xác định, để đảm bảo an toàn cho học sinh tại các nhà trường thì cần làm tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích.

Diễn giả tại chương trình mô phỏng trực quan một trong số các cách sơ cứu ban đầu với người bị thương.
Diễn giả tại chương trình mô phỏng trực quan một trong số các cách sơ cứu ban đầu với người bị thương.

Thực hiện Kế hoạch số 3373/KH-SGDĐT của Sở GD&ĐT Hà Nội, sáng 4/11, Phòng GD&ĐT Ba Vì (Hà Nội) đã phối hợp với Viện Khoa học An toàn Việt Nam tổ chức buổi tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ phòng chống tai nạn thương tích cho các trường mầm non, Tiểu học, THCS, Phổ thông cơ sở, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn huyện.

Về dự và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học có TS Nguyễn Danh Khoa - Giám đốc Viện Khoa học An toàn Việt Nam; ông Nguyễn Danh Cường - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì; các chuyên viên phòng GD&ĐT và 361 học viên là cán bộ quản lý, cán bộ y tế, bí thư Đoàn thanh niên, Tổng phụ trách Đội các nhà trường trực thuộc.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Ba Vì nhấn mạnh, việc chú trọng về phòng chống tai nạn thương tích nhằm hạn chế, giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, đảm bảo tính mạng và sức khỏe của học sinh trong các nhà trường. Đồng thời nâng cao nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh về đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn trong và ngoài trường học.

Đông đảo cán bộ quản lý, nhân viên y tế của các trường học trên địa bàn huyện Ba Vì đã tham dự tập huấn.

Đông đảo cán bộ quản lý, nhân viên y tế của các trường học trên địa bàn huyện Ba Vì đã tham dự tập huấn.

Theo TS Nguyễn Danh Khoa, để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ, trước tiên cần dạy cho trẻ hiểu, tai nạn thương tích là khó tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày, điều quan trọng là chúng ta xử lý ra sao. Trẻ cần phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm. Biết thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như: cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi…

Các em phải được dạy để biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu: học cách xử lý khi bị thương nhẹ, cách sơ cứu khi bị chảy máu, biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn; phòng tránh và xử lý khi bị gãy tay, chân, cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi ở nhà một mình, khi đi chơi, khi ở trường học. Cách phòng tránh và xử lý khi bị bỏng…​

Để phòng tránh tai nạn thương tích xảy ra khi đi dã ngoại, gia đình và nhà trường cần phối hợp thực hiện các việc sau: Trước khi đi, giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ y tế học đường hoặc mời cán bộ y tế tổ chức các buổi nói chuyện và huấn luyện các em một số kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích. Đồng thời tập huấn cho các em một số thủ thuật sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra tai nạn thương tích.

Để phòng ngừa nguy cơ đuối nước, trẻ em cần rèn luyện thể lực và biết bơi theo quy định; khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn; không cho trẻ ra gần ao hồ, sông suối một mình. Ở vùng lũ, học sinh đi học qua sông, suối phải có người lớn đưa và phải đảm bảo an toàn; khi đi đò, thuyền phải mặc áo phao bảo hộ. Để phòng ngừa điện giật, người lớn phải luôn kiểm tra các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch; hệ thống điện phải an toàn, không để dây trần, dây điện hở, bảng điện phải để cao...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ