Hủy bỏ quyết định trục xuất du học sinh: “Giấc mơ Mỹ” có trở lại?

Hủy bỏ quyết định trục xuất du học sinh: “Giấc mơ Mỹ” có trở lại?

Trước đó, chính sách trục xuất người học quốc tế nếu không tham gia các lớp trực tiếp đã khiến nền GDĐH tại Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt trường đang "vật lộn" để đưa ra quyết định về việc có nên hoạt động trở lại hay không. Việc mất lượng lớn SV quốc tế có thể khiến các trường ĐH Mỹ đối mặt với khoản thâm hụt tài chính lên tới hàng triệu USD. Chính sách mới cũng khiến không ít công ty tại Mỹ lo ngại sẽ khó tuyển dụng được nhân viên có trình độ.

Chỉ 2 ngày sau khi chính sách được công bố hôm 6/7, Trường ĐH Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đệ đơn yêu cầu tòa liên bang Mỹ ngăn chặn việc thực thi quy định mới của chính quyền Tổng thống Trump.

Ngày 15/7, thẩm phán Allison D. Burroughs của Tòa án quận Massachusetts tuyên bố trong phiên điều trần rằng, chính phủ đã đồng ý hủy bỏ chính sách và cho phép SV quốc tế ở lại Mỹ, ngay cả khi họ tham gia học trực tuyến.

Theo thống kê, mỗi năm, có khoảng 1 triệu SV quốc tế nộp đơn vào các trường ĐH Mỹ. Những người học này đóng góp 41 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ hằng năm và hỗ trợ hơn 458.000 việc làm.

Ngoài Trường ĐH Harvard và MIT, luật sư của 20 tiểu bang, bao gồm Massachusetts và California, cũng đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Trump với cáo buộc rằng, đây là chính sách "tàn nhẫn và vô nghĩa". Đầu tuần qua, hàng loạt công ty công nghệ, bao gồm Google, Facebook và Twitter, đã bày tỏ sự ủng hộ vụ kiện, với lý do cho rằng, chính sách này sẽ gây tổn hại tới doanh nghiệp. Ngày 14/7, 15 thành viên của đảng Cộng hòa đã ký một bức thư kêu gọi chính quyền ông Trump khôi phục chính sách trước đây đối với SV quốc tế.

Mới đây, ông Rodney Davis - đại diện đảng Cộng hòa Illinois, đã thể hiện sự hoan nghênh trước quyết định hủy bỏ chính sách mới của chính phủ.

"Những SV chăm chỉ này là người tài năng và thông minh nhất đến từ các quốc gia. Họ giúp cộng đồng của chúng ta phát triển cả về văn hóa và kinh tế", ông Davis nhận định.

Các trường ĐH Mỹ cho biết, việc yêu cầu SV quốc tế trở về nếu học trực tuyến hoàn toàn sẽ khiến những người này rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Một số SV có thể sẽ phải xa người thân tại Mỹ, số khác không thể tiếp cận với Internet khi về quê nhà. Đặc biệt, người học đến từ các quốc gia châu Á sẽ bị chênh lệch múi giờ. Điều này có nghĩa là, họ sẽ phải tham gia các lớp học trực tuyến trong khoảng từ 2 - 7 giờ sáng.

Sau khi thông báo hủy bỏ chính sách được công bố, nhà lãnh đạo tại các trường ĐH Mỹ đã ca ngợi quyết định này và cảnh báo rằng, họ sẽ khởi kiện nếu chính quyền thực hiện thêm bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế khả năng học tập của SV quốc tế.

"Đây là một chiến thắng vô cùng to lớn. Chính sách đó đã phá vỡ nền GDĐH Mỹ. Nhiều SV quốc tế nói rằng, quyết định ngày 6/7 đã khiến họ rơi vào nguy hiểm. Hiện tại, những SV của chúng tôi có thể nghỉ ngơi và tập trung vào việc học - đó là tất cả những gì họ muốn làm", Hiệu trưởng Trường ĐH Harvard - ông Lawrence S. Bacow, tuyên bố.

Trong khi đó, ông L. Rafael Reif - Hiệu trưởng của MIT cho biết, sự phản đối quyết liệt là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của SV quốc tế đối với các tổ chức GD, cũng như nghiên cứu và đổi mới tại Mỹ.

"Những người học này làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn và chúng ta sẽ làm tổn thương chính mình khi ngừng ủng hộ họ", ông Reif nhấn mạnh.

Theo NY Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ