“Hút” khách đến Huế với di sản nhà rường

GD&TĐ - Nhà rường không chỉ là di sản đặc trưng cốt cách Huế, mà còn là tâm hồn và lối sống sang trọng của người cố đô.

Từ cổng đến kiến trúc khung gỗ của nhà rường đều mang đặc trưng biểu tượng vùng đất cố đô.
Từ cổng đến kiến trúc khung gỗ của nhà rường đều mang đặc trưng biểu tượng vùng đất cố đô.

Nhà rường Huế là di sản văn hóa gắn liền đời sống cộng đồng với những phong tục tập quán, lễ nghi, gia giáo, gia pháp… đậm chất kinh thành. Bởi vậy, việc bảo tồn và xây dựng thương hiệu nhà rường sẽ giúp Huế “hút” khách tham quan, thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh cố đô.

Đặc trưng nhà vườn xứ Huế

TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho biết, thời gian qua địa phương đang hướng đến việc xây dựng thương hiệu cho nhà rường Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng. Qua đó bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa nhà rường trở thành biểu tượng của Cố đô Huế.

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - khẳng định, nhà rường có ở nhiều nơi nhưng là một di sản đặc trưng xứ Huế. Nhắc đến nhà rường, người ta nghĩ ngay đến Huế. Nhà rường Huế không đơn thuần là ngôi nhà gỗ, bởi khi hình thành nhà rường phải hội đủ nhiều yếu tố: Phong thủy, hoa lá, cây xanh, tường bao, hàng chè tàu tỉa.

Trong xã hội hiện đại, nhiều người nhắc đến biệt thự nhà vườn thì chính nhà rường Huế là “biệt thự nhà vườn” của đất cố đô. Nhà rường chiếm tỉ lệ khiêm tốn trong khu vườn, nhưng lại là một tổ hợp hoàn chỉnh với nhà chính, nhà phụ, am miếu, bình phong, cổng... theo các kiểu chữ Đinh, chữ Khẩu hay “nội Công ngoại Công”.

Theo các nhà nghiên cứu, yếu tố quan trọng nhất của nhà rường là bộ khung gỗ hay bộ giàn trò - một tổ hợp các cấu kiện cột - kèo - xuyên - trến (gọi là trếnh hay trính) - xà - đòn tay được ráp nối với nhau hoàn toàn bằng liên kết mộng, tạo bộ khung vững chắc của công trình.

Kiến trúc hình thành khung gian nhà 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái, nhà 5 gian hay nhà 3 gian... Dù kiểu nào thì tính khép kín và hướng nội của nhà rường Huế thể hiện rất rõ, trong đó ngôi nhà chính - nhà rường luôn chiếm vị trí trung tâm, tạo cho nhà rường Huế nét độc đáo, có giá trị về văn hóa, nghệ thuật.

Nhắc đến nhà rường Huế, không thể bỏ qua cái tên An Hiên nổi tiếng. Ngôi nhà nguyên là phủ An Hiên do một vị quan triều Nguyễn xây dựng cuối thế kỷ 19. Năm 1934, quan Tuần phủ Nguyễn Ðình Chi mua lại. Sau này, vợ ông là bà Xuân Yến (Tuần Chi) đã tạo lập An Hiên thành một khu vườn kiểu Huế.

“Suốt chiều dài lịch sử, Huế thực sự là một thành phố vườn, tiền nhân đã kiến tạo nên một di sản kiến trúc - kỹ thuật - nghệ thuật - lịch sử văn hóa vô cùng đặc trưng là nhà rường xứ Huế.

Xét theo phương diện lịch sử, đây là một di sản kiến trúc vật thể được tiền nhân tạo nên, gắn liền với hoàn cảnh riêng của mỗi cộng đồng, gia tộc, làng xã”, TS Nguyễn Đình Hằng - Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế cho biết.

Nhà rường An Hiên nổi tiếng của Huế.
Nhà rường An Hiên nổi tiếng của Huế.

Kết hợp du lịch – bảo tồn

Nhà rường Huế là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt, nổi bật vai trò chủ nhân - chủ thể di sản văn hóa. Nhà rường với trang phục và món ăn Huế là nếp sống sang trọng tiêu biểu nhất của Việt Nam.

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều hoạt động, dự án triển khai với mục đích trùng tu, phục hồi nhà rường. Sau thời gian dài bị thời tiết bào mòn, nhà rường còn bị những tác động do thực tiễn nhu cầu cuộc sống. Một phần lớn nhà rường mất đi, phần còn lại bị biến dạng do thay đổi kiến trúc hoặc thành nhà hàng, quán xá.

Để gìn giữ và phát huy giá trị nhà rường Huế, từ năm 2015 địa phương này đã ban hành nghị quyết về việc thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Theo đó, đầu tư hỗ trợ trùng tu cho 18 nhà vườn ở Huế, 25 nhà vườn ở làng cổ Phước Tích (Phong Điền).

Tuy nhiên, việc bảo tồn nhà rường vẫn gặp nhiều khó khăn vướng mắc về vấn đề sở hữu - khi phần lớn chủ nhân các ngôi nhà rường đều là đồng thừa kế hoặc đại diện thừa kế. Một số người đang sống trong nhà vườn không có quyền quyết định việc tham gia đề án. Nhiều chủ nhân có tâm lý ngại tham gia vì sợ sẽ không được tự do xử lý kiến trúc nhà trong tương lai.

Một số chủ nhân nhà rường xin không tiếp tục tham gia do kinh phí quá lớn, trong lúc đề án chỉ hỗ trợ cao nhất 700 triệu đồng. Do vậy, thành phố Huế mới chỉ chi được 5,2 tỉ đồng trong tổng số trên 9,3 tỉ kinh phí đề án hỗ trợ trùng tu bảo vệ nhà vườn.

Để thu hút khách du lịch đến với di sản nhà rường Huế, từ năm 2014 dọc tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, các doanh nghiệp đã đầu tư hơn 14 tỉ đồng để xây dựng chỉnh trang, lắp đặt 12 nhà rường tạo không gian hài hòa gắn với kiến trúc khu vực ven sông Hương.

Tính đến tháng 3/2020 đã có 9 nhà vườn tham gia đề án tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách. Trong đó có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay. Có những nhà vườn sau khi trùng tu, tổ chức làm du lịch, dịch vụ đã thu từ 30 - 90 triệu đồng/tháng.

Tháng 10/2021, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế” được tổ chức. Nhiều ý kiến đóng góp trao đổi tìm giải pháp bảo tồn phát triển nhà rường: Xây dựng bảo tàng nhà rường Huế gắn với quảng bá du lịch, phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp du lịch để xây dựng tour, tuyến du lịch sinh thái…

Có thể nói, câu chuyện nhà rường tại Thừa Thiên – Huế đã và đang thu hút sự quan tâm rất lớn của chủ nhân nhà rường, các nhà bảo tồn. Tuy nhiên, để nhà rường trở thành “đặc sản” thu hút khách du lịch, cần có chiến lược cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu và bảo tồn nguyên bản nét đặc trưng Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Cuộc chiến' chủ quyền

GD&TĐ - Dẫn nguồn thạo tin, truyền thông Canada cho hay, nước này có thể áp đặt các biện pháp thuế đáp trả đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Làm sạch và khử trùng các bề mặt “thường xuyên chạm vào” xung quanh nhà. (Ảnh: ITN)

Mẹo dễ dàng làm sạch nhà trước Tết

GD&TĐ - Nghỉ Tết, bạn sẽ dành phần lớn thời gian ở nhà, vì vậy không có gì quan trọng hơn việc bắt đầu làm sạch kỹ càng không gian sống của mình.