Hươu có thể là "ổ" virus gây bệnh Covid-19 nguy hiểm cho con người

GD&TĐ - Các nhà khoa học cho rằng, việc giám sát là cấp thiết vì hươu có thể đóng vai trò như một "ổ" virus Covid-19 lớn và là nguồn gốc làm xuất hiện các biến thể mới.

Du khách ngắm hai con hươu đi dạo trong khu cắm trại Upper Pines ở Thung lũng Yosemite tại Vườn quốc gia Yosemite, California. Ảnh: Apu Gomes/AFP/Getty Images.
Du khách ngắm hai con hươu đi dạo trong khu cắm trại Upper Pines ở Thung lũng Yosemite tại Vườn quốc gia Yosemite, California. Ảnh: Apu Gomes/AFP/Getty Images.

Theo trang The Guardian (Anh), ông Michael Tonkovich đã dành 1 tuần khám phá các cơ sở chế biến thịt hươu và nai quanh bang Ohio, để lấy xác động vật làm xét nghiệm SARS-CoV-2, loại virus gây bệnh Covid-19.

Khi Tonkovich giải thích mục đích của mình, phản ứng phổ biến của những thợ săn tại đây là: “Hãy lo cho bản thân đi. Và có lẽ ông cũng có thể săn bắt những loài động vật này để lấy thịt”.

Tuy nhiên dù những thợ săn này có hiểu rõ lợi ích của nghiên cứu về mối liên hệ giữa loài hươu với virus gây bệnh Covid-19 hay không, ông Tonkovich, quản trị viên chương trình hươu của bộ phận tài nguyên thiên nhiên bang Ohio, vẫn làm điều đó.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 15 bang nước này đã ghi nhận trường hợp hươu đuôi trắng nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học tại Đảo Staten, New York, gần đây cũng lần đầu tiên phát hiện ra biến thể Omicron rất dễ lây lan giữa loài vật này.

Dù Covid-19 không có nguồn gốc từ loài hươu, song mức độ nghiêm trọng của sự tồn tại virus ở hươu đối với con người vẫn chưa rõ ràng. Giới khoa học cũng chưa thể đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus ở loài động vật này.

“Nếu chúng ta nhiễm virus qua nước thải, rác hoặc nguồn nước, chưa có biện pháp nào để phòng ngừa nguy cơ này”, ông nói.

Các nhà khoa học cho rằng việc giám sát loài hươu là vô cùng khẩn cấp. Hươu có thể hoạt động như một ổ chứa virus  lớn và là nguồn xuất hiện các biến thể mới, sau đó có thể lây truyền sang người.

Theo ông Suresh Kuchipudi, nhà vi sinh vật học thú y tại Đại học Penn State, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu Đảo Staten, cho rằng việc giám sát quần thể hươu là điều cần thiết để hiểu rõ hơn về sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã. 

Gần đây, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chuột hamster và chồn có khả năng lây virus cho con người và các loài động vật khác.

“Mặc dù không có bằng chứng cho thấy hươu có khả năng lây nhiễm virus cho con người, nhưng chúng có thể lây nhiễm sang các động vật khác. Và do chúng sống trong môi trường hoang dã, không thể nuôi nhốt hươu như chuột đồng và chồn, nên nguy cơ này lớn hơn nhiều”, ông Kuchipudi nói .

Nhà dịch tễ học tại Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Sarah Olson, cho biết, việc kiểm soát virus lây lan giữa các loài động vật thường rất khó hoặc không thể thực hiện được. Bà đã chỉ ra bằng chứng virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan giữa người với người dù đã có công cụ bảo vệ như vaccine.

Trích dẫn nghiên cứu trên tạp chí Bảo tồn Sinh học, bà cũng chỉ ra những tác động tàn khốc của các căn bệnh, như hội chứng mũi trắng đã giết chết hơn 90% trong số ba loài dơi ở Bắc Mỹ, mặc dù các nhà khoa học đã nổ lực bảo vệ chúng.

Trong nỗ lực đối phó với sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở loài hươu, nhà dịch tễ học Olson cho rằng không nên áp dụng các biện pháp tiêu chuẩn như đối với bệnh Covid-19 ở người, như tiêm phòng cho chúng. Thay vào đó, các nhà khoa học kêu gọi cần phải nhân đôi nỗ lực vào việc nghiên cứu sức khỏe động vật hoang dã, để tìm hiểu những bí mật đang diễn ra trong môi trường động vật hoang dã.

Mục tiêu của các nhà khoa học là tìm hiểu xem liệu Covid-19 có lây lan từ người sang hươu qua nước thải hay không. Điều này sau đó sẽ cho phép giới chức y tế đưa ra giải pháp bảo vệ các bãi rác thải để ngăn ngừa virus lây lan từ người sang động vật hoang dã.

Trong khi đó, ông Kuchipudi cho biết khi vẫn chưa chắc chắn hươu có lây lan virus cho các loài vật khác hay không, điều này có nghĩa là còn quá sớm để tuyên bố đại dịch kết thúc.

Ông nói: “Biến thể Omicron có thể tiếp tục lây lan sang động vật và đột biến. Do đó, chúng ta không thể mất cảnh giác và phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng dịch, chẳng hạn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.”

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng nhấn mạnh rằng nguy cơ virus lây lan từ động vật sang người là rất thấp. Jennifer, bác sĩ thú y về động vật hoang dã, kêu gọi thợ săn động vật hoang dã phải đeo găng tay và giữ vệ sinh khi xử lý xác động vật.

Đối với nhiều thợ săn, việc nói về một loại virus tiềm ẩn ở hươu không có gì là mới. CDC từ lâu đã khuyến cáo thợ săn ở những khu vực có dịch “hươu zombie” (bệnh suy mòn mãn tính - CWD) nên xét nghiệm hươu hoặc nai sừng tấm trước khi ăn thịt, dù không có bằng chứng căn bệnh này lây nhiễm ở người. 

Theo theguardian.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.