TS Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp |
Thời gian gần đây dư luận rất quan tâm tới kỳ án 10 năm ngồi tù oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang), đặc biệt là về hướng xử lý của vụ án.
Có nên khởi tố vụ án mới để điều tra hay không?
Chiều 11/11, bên hành lang Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đã trao đổi với báo chí xoay quanh vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn.
Khi được hỏi “Theo ông, có nên khởi tố một vụ án mới để điều tra việc ông Chấn bị ép cung không”, ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết: Nếu những điều ông Chấn tố cáo là sự thật thì nó trở thành một vụ án mới và phải tìm cách để tìm ra bằng chứng.
Trong công an còn có trinh sát trong trại giam để theo dõi. Rồi còn những người bị giam cùng, kể từ khi đang điều tra là có thể ông Chấn đã được giam cùng người khác. Rồi đến khi thi hành án, đưa đi cải tạo thì ông cũng có tiếp xúc với nhiều người. Ông có kể gì với những người này không? Họ có biết gì không? Vấn đề là có muốn điều tra để tìm bằng chứng không? Chứ còn làm thì tôi cho rằng dứt khoát sẽ điều tra được.
Công an tỉnh Bắc Giang đã trả lời rằng thẩm quyền điều tra, kết luận có bức cung, mớm cung hay không thuộc về Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Để sớm có kết luận trắng đen rõ ràng thì tốt nhất Viện Kiểm sát có thể khởi tố vụ án.
Việc điều tra nên giao cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hay Công an tỉnh Bắc Giang
Trước những thông tin cho rằng: vào năm 2003 khi vụ án xảy ra, sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn bị bắt và tạm giam, một số điều tra viên của Công an tỉnh Bắc Giang đã ép cung, đe dọa buộc ông Chấn phải khai nhận hành vi giết người, khiến ông Chấn lâm vào cảnh tù giam 10 năm oan ức, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, công an tỉnh đã chỉ đạo tổ làm án, cơ quan cảnh sát điều tra hiện nay phải báo cáo xem lại toàn bộ hồ sơ vụ án.
Đồng thời, triệu tập các điều tra viên (trừ một điều tra viên đã mất) từng tham gia điều tra vụ án của ông Chấn cách đây 10 năm để tiến hành xác minh, điều tra làm rõ sự việc. “Nếu điều tra viên nào làm như vậy là không đúng, không được phép làm. Còn sự thật của vụ việc và đúng sai như thế nào phải chờ điều tra, xác minh”, Đại tá Nguyễn Văn Chức nói.
Người phát ngôn của Công an tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, VKSND tối cao sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn như cơ quan điều tra, VKSND tỉnh Bắc Giang cũng như của tòa án, từ khâu điều tra đến truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm trước đây. Thẩm quyền xử lý trách nhiệm của các cá nhân trong vụ án này thuộc về VKSND tối cao.
Tái thẩm hay Giám đốc thẩm
Luật quy định giám đốc thẩm là những trường hợp do chính phạm nhân khẳng định, kiến nghị bản án đề nghị xem xét lại. Hoặc bên Viện Kiểm sát kháng nghị khi thấy trong quá trình xét xử quy trình thủ tục có thể không đúng như trường hợp thiếu luật sư, hay trong lúc bị can đưa ra xét xử trong tình trạng không bình thường thì đề nghị xem xét lại.
Còn giám đốc thẩm nghĩa là xem lại, tái thẩm là trở lại hoàn toàn mới, xem xét lại vụ án ngay từ đầu như một vụ án mới. Trong luật quy định dấu hiệu tái thẩm và giám đốc thẩm là khác nhau. Tái thẩm là vì xuất hiện tình tiết mới, như kẻ giết người thực sự ra đầu thú chứ không phải do phạm nhân hay Viện Kiểm sát kháng nghị lên.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được thả về giữa sự chào đón của người thân, hàng xóm |
Khi được hỏi về việc 10 năm nay ông Chấn vẫn kêu oan và gia đình ông đi gõ cửa khắp nơi nhưng không ai nghe, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết trường hợp này ông Chấn cho rằng mình bị oan sai thì rõ ràng là trong việc xét xử hay điều tra là có cái sai. Có sai thật sự nhưng không ai để ý đến và Viện Kiểm sát cũng không kháng nghị lại nên đã không rơi vào trường hợp giám đốc thẩm.
Việc phục hồi và bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn
Trước sự chỉ đạo từ văn phòng Chủ tịch nước về việc các ngành tố tụng Trung ương khẩn trương minh oan, đền bù và khôi phục quyền lợi hợp pháp cho ông Nguyễn Thanh Chấn, đồng thời xử lý nghiêm minh sai phạm của tập thể, cá nhân đã điều tra, truy tố, xét xử oan, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng:
“Văn phòng Chủ tịch nước đã có chỉ đạo phải làm sớm chuyện này vì một ngày trong tù bằng nghìn thu ở ngoài đời. Tôi cho rằng phải giải quyết nhanh nhất, sớm nhất cho người ta, không có lý do gì làm trễ. Vì việc anh truy tố người ra đầu thú cũng như quy trách nhiệm cho những người thực hiện việc tố tụng trước đây là một việc khác, còn người hoàn toàn bị oan thì đương nhiên phải phục hồi sớm quyền công dân cho họ".
(Theo Đời sống pháp luật)
TIN LIÊN QUAN |
---|