Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: Hiểm họa mang tên "Thuốc lá điện tử"

GD&TĐ - Mỗi năm Việt Nam có 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, đó là cảnh báo do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam công bố.

Thanh niên hút thuốc lá điện tử mọi nơi.
Thanh niên hút thuốc lá điện tử mọi nơi.

Đồng thời Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, các chính phủ nên cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên đó là “mối đe dọa nghiêm trọng”, ảnh hưởng đến cả một thế hệ trong tương lai.

Khói thuốc lá vẫn “bủa vây” xung quanh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các ca tử vong trên toàn thế giới, mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác.

Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.

Vì vậy, ngày 31/5 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day - WNTD) theo Nghị quyết Resolution 42.19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là việc làm nhằm mục đích tạo ra, và khuyến khích 24 giờ không có khói thuốc lá trên toàn cầu, nhằm gây sự chú ý của cộng đồng đến tác hại của thuốc lá đối với người hút thuốc cũng như người bị hút phải khói thuốc lá, vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên toàn cầu mỗi năm.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5: Hiểm họa mang tên "Thuốc lá điện tử" ảnh 1

Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ người hút thuốc lá hàng năm vẫn còn ở mức cao, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang hút thuốc lá, thuốc lào tại Việt Nam gần 50% và nữ giới là hơn 1 %.

Bộ Y tế cho biết, thuốc lá chứa bảy nghìn chất độc hóa học, trong đó có khoảng 70 chất gây ung thư. Nước ta nằm trong số 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới (khoảng 15,3 triệu người), và tỷ lệ người phơi nhiễm khói thuốc lá gần 60% (33 triệu người).

Theo đó, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá chiếm 96,8%, còn lại do các nguyên nhân khác. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, mạnh tay nhằm thay đổi hành vi của người dân, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. 

Trong thời gian qua, Việt Nam là quốc gia được thế giới đánh giá cao trong việc ban hành các văn bản phòng chống tác hại thuốc lá.

Tháng 11/2004, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Sau đó tháng 6/2012, Quốc hội thông qua các quy định của Công ước khung, Luật phòng chống tác hại thuốc lá và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2013, Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá về một số biện pháp Phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Luật quy định toàn diện về quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm cung và giảm cầu thuốc lá, các điều kiện bảo đảm để phòng chống tác hại thuốc lá. 

Các loại thuốc lá điện tử.

Các loại thuốc lá điện tử.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá, tuy nhiên Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc giá thuốc lá còn rẻ, sự xuất hiện của nhiều loại thuốc lá thế hệ mới. Đó là thuốc lá điện tử, vape, thuốc lá làm nóng hay còn được gọi chung là thuốc lá thế hệ mới hiện đang được quảng cáo như một phương pháp để cai nghiện hay hạn chế việc hút thuốc lá. 

Với thiết kế sành điệu, sang chảnh, đa dạng về hương vị kèm theo những lời quảng cáo về tính tiện lợi, độ an toàn... thuốc lá thế hệ mới thu hút sự quan tâm và sử dụng của giới trẻ như một trào lưu có tính thời thượng,…Tuy nhiên, ít ai biết được tác hại khôn lường ẩn sau hình ảnh “thời thượng” đó.

Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotin - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và ung thư.

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong. Sử dụng nicotin quá liều gây ngộ độc và một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ… Các chất độc hại trong thuốc lá điện tử còn gây tổn thương phổi cấp. 

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới của chúng ta vẫn rất cao, gần đây trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới cũng gây hại đến sức khỏe như thuốc lá điếu thông thường.

Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện đang nhắm tới giới trẻ, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy và các chất kích thích khác ảnh hưởng xấu đến lối sống, hành vi của giới trẻ, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng đối với sản phẩm này. Thuế và giá các sản phẩm thuốc lá còn thấp, sản phẩm thuốc lá còn dễ tiếp cận, vì vậy trong thời gian tới chúng ta còn cần nhiều nỗ lực trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá trong giới trẻ.

Nỗ lực của toàn xã hội “cai nghiện”

Hình ảnh cấm hút thuốc lá điện tử.

Hình ảnh cấm hút thuốc lá điện tử.

Thời gian qua, Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được triển khai với sự đồng hành của các bệnh viện, các đơn vị và các tổ chức, công tác tổ chức cai nghiện thuốc lá đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Điển hình như mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng như Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí; Phòng tư vấn trực tiếp tại các 10 bệnh viện trên cả nước (BV Bạch Mai, BV Ung bướu Hà Nội, BV Y học cổ truyền TƯ, BV Phổi TƯ, BV E, BV TƯ Huế, BV Hữu nghị Việt Nam Cu Ba - Đồng Hới, BV ĐK TƯ Quảng Nam, BV Nhân dân Gia Định, BV ĐK TƯ Cần Thơ), áp dụng mô hình mHealth trong tư vấn cai nghiện thuốc lá...

Từ năm 2017-2020 đã có hơn 100.244 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá trực tiếp tại các bệnh viện, trong đó có gần bảy nghìn lượt bệnh nhân tư vấn chuyên sâu; hơn 5.200 số bệnh nhân có hồ sơ theo dõi, có 727 bệnh nhân cai nghiện thành công.

Kết quả tư vấn qua tổng đài từ năm 2015-2020 có hơn 81 nghìn cuộc gọi trong đó có hơn ½ số cuộc gọi được tư vấn và có hồ sơ theo dõi cai nghiện. Trong số này có 1.111 bệnh nhân cai nghiện thành công trong hơn một năm.

Bộ Y tế, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cũng đã triển khai xây dựng mô hình điểm không khói thuốc như thành phố, điểm du lịch không khói thuốc, khách sạn không khói thuốc, nhà hàng không khói thuốc, cơ sở y tế không khói thuốc, trường học không khói thuốc.

Đến nay, đã có 4 thành phố xây dựng mô hình thành phố du lịch không khói thuốc là TP Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Và có 2 thành phố du lịch là Hạ Long và Hội An được Liên minh phòng, chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á trao tặng bằng khen công nhận thành phố du lịch không khói thuốc.

Ngoài ra, các sáng kiến phòng, chống tác hại thuốc lá còn được tổ chức, lồng ghép trong các chương trình, sự kiện của bộ, ngành như Tổ ấm không khói thuốc của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Ủy ban Dân tộc xây dựng môi trường không khói thuốc lá cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; Festival biển không khói thuốc tại Nha Trang, tàu du lịch không khói thuốc tại Khánh Hòa…

Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông hàng năm phát động “Cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá”, thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật, cung cấp thông tin định kỳ cho phóng viên báo chí để có thêm nhiều bài viết có chất lượng về chủ đề này.

Năm nay, để hưởng ứng Ngày Thế giới không khói thuốc lá (31/5) và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá (25 - 31/5), Cổng thông tin điện tử Trung ương Đoàn đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies phát động cuộc thi “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá điện tử - No Smoking Challenge”.

Cuộc thi nhằm chỉ rõ tác hại nghiêm trọng của việc nghiện chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá, đặc biệt ở thanh thiếu niên.

Với chủ đề Ngày Quốc tế không khói thuốc năm 2021: “Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá”, đây là hoạt động nhằm một lần nữa cảnh báo với các quốc gia cần có hành động kịp thời, giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lần rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Qua hoạt động này kêu gọi thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá, gây nhầm lẫn cho người sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Như Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã gửi thông điệp đến những người hút thuốc: "Hãy bỏ thuốc ngay hôm nay. Ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, đặc biệt là trong tình hình phòng chống dịch COVID-19 như hiện nay, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Vùng lũ cần gì?

GD&TĐ - Vùng lũ cần gì? Câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng rất cần thiết, nhất là đối với những nhóm thiện nguyện muốn trực tiếp trao tận tay người dân vùng lũ.