Hướng tới những 'kỷ lục' của Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9

GD&TĐ - Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 được tổ chức vào tháng 12 tới đã xác lập “kỷ lục” với 941 nội dung ở 43 môn thi.

Lễ khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018 được tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).
Lễ khai mạc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII - năm 2018 được tổ chức tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội).

Tuy nhiên, đằng sau những con số “ấn tượng” của mỗi kỳ đại hội vẫn là những tranh cãi chưa có hồi kết.

Siết chặt từ… Điều lệ

Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã ký ban hành điều lệ khung Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022. Theo đó, đại hội sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 21/12 tại Quảng Ninh và các tỉnh thành lân cận là: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa. Đại hội thể thao toàn quốc 2022 tổ chức đến 43 môn thi với 941 nội dung.

Ngay sau khi đề án được phê duyệt với nhiều môn thể thao dân tộc đã tạo ra sự tranh cãi khi Đại hội là nơi được coi là đấu trường của các môn thể thao thành tích cao. Ở các kỳ Đại hội trước đã từng tranh cãi về số lượng môn thi đấu khi đưa các môn như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, bắn nỏ, bắn ná... Đến Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9, các môn thi đấu như lân sư rồng, đá cầu, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co… tiếp tục được đưa vào tổ chức.

Điều đó khiến Đại hội thể thao toàn quốc 2022 lập “kỷ lục”. Các môn có số lượng nội dung lớn như điền kinh (50 nội dung), bơi (43), bắn súng và bắn đĩa bay (50), cử tạ (60), wushu (46)… Các môn thể thao dân tộc cũng có số nội dung rất lớn, như vật dân tộc (12 nội dung), đá cầu (10), lân sư rồng (7). Trước đó, tại Đại hội thể thao toàn quốc 2018 và 2014 có số môn được tổ chức là 36 với 743 nội dung. Đại hội thể thao toàn quốc năm 2010 tổ chức 41 môn với 897 nội dung.

Không chỉ là thành tích ảo, câu chuyện mua bán, chuyển nhượng vận động viên có huy chương ở những môn thể thao dân tộc để làm thành tích báo cáo được nói đến ở nhiều lần tổ chức Đại hội trước đó và giờ vẫn có nguy cơ lặp lại. Nhiều địa phương ít quan tâm, đầu tư cho thể thao nhưng đã dùng tiền lôi kéo người từ địa phương khác để có huy chương, đưa vào báo cáo thành tích.

Để hạn chế căn bệnh thành tích, Bộ VH,TT&DL chủ động làm chặt chẽ, nghiêm minh ngay từ khâu quy định. Theo Điều lệ, mỗi vận động viên chỉ được đăng ký ở một môn thể thao. Vận động viên được quyền đăng ký thi đấu cho địa phương, ngành khi có một trong các điều kiện: Có hợp đồng sử dụng vận động viên hoặc hợp đồng chuyển nhượng vận động viên hợp pháp được ký kết trước ngày 1/9/2022.

Đối với các môn mà Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia đã ban hành Quy chế chuyển nhượng thực hiện theo Quy chế chuyển nhượng vận động viên; Có hộ khẩu thường trú, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân xác nhận nơi cư trú của vận động viên; Có giấy xác nhận là vận động viên của ngành do Cục Quân huấn – Bộ Quốc phòng hoặc Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân – Bộ Công an cấp.

Nếu vận động viên không có hộ khẩu thường trú tại địa phương, không có giấy xác nhận của ngành hoặc khi xảy ra tranh chấp vận động viên giữa các đoàn thì Ban Tổ chức Đại hội sẽ căn cứ vào hợp đồng sử dụng vận động viên hoặc hợp đồng chuyển nhượng vận động viên để xem xét, giải quyết.

Điều lệ cũng xác định, chỉ có các địa phương, ngành đã từng tham gia thi đấu trong hệ thống quốc gia giai đoạn từ 2014 - 2021 của một môn thể thao mới được phép đăng ký tham dự môn thể thao đó tại Đại hội (trừ các môn thể thao mới đưa vào chương trình thi đấu Đại hội).

Quần chúng song hành đỉnh cao

Trận đấu thuộc giải vô địch đẩy gậy toàn quốc năm 2021.

Trận đấu thuộc giải vô địch đẩy gậy toàn quốc năm 2021.

Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần và là đại hội thể thao lớn nhất cả nước. Chu kỳ tổ chức đại hội giúp đánh giá tổng thể quá trình phát triển thể thao của các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Bộ VH,TT&DL, Tổng cục TDTT sẽ có đánh giá, định hướng cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam trong tương lai và cũng là thời điểm để đánh giá toàn diện về chất lượng phong trào thể dục thể thao trong cả nước.

Đặc biệt, đại hội thể thao toàn quốc 2022 còn là cơ hội quý báu để kịp thời phát hiện và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng sẵn sàng tham dự thi đấu tại SEA Games lần thứ 32 năm 2023 tại Campuchia sau khi Việt Nam đứng số 1 ở kỳ đại hội 31 trên sân nhà, Olympic Games lần thứ 33 năm 2024 tại Paris (Pháp), ASIAN Games lần thứ 19 năm 2023 ở Hàng Châu (Trung Quốc) và ASIAN Games lần thứ 20 năm 2026 ở Nagoya (Nhật).

Thế nên, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, Đại hội thể thao toàn quốc chỉ nên tổ chức các môn, nội dung có trong chương trình của Olympic, ASIAN Games. Việc đưa các môn thể thao mang tính địa phương, dân tộc như: Đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, bắn nỏ, đá cầu... khiến số môn, nội dung của đại hội tăng vọt. Điều đó khiến kết quả của đại hội không phản ánh đúng sự đầu tư, phát triển của thể thao thành tích cao của các địa phương, ngành trong chu kỳ 4 năm.

Các chuyên gia cũng nêu quan điểm, nên để cho xã hội đầu tư, vận hành và phát triển các môn thể thao dân tộc, không nhất thiết phải đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc.

Khi đưa các môn thể thao phong trào vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc sẽ tạo nên những thành tích ảo, và phục vụ cho căn bệnh thành tích ở các địa phương vốn đã ăn sâu vào ý thức của một bộ phận không nhỏ các nhà quản lý.

Mặc dù vậy, Đại hội thể thao toàn quốc không đơn thuần chỉ là nơi tranh tài, các vận động viên phô diễn tài năng để mang về vinh quang cho địa phương. Theo quan điểm của Bộ VH,TT&DL, Đại hội còn là dịp để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành của đội ngũ cán bộ, trọng tài thể dục thể thao, đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng (Tổng cục TDTT) cho biết, hiện nay các môn thi đấu như lân sư rồng, đẩy gậy, kéo co… đã tổ chức thường niên.

Việc đưa vào tổ chức tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ khác với các giải phong trào. “Khi tổ chức tại Đại hội thể thao toàn quốc, tất cả các môn đều có luật thi đấu, điều lệ. Các VĐV tranh tài buộc phải tuân thủ theo quy định” – ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Anh, sự thành bại phụ thuộc vào cách làm của Ban Tổ chức. Thời điểm hiện tại các hoạt động thể thao đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu của phát triển kinh tế xã hội, cần đưa vào để kích cầu, tạo nguồn lực từ xã hội đầu tư thể thao. Nếu như trước đưa môn thể thao dân tộc vào đại hội bị cho là đầu tư dàn trải thì hiện nay các môn tổ chức theo huy động nguồn lực xã hội.

Việc tổ chức thêm 1 môn thi đấu không phải là trích kinh phí, mục đích chính là kích thích, khích lệ động viên cho các địa phương tham gia để tạo động lực phát triển thể thao địa phương để phát triển thêm các môn thành tích cao khác. Kéo co, đẩy gậy… tại các địa phương vùng sâu, vùng xa phát triển rất tốt, nếu không xây dựng lại điều lệ, chính thống và chuyên nghiệp sẽ không phát triển được tại địa phương như vovinam là điển hình khi đã đưa vào tổ chức tại SEA Games để quảng bá văn hoá đất nước.

Theo ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Đại hội thể thao toàn quốc không chỉ là câu chuyện về thi đấu giành thành tích nhất, nhì mà còn là sự đánh giá tổng thể của từng địa phương và ngành thể thao trong một quá trình đầu tư cho lĩnh vực này. Ngoài ra, Đại hội thể thao toàn quốc diễn ra cũng là lúc các địa phương thi đấu và có sự giao lưu văn hóa vùng miền.

Trăn trở bài toán “ra biển lớn”

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 tổ chức đến 43 môn thi gồm: Điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, đua thuyền, bóng đá, vật (vật tự do, vật cổ điển, vật dân tộc), bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karatedo, wushu, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, silat, muay, thể hình, khiêu vũ thể thao, jujitsu, bowling, ba môn phối hợp, lặn, lân sư rồng, đá cầu, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co.

Như vậy, có thể thấy, Đại hội thể thao toàn quốc chưa thể thoát khỏi tâm thế của thể thao “vùng trũng” với sân chơi SEA Games. Đó là sự pha trộn “hài hòa” giữa đỉnh cao và quần chúng, giữa thể thao và văn hóa, giữa những môn đỉnh cao mà châu lục và thế giới đang chơi và những môn đặc thù mang tính địa phương, hoặc tính cục bộ. Điều đó tiếp tục đặt ra thách thức cho thể thao Việt Nam trên hành trình bước ra những sân chơi lớn như Olympic hay ASIAN Games.

Nếu Olympic là sân chơi quá tầm, chưa biết bao giờ thể thao Việt Nam có huy chương thì ngay cả sân chơi châu lục, chúng ta sau khi “vô đối” ở SEA Games 31 vẫn còn khá khiêm tốn và “âu lo” khi nói về chỉ tiêu Huy chương Vàng.

Trước mắt là ASIAN Games lần thứ 19, diễn ra từ 23/9 - 8/10/2023 tại Hàng Châu (Trung Quốc), kỳ đại hội đáng lẽ diễn ra vào tháng 9/2022 nếu không bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

4 năm trước, thể thao Việt Nam đã giành 5 Huy chương Vàng ở các môn pencak silat (2), điền kinh (2), đua thuyền rowing (1). Nhưng lãnh đạo ngành thể thao lo lắng thừa nhận, mỗi một năm là có một sự biến động về chuyên môn do đó sau 4 năm sự biến động càng nhiều hơn.

ASIAN Games hoàn toàn không dễ giành huy chương như SEA Games. Thể thao Việt Nam chỉ có thể nhắm ở nội dung nhất định bởi với khả năng chuyên môn của những tuyển thủ tốt nhất thì đấu trường này vẫn là một thách thức về thành tích.

Giành được 205 Huy chương Vàng trên sân nhà tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam đã có một kết quả làm nức lòng người hâm mộ. Mặc dù vậy, lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng nhìn thẳng vào vấn đề rằng trong 205 Huy chương Vàng, gần như khó tìm được nhiều tuyển thủ chắc chắn giành được Huy chương Vàng nếu thi đấu ASIAD 19.

Chọn vận động viên nào, nhắm thành tích huy chương ở môn nào là bài toán không dễ vì sự đầu tư phải đi đồng bộ từ thực lực vận động viên cho tới các chế độ tập luyện, dinh dưỡng và khả năng cọ xát tăng cường thi đấu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Trần Đức Phấn chia sẻ: Đề án phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2022-2045 đang được ngành thể thao biên soạn và sẽ là một trong những cơ sở để đầu tư tìm cơ hội vươn tầm ra khu vực và thế giới chứ không thể mãi trong đấu trường SEA Games.

Còn trước mắt, chúng ta đặt kỳ vọng giành từ 3 tới 5 tấm Huy chương Vàng tại ASIAD 19 và mục tiêu này cũng là rất cao rồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ