Hương thơm từ cội nguồn

GD&TĐ - Thắp hương là một nghi lễ truyền thống lâu đời ở nhiều nền văn hóa trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Nghi lễ này mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về yếu tố tâm linh, văn hóa và phong tục tập quán, phổ biến trong một số sự kiện tôn giáo, văn hóa, cúng bái, cầu nguyện, tưởng niệm...

1.

Theo truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, thủy tổ của người Việt là dòng giống con Rồng, cháu Tiên. Nền văn hóa của người Việt gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước.

Lao động với cây lúa và ruộng đồng khiến họ luôn đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ, trở ngại như sự biến đổi của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh hoành hành… Sự gắn bó với đất đai, mật thiết với thiên nhiên đã cho người Việt niềm tin rằng tổ tiên luôn bên cạnh, đồng hành, chở che giúp họ cùng con cháu vượt qua chông gai, thách thức và luôn phù hộ cho họ có những vụ mùa bội thu, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người Việt tin rằng, chết chỉ là sự chia tách tạm thời về mặt thể xác và linh hồn, vì sau khi rời thể xác, linh hồn vẫn tiếp tục tồn tại ở một thế giới khác, mà chúng ta thường gọi là cõi âm. Thứ nữa, người Việt cũng ảnh hưởng sâu sắc quan niệm của một số tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo về việc báo hiếu phụ mẫu, tổ tiên.

Niềm tin và tín ngưỡng vào cái thiêng, cái siêu nhiên như quan niệm “sống tết, chết giỗ”, “có thờ có kiêng, có kiêng có lành”, “cao nấm ấm mồ”… đã thôi thúc họ tổ chức những nghi lễ cúng bái đầy trang nghiêm, thành kính để thay lời tri ân, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên nguồn cội; dặn dò, nhắc nhở con cháu bài học đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Tục thờ cúng tổ tiên đã tạo nên đời sống văn hóa tâm linh phong phú, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Vì thế, khi bày mâm thờ cúng tổ tiên, thắp nén hương, người Việt mới thấy toại nguyện, ấm áp và yên lòng.

Nén hương như nối kết, quyện hòa cõi âm và cõi dương, gói tấm lòng thành của con cháu đến với ông bà tổ tiên. Cúi đầu kính cẩn, thiện tâm theo làn khói trắng lan tỏa ấm áp, thanh tịnh, họ tự nhắc nhở mình sống tốt, sống ngay thẳng, sống nhân ái hơn.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là bản sắc văn hóa của người Việt. Ảnh minh họa: INT.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là bản sắc văn hóa của người Việt. Ảnh minh họa: INT.

2.

Tết Nguyên đán đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Đây là thời điểm để mọi người thực hiện nhiều hoạt động, phong tục tập quán truyền thống như cúng tổ tiên, hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi... nhằm tri ân tổ tiên, tạo mối khăng khít về huyết thống, tình cảm gia đình và cầu mong một năm mới tốt lành, sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng.

Trong chuỗi các nghi lễ của ngày Tết, tất niên là lễ cúng quan trọng cuối cùng trong năm với ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn của năm cũ và chào đón những điều tốt đẹp cho năm mới.

Tầm khoảng hai tuần trước Tết, làng xóm, phố phường đã lan tỏa không khí rộn ràng, nhộn nhịp. Ai ai cũng cảm thấy hân hoan, háo hức, tràn đầy năng lượng tích cực. Mâm cỗ, bánh trái được bày biện theo truyền thống Tết Việt. Việc chăm sóc sửa soạn bàn thờ gia tiên bao giờ cũng được chú ý vì đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống.

Nó cũng góp phần giúp người Việt ý thức chăm sóc, gìn giữ cái phần hồn của mình khi đứng trước bàn thờ tổ tiên. Cuộc gặp gỡ dẫu vô hình, mang tính tâm linh nhưng mỗi người đều như được mở lòng và cảm thấy an yên, thanh tịnh.

Lễ cúng tất niên thường được tổ chức vào chiều 30 Tết với hai mâm: Cúng gia tiên và cúng thiên địa. Mâm cúng gia tiên được dọn bày từ các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt gà, lợn, giò, chả, xôi...

Mâm cúng thiên địa đơn giản hơn, thường là mâm cúng chay với gạo, muối, rượu, hoa quả... Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện, mỗi gia đình có mâm cỗ cúng khác nhau nhưng dù đơn giản hay sang trọng đều không thể thiếu sự thành tâm và lòng biết ơn.

Bởi, hiếu thảo nào đâu cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tấm lòng thành kính là đủ để sưởi ấm tâm hồn, vun đắp tình thân: Lòng thành chỉ nén hương trầm/ Phải đâu cao cỗ đầy mâm, mới là/ Cỏ cây nguyên đán cùng ta/ Nhớ Lang Liêu thuở Vua ra cày đồn (Tết nhớ Lang Liêu - Nguyễn Hữu Quý).

Trong dịp này, nếu người đàn ông thể hiện vai trò trụ cột khi đứng ra cúng bái thì người phụ nữ lại có cơ hội thể hiện sự khéo léo, đảm đang của mình qua những món ăn ngon, thịnh soạn.

Dù đi xa hay bận bịu, người nào cũng mong muốn được trở về nhà, cùng gia đình quây quần sum họp bên mâm cỗ cúng tất niên, phấn chấn/ khởi chuyện trò, thưởng thức những món ăn do người thân yêu của mình chế biến.

Lễ cúng tất niên vì thế mang nhiều ý nghĩa như đánh dấu sự kết thúc và tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới; mời ông Công, ông Táo trở về trần thế tiếp tục cai quản công việc bếp núc cho gia đình.

Lễ cúng tất niên còn là dịp để tưởng nhớ và mời những người đã khuất tham gia bữa cơm cùng gia đình; con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tôn kính đối với tổ tiên ông bà gia tiên; và cũng là thời điểm hợp lý để các thế hệ gặp gỡ, chuyện trò, chia sẻ niềm vui trong ngày cuối năm.

Nghi lễ cúng tất niên ngày nay không chỉ gói gọn trong gia đình mà đã mở rộng ra ở các cơ quan đoàn thể, các hội nhóm. Hình thức này góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng. Theo đó, thời gian cúng/ăn tất niên cũng có sự thay đổi, không chỉ diễn ra vào đêm 30 tháng Chạp, mà có thể là trong những ngày giáp Tết.

Trải qua bao thăng trầm, Tết Nguyên đán luôn phản chiếu những nét đẹp văn hóa đặc sắc độc đáo của người Việt. Dẫu có băn khoăn so sánh khác biệt giữa sắc màu Tết xưa và Tết nay, hay nuối tiếc trước một số đổi thay, mai một của phong tục, lễ nghi thì lễ cúng tất niên cuối năm vẫn là phần lễ đặc biệt quan trọng, không thể thiếu, vẫn lưu giữ những vẻ đẹp, ý nghĩa và giá trị riêng biệt của nó.

Vì hương thơm từ tấm lòng, từ cội nguồn mà ra. Người với người nương theo khói hương để xích lại gần nhau hơn, tận hưởng và hết mình trong mối giao cảm tuyệt diệu của đất trời, vạn vật.

Người Việt thường thắp hương vào các dịp giỗ chạp, lễ Tết... Thông qua các lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên như hoa, quả, rượu, trà, bánh kẹo… cùng các nghi thức cúng bái, họ tỏ lòng thành kính, báo cáo chuyện gia đình và cầu mong sự che chở của tổ tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ