Cập nhật thông tin
Theo TS Nguyễn Thanh Bình – Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Các em dự kiến xét tuyển vào ngành nào, trường nào nên nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh riêng của trường đó.
Tuy nhiên, thời điểm này, hầu hết các trường đợi quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT nên chưa công bố đề án tuyển sinh riêng. Vì thế, để không bỏ sót thông tin mới về tuyển sinh, nên thường xuyên truy cập vào website của trường ĐH, CĐ mà mình dự định đăng ký xét tuyển để cập nhật thông tin mới nhất.
“Chẳng hạn như: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa công bố phương án tuyển sinh, trong đó có thông tin mới: Sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển sinh. Nói như vậy, để thấy, việc cập nhật thông tin là cần thiết, nhất là ở thời điểm này”, TS Nguyễn Thanh Bình trao đổi.
TS Nguyễn Thanh Bình dự đoán: Về cơ bản đề án tuyển sinh của các trường năm nay sẽ giống như năm ngoái. Nếu có, chỉ là những điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định 99 ngày 30/12/2019, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các trường đã điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh. Vì thế, các em cần nắm được thông tin này để chủ động trong học tập và đăng ký xét tuyển.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình, hoạt động tư vấn tuyển sinh trực tiếp hoặc ngày hội tư vấn hướng nghiệp không thể tổ chức, vì thế, các em nên tham gia tư vấn trực tuyến để được giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về kế hoạch tuyển sinh, ngành nghề mà mình dự kiến lựa chọn.
Đồng quan điểm, TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội thông tin: Hầu hết các trường đã công bố phương án tuyển sinh và sử dụng hình thức tư vấn trực tuyến.
Vì thế, ngoài việc cập nhật thông tin trên website, các em nên tham gia tư vấn hướng nghiệp online. “Với kinh nghiệm của người tham gia công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp nhiều năm, tôi khuyên các em bình tĩnh để lựa chọn được ngành học, trường học ưng ý.
Thời điểm này, cơ hội vẫn còn nguyên, nên phân tích kỹ năng lực, sở trường, sở đoản của mình để có sự lựa chọn phù hợp nhất. Ngoài ra, nên nghiên cứu kỹ phương án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch đăng ký xét tuyển hợp lý”, TS Đồng Văn Ngọc chia sẻ.
Theo TS Đồng Văn Ngọc, nhìn ở góc độ tích cực, dịch Covid-19 góp phần mở ra cánh cửa mới và tạo cơ hội cho các thí sinh tiếp cận với công nghệ số. Bởi câu chuyện về tuyển sinh, chọn ngành, trường ít nhiều sẽ gắn với công nghệ.
Chắc chắn công nghệ sẽ hỗ trợ các em đầy đủ. Việc quan trọng bây giờ là nghiên cứu thật kỹ trước khi đặt bút đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, các em nên quản trị tốt mạng xã hội để tránh những rủi ro khi sử dụng công cụ hỗ trợ tuyển sinh, hướng nghiệp.
TS Đồng Văn Ngọc viện dẫn: Một số cơ sở giáo dục thiết kế quá chỉn chu để truyền thông, quảng bá nhưng trên thực tế không đúng như những gì họ giới thiệu. Để loại bỏ những rủi ro này, trước hết, các em cần nghiên cứu hoặc đặt vấn đề với cơ sở giáo dục, đề nghị họ cung cấp thông tin về đào tạo, quyền lợi của người học, cơ hội việc làm và nhà trường có hỗ trợ gì cho người học.
Nếu có điều kiện, phụ huynh nên đưa con em mình trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu trường ĐH, CĐ dự định đăng ký để có cái nhìn tổng thể và trực quan về cơ sở đào tạo đó. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, các em chưa có điều kiện tham quan trực tiếp thì có thể tìm hiểu trên Internet, trên fanpage của nhà trường.
Quản trị thời gian thật tốt
Nhiều học sinh mải miết “đèn sách” mà học quá khuya, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe. Các em nên sắp xếp thời gian biểu trong ngày hợp lý, đặc biệt phải ngủ đủ giấc. Có thể ngủ sớm vào buổi tối và dậy sớm vào buổi sáng để ôn bài. Ở góc độ tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khuyến cáo: Các em cần ổn định tâm lý, tránh hoang mang hoặc dao động trước thông tin chưa được kiểm chứng. Tiếp đến, xây dựng kế hoạch học tập hợp lý, quản trị thời gian thật tốt để không bị căng thẳng hoặc stress bởi áp lực thi cử. Khi cảm thấy mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, thư giãn đừng cố nhồi nhét kiến thức.
Nhiều bạn còn bị áp lực về điểm số nên lúc nào cũng lo lắng, vô hình trung làm ảnh hưởng đến việc ôn thi của mình. Thay vì quá lo lắng, các em hãy đặt mục tiêu: Mình sẽ cố gắng hết sức trong Kỳ thi THPT quốc gia, còn điểm số hãy tạm gác sang một bên để giải tỏa áp lực cho mình.