Dang dở… chọn điểm rơi
Trong thời gian không đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, Thái Tuấn (HS lớp 12/2, Trường THPT Trần Phú, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) tranh thủ tìm hiểu thông tin về trường có đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT) qua website.
Xác định theo học ngành CNTT, nhưng Tuấn vẫn băn khoăn giữa việc theo học trường công hay tư. Đem thắc mắc này trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, Tuấn được thầy Nguyễn Đình Hòa khuyên nên tham khảo mức học phí của hai trường và tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của gia đình để quyết định.
“Trường tư mà Tuấn chọn được đánh giá có giáo trình hiện đại, dạy kèm với tiếng Anh nhưng mức học phí lại cao. Tuy nhiên, dù chọn trường nào, học ở đâu cũng phải đọc thêm tài liệu vì giáo trình đại học khó cập nhật kịp sự phát triển của CNTT và phải học thêm tiếng Anh, tìm thầy giỏi, bạn giỏi để học hỏi thêm”, thầy Hòa kể.
Những năm trước đây, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là thời điểm các trường THPT dành nhiều thời gian cho công tác hướng nghiệp. Kết quả thi học kỳ I cùng với điểm thi của các đợt thi thử, kiểm tra một tiết là căn cứ để giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn tư vấn cho HS việc chọn nghề, chọn trường. Thế nhưng, năm học này, công tác hướng nghiệp gần như bị dừng hẳn lại, mối quan tâm của các trường THPT hiện nay là bảo đảm sĩ số và chất lượng dạy – học trực tuyến.
Cô Trần Thị Kim Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) trao đổi: “Tháng 3 - 4 là “điểm rơi” của đợt hướng nghiệp, nhưng hiện phải gác lại, tập trung cho công tác ôn tập, dạy – học trực tuyến. Nhà trường phải cử GV đến tận nhà HS không đăng ký học trực tuyến, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của cả phụ huynh, học sinh để tìm biện pháp hỗ trợ”.
Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Một số trường ĐH chủ động gửi thông tin liên quan đến tuyển sinh. Ban giám hiệu nhà trường chuyển tải thông tin này đến HS thông qua các kênh liên lạc như email, group lớp. Đối với HS làm hồ sơ xét tuyển vào trường công an, quân đội, dù thực hiện giãn cách xã hội, trường vẫn bố trí cán bộ trực để giải quyết”.
Gián đoạn mô hình trải nghiệm
Thầy Nguyễn Đình Hòa - GV Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Q. Hải Châu, Đà Nẵng)
Đang phân vân giữa chọn theo học khối kinh tế hay kỹ thuật – công nghệ, em Nguyễn An Nhiên (HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) dự định sau Tết Nguyên đán, sẽ tham gia tour Một ngày làm sinh viên của một số trường ĐH trên địa bàn TP rồi quyết định chọn trường. Thế nhưng, cho đến nay, dự định này của em vẫn chưa thể thực hiện được khi các đợt nghỉ học cứ nối tiếp nhau.
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (Q. Hải Châu, Đà Nẵng) thông tin: Do tỷ lệ HS chọn theo học các ngành dịch vụ - du lịch nhiều nên nhà trường đẩy mạnh công tác trải nghiệm thực tế để hướng nghiệp. “Điều này giúp các em khắc phục những ngộ nhận về nghề nghiệp, có lựa chọn đúng đắn để hình thành tình yêu nghề, tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Rất nhiều em chọn nghề bếp vì thích hình ảnh đẹp xem trên phim ảnh chứ không hình dung được yêu cầu khắt khe của nghề nghiệp… Trải nghiệm thực tế, vì vậy, là hướng mà nhà trường lựa chọn triển khai trong công tác hướng nghiệp”, cô Huệ cho biết. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, HS lớp 12 đi học đúng 1 tuần thì nghỉ để phòng dịch bệnh nên chưa thể triển khai được gì.
Nhiều GV chủ nhiệm thừa nhận, không ít câu hỏi HS đặt ra khó có thể giải đáp cặn kẽ, thậm chí là không có thông tin để cung cấp. “Ngành nào sẽ thừa/thiếu nhân lực? Nên chọn trường top trung bình hay top trên để có công việc, thu nhập cao?...” là những câu hỏi GV hay gặp phải mà gần như không thể trả lời đầy đủ cho HS, dù đã chủ động tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông.
Khó khăn nhưng không bị động
Những năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT. Đặc biệt, kết quả phân luồng sau THPT ngày càng rõ nét, với khoảng 40% HS không đăng ký xét tuyển vào đại học. Tỷ lệ này cao hơn ở những trường vùng nông thôn, ven biển, miền núi.
Trường THPT Nghi Lộc 4 (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có khoảng 70% HS lớp 12 có nhu cầu thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp. Thầy Nguyễn Văn Phương – Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 4 cho hay: Chúng tôi đặc biệt quan tâm, xây dựng các tiết học hướng nghiệp trong chương trình.
Qua khảo sát, HS của trường tập trung ở các xã ven biển, nông thôn, hoàn cảnh vất vả nên có nhu cầu đi làm, xuất khẩu lao động ngay sau lớp 12, thậm chí không qua học nghề. Nắm bắt tâm lý này, những năm trước trường liên kết với một số trường CĐ, trung cấp trong tỉnh tổ chức dạy nghề theo đăng ký của HS.
Tuy nhiên từ năm 2019, Bộ LĐ,TB&XH quyết định dừng hoạt động dạy nghề liên kết này trong trường phổ thông. Trong khi đó, nhiều em vẫn có nhu cầu học nghề nên trường linh hoạt xã hội hóa hướng nghiệp. Trường cho HS đăng ký ngành nghề muốn học, tổng hợp và gửi đến trường CĐ trên địa bàn đào tạo ngắn hạn. Việc đào tạo này hoàn toàn miễn phí, các em học vào ngày thứ 7, Chủ nhật trong tuần.
“Hiện trường có gần 250 HS được gửi đi học nghề theo đăng ký, từ lớp 10 đến lớp 12. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch nên việc học tạm dừng. Trường cũng chuyển hình thức tư vấn, hướng nghiệp sang trực tuyến. Trong đó nhấn mạnh, dù thi ĐH hay học nghề, đi làm các em vẫn phải tốt nghiệp THPT”, thầy Nguyễn Văn Phương nói.
Trường THPT Quỳ Hợp 3 (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) có hơn 80% HS dân tộc thiểu số. Theo thầy Nguyễn Minh Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3, khó khăn nhất là thiếu thốn thông tin, định hướng từ gia đình. Việc học tập, định hướng nghề nghiệp đều phụ thuộc vào nhà trường, thầy cô nên Ban tư vấn tuyển sinh có nhiệm vụ tìm kiếm tất cả thông tin tuyển sinh, ngành nghề, nhu cầu lao động, tuyển dụng từ các kênh uy tín, chính thống và gửi đến HS.
Đồng thời tiếp nhận băn khoăn, thắc mắc của các em để kịp thời xử lý hoặc tìm chuyên gia giải đáp. Trường cũng vận động xã hội hóa để trung tâm ngoại ngữ, tư vấn du học, xuất khẩu lao động dạy ngoại ngữ miễn phí cho các em có nhu cầu. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của nhà trường.
Nâng cao vai trò giáo viên chủ nhiệm
Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) có chất lượng đầu vào ở nhóm cao nhất tỉnh. Thầy Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: Hầu hết HS của trường đều xác định sẽ thi vào đại học nên có định hướng và ôn tập theo tổ hợp môn đăng ký ngay từ đầu cấp.
Trước Tết Nguyên đán, 20 trường THPT tại TP Vinh và các huyện lân cận phối hợp ra đề chung và tổ chức thi thử THPT quốc gia. Hiện dù nghỉ học nhưng trường vẫn triển khai dạy học trực tuyến, giao giáo viên lập ma trận đề thi, cho HS thi thử online. Qua đó, các em tự xác định năng lực của mình để hướng đến ngành nghề phù hợp.
Tuy nhiên, định hướng ngành nghề cho HS hiện gặp một số khó khăn. Các chương trình tư vấn tuyển sinh tập trung đều dừng hoặc hoãn tổ chức. Vì vậy, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tích cực triển khai hướng nghiệp qua các kênh trực tuyến.
Những thông tin liên quan đến tuyển sinh sẽ được đăng tải trên trang Facebook chính thức của trường. Trong đó, lưu ý đến tiêu chuẩn, quy định liên quan đến khối ngành đặc thù như quân sự, công an, các trường có thi môn năng khiếu…
Giáo viên chủ nhiệm sẽ là người theo dõi, quản lý HS về mọi mặt, tư vấn kịp thời thắc mắc. Kiểm tra, nhắc nhở các em chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ liên quan đến việc đăng ký thi THPT quốc gia. Ngoài ra, một số HS của trường có dự định du học, nhưng do dịch bệnh, lệnh cấm nhập cảnh của một số quốc gia nên chuyển hướng sang thi ĐH trong nước. Giáo viên chú ý trao đổi, hướng dẫn để các em kịp chuẩn bị cho sự thay đổi này.
Thầy Cao Thanh Bảo cũng nhận định: Cơ chế tuyển sinh của các trường ĐH đã ổn định dần. HS có thể đăng ký cùng lúc vào nhiều trường đại học. Kể cả sau khi thi THPT quốc gia xong và có điểm, vẫn có quyền đổi nguyện vọng của mình. Tâm lý chung của HS là muốn trải qua một kỳ thi, vừa đánh giá năng lực bản thân sau nhiều năm học, cũng như bảo đảm quyền lợi của mình.
Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) theo khảo sát ban đầu có 70 – 80% học sinh lớp 12 dự định thi xét tuyển vào đại học và đã ôn tập theo định hướng tổ hợp môn rõ ràng. Nhưng HS đang nghỉ học nên trước mắt trường không thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp tập trung.
“Trường chỉ đạo thành lập phòng học trực tuyến cho từng lớp. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm đôn đốc các em học tập và tư vấn định hướng nghề nghiệp. Nếu việc nghỉ học kéo dài sau tháng 5, nhà trường sẽ có giải pháp khác”, thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết.