Hiện nay, hoạt động GDHN trong các trường THPT đã có những chuyển biến tích cực và đạt hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Trước yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và Chương trình GDPT mới, GDHN cũng cần có sự thay đổi.
Tư duy cũ trước vấn đề mới
Cô giáo Nguyễn Trang Nhung - Trường THPT Nguyễn Huệ, Yên Bái nhận xét: Hầu hết tại các trường THPT hiện nay, mối quan tâm hàng đầu là làm thế nào để HS học khá giỏi, chăm ngoan và đỗ tốt nghiệp ngày càng cao; còn chuyện sau tốt nghiệp THPT các em làm gì, học gì chưa được chú ý nhiều, và không phải trường nào cũng quan tâm đúng mức.
Nhận thức của HS và cha mẹ học sinh về việc chọn nghề còn phiến diện, tâm lý chung của học sinh mang tính may rủi, thiếu thông tin, chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, theo thời thượng; “mác”, “nhãn”; mà quên mất một điều: Không biết có phù hợp với năng lực, hứng thú, điều kiện bản thân hay không.
Từ nhận thức về chương trình GDHN chưa toàn diện và sâu sắc, dẫn đến phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN chưa phong phú và thiếu sáng tạo. Học sinh trong lớp có hứng thú, năng lực và sở thích nghề rất khác nhau, vì thế không thể rập khuôn máy móc giảng dạy hoạt động GDHN như sách giáo khoa hướng dẫn. Chẳng hạn khi tổ chức các hoạt động GDHN với chủ đề “Tìm hiểu một số nghề thuộc các ngành Y và Dược”, giáo viên yêu cầu học sinh cả lớp phải tham gia tìm hiểu, nhưng trong lớp có nhiều em không thích vì không hề có xu hướng đi theo các nghề của ngành này. Dẫn đến mục tiêu và yêu cầu của GDHN không đạt yêu cầu, gây nhàm chán, mất hứng thú đối với học sinh.
Công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 chưa đúng và chung chung: Ở các trường THPT chỉ khi đến kỳ học sinh chuẩn bị làm hồ sơ thi vào các trường chuyên nghiệp, các trường mới công bố thông tin trên báo chí, Internet hoặc ở bảng thông báo để học sinh tham khảo, sau đó hướng dẫn các em ghi hồ sơ tuyển sinh, và cho đó là tư vấn hướng nghiệp.
Ảnh minh họa |
Đổi mới nhận thức và phương pháp hướng nghiệp
Cô Nguyễn Trang Nhung cho rằng, hướng nghiệp trước hết phải hướng đến nguyên tắc không có người bất tài, chỉ có những người không tìm ra đúng sở trường của mình và quan điểm: Hướng nghiệp là một quá trình thích ứng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Mỗi trường phải xác định được chỉ tiêu phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT. Sau đó phải hướng đến yêu cầu công tác hướng nghiệp được thực hiện đồng bộ qua dạy học các môn văn hóa, sinh hoạt hướng nghiệp và hoạt động ngoại khóa để giúp học sinh biết lựa chọn hướng học tập và nghề nghiệp tương lai một cách có ý thức, đặc biệt là hướng phân hóa, phân ban trong dạy học giúp học sinh tự hướng nghiệp cho bản thân trong quá trình học.
Phải xây dựng được kế hoạch hướng nghiệp và kế hoạch tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Mỗi năm học có một kế hoạch, mục tiêu hướng nghiệp khác nhau phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý học sinh và quá trình phát triển trong nhận thức về nghề của các em.
Việc thực hiện hiệu quả các bài học về hoạt động GDHN trong chương trình THPT cũng là vấn đề cần thiết. Cần cấu trúc các nhóm bài GDHN bậc THPT theo kiến thức chung; nhóm ngành nghề cụ thể; tập trung vào các hoạt động tư vấn hướng nghiệp; các nhóm bài thuộc chủ đề tham quan, giao lưu nghề nghiệp. Và nên có phương hướng tổ chức các nội dung hoạt động GDHN phù hợp…
Học sinh cần một hướng đi phù hợp với năng lực sau tốt nghiệp THPT để hòa nhập với cuộc sống, với thị trường lao động. Chính vì vậy, HS cần những định hướng, những tư vấn hợp lý của thầy cô giáo và gia đình để không lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành, chọn nghề phù hợp.
Đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN cần phải chú trọng vào các hoạt động tìm hiểu, nhận thức về nghề cho học sinh, trong đó phải tập trung vào các phương pháp tự hướng nghiệp ở học sinh. Chương trình hoạt động GDHN của Bộ GD&ĐT chỉ là chương trình khung và chỉ có tài liệu tham khảo cho giáo viên (không có sách cho học sinh), vì thế không nên cứng nhắc theo sách vở, mà căn cứ vào xu hướng chọn nghề của các nhóm học sinh trong lớp và hơn 6.000 nghề khác nhau trong xã hội để thay đổi phương pháp tổ chức các hoạt động GDHN hiệu quả.
Đổi mới nhận thức về hướng nghiệp có thành công hay không cũng phụ thuộc vào chất lượng hướng nghiệp của đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác GDHN. Chính vì vậy, các trường THPT và mỗi giáo viên chủ nhiệm phải hình thành được các kỹ năng tự hướng nghiệp cho học sinh và hướng dẫn các em tự hướng nghiệp cho chính mình...