Hưởng lương nhờ... 'làm con toàn thời gian'

GD&TĐ - Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều thanh niên Trung Quốc đưa ra lựa chọn ngược đời: 'Làm con toàn thời gian'.

Nhiều thanh niên Trung Quốc đang vui vẻ với nghề 'làm con toàn thời gian'. Ảnh: Nbcnews.com
Nhiều thanh niên Trung Quốc đang vui vẻ với nghề 'làm con toàn thời gian'. Ảnh: Nbcnews.com

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều thanh niên Trung Quốc đưa ra lựa chọn ngược đời: “Làm con toàn thời gian”. Tuy nhiên, khác với sự lo ngại và chê bai của xã hội, đây có thể là quyết định không tồi.

“Làm con toàn thời gian”

Kể từ đầu năm 2023, một ngày của Zhang Jiayi (31 tuổi) là 24 giờ ở bên cha mẹ. Buổi sáng, cô đi dạo cùng cha mẹ, sau đó cùng họ đi chợ, mua đồ chuẩn bị nấu bữa trưa. Sau khi ăn trưa, cô chợp mắt một chút rồi mới bắt đầu các công việc lặt vặt khác trong nhà. Buổi tối, cô trò chuyện với cha mẹ và đi ngủ.

Giới trẻ Trung Quốc gọi những thanh niên như Jiayi là người “làm con toàn thời gian”. Như tất cả các công việc toàn thời gian khác, các “lao động” này cũng được trả lương. Ở trường hợp của Jiayi, mỗi tháng, cô nhận 8 nghìn nhân dân tệ từ cha mẹ mình. So với thu nhập trước khi bị thất nghiệp, nó thấp hơn 20% nhưng, so với mức lương tối thiểu của Trung Quốc - 2.690 tệ/tháng lại khá khẩm hơn rất nhiều.

Theo số liệu thống kê từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của các thanh niên tuổi từ 16 – 24 trong các khu vực thành thị đã lên đến 21,3%, cao hơn 4,1% so với những người ở tuổi 25 – 59. Trung bình, cứ trong 5 thanh niên thì có 1 người không có công ăn việc làm. Năm nay, 11,6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp sẽ tham gia vào lực lượng lao động. Dự kiến, tỷ lệ thất nghiệp còn gia tăng.

Những năm gần đây, giới truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về thanh niên thất nghiệp. Càng ngày, đất nước này lại càng có nhiều cử nhân, thạc sĩ… buộc phải lựa chọn làm các công việc không đòi hỏi bằng cấp như lái xe thuê, giao hàng… Với cô Jiayi, làm con toàn thời gian chỉ là một trong các “công việc mới”. Cô cũng phải tập tành, nỗ lực mãi mới thành quen.

“Lúc đầu, tôi thậm chí không thể phân biệt được các loại rau nhưng bây giờ, tôi có thể chỉ liếc qua cũng đã biết”, cô Jiayi khoe.

Thu nhập từ làm con toàn thời gian, ngoài tiền bạc còn có tình thân. Ảnh: Scmp.com

Thu nhập từ làm con toàn thời gian, ngoài tiền bạc còn có tình thân. Ảnh: Scmp.com

Gắn kết tình thân

Theo nhận định từ các chuyên gia, tốc độ phục hồi kinh tế yếu ớt sau đại dịch của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp đáng ngại ở giới trẻ. Bên cạnh đó, số lượng tuyển sinh đại học tăng mạnh từ năm 2012 – 2022 cũng góp một phần nguyên nhân.

“Giới trẻ được nuôi dưỡng và giáo dục để trở thành lao động chuyên môn cấp cao, tức là những công việc đòi hỏi kỹ thuật hoặc trình độ học vấn từ cử nhân trở lên. Trong khi đó, cơ cấu công nghiệp vẫn chưa hoàn thành việc chuyển giao từ công nghệ thấp sang công nghệ cao, thành ra lực lượng lao động mới có bằng cấp cao không có đất dụng võ”, Giáo sư Zhu Hong (Đại học Nam Kinh) phân tích.

Không có nhiều lựa chọn cho lực lượng lao động trẻ trình độ học vấn cao trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng. Nhiều thanh niên đã chán nản tới mức thà buông xuôi, “nằm lười, mặc kệ đời”.

So với “nằm lười, mặc kệ đời” thì “làm con toàn thời gian” là quyết định hiếu thảo hơn. Thanh niên Trung Quốc thất nghiệp vừa có việc làm là chăm sóc, hỗ trợ cha mẹ, vừa có toàn thời gian ở bên cạnh người nhà.

“Làm con toàn thời gian” là tận hưởng tất cả các khoảnh khắc ở cùng cha mẹ. Nó không phải là công việc, mà là chuyện nên và cần làm. Vì thế, bất kể thu nhập có thấp đến đâu, đấy vẫn là số tiền xứng đáng”, cô Jiayi kết luận.

Hiện tại, cha mẹ Jiayi rất hạnh phúc vì quyết định của cô. Với họ, việc được đoàn tụ và vui vẻ sống cùng nhau quan trọng hơn bất cứ điều gì. Nhiều gia đình khác cũng vậy, cha mẹ sẵn sàng dang tay đón đứa con thất nghiệp trở về và giao công việc.

Ngay cả không thất nghiệp, một số thanh niên Trung Quốc vẫn thấy sống cùng và làm việc hộ cha mẹ có nhiều lợi ích hơn. Nhờ họ, số lượng người làm con toàn thời gian gia tăng.

Nông thôn Trung Quốc đông thanh niên hơn nhờ giới trẻ chọn về quê, sống cùng và làm việc cho cha mẹ. Ảnh: Channelnewsasia.com

Nông thôn Trung Quốc đông thanh niên hơn nhờ giới trẻ chọn về quê, sống cùng và làm việc cho cha mẹ. Ảnh: Channelnewsasia.com

Cơ hội cho nông thôn

6 năm trước, Thạc sĩ Will Wang, người tốt nghiệp cao học tại Đại học New York (Mỹ) đã về quê ở châu Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, “làm con toàn thời gian”. Anh nhận thấy, nông thôn Trung Quốc ngày càng mất mát dân số do phần lớn giới trẻ di cư ra thành thị.

Tuy nhiên, vào năm 2020, tỷ lệ mất mát dân số nông thôn đã giảm. Không chỉ thế, họ còn được tăng thêm 10,1 triệu người do “di cư ngược”, từ thành thị về nông thôn.

Nhờ mạng 5G phủ kín và chi phí sinh hoạt thấp, giới trẻ về nông thôn có cuộc sống tiện nghi không kém gì thành thị. Bên cạnh đó, họ còn được tận hưởng không khí trong lành và nhịp sống êm ả.

Mặc dù di cư ngược đã xuất hiện, nhưng có lẽ sẽ không kéo dài. “Hầu hết các thanh niên đều thích sống ở thành phố, nơi vừa thuận lợi tương tác xã hội và phát triển sự nghiệp, vừa cho phép tự do bay nhảy”, Jiayi nhận thấy.

Ngoài “làm con toàn thời gian”, giới trẻ thất nghiệp của Trung Quốc còn đang mở rộng các lựa chọn nghề nghiệp, sáng tạo ra nhiều kiểu kiếm tiền mới lạ. “Điều quan trọng là dám thử nghiệm và biết nắm bắt cơ hội”, Qiu Qiu, Thạc sĩ nghệ thuật mới tốt nghiệp khẳng định.

Sau nhiều lần không xin được việc, cô Qiu đã tìm được lối thoát trong ngành nghề không liên quan đến bằng cấp của mình là phân tích dữ liệu. Tuy thu nhập không được như cô kỳ vọng, nhưng vẫn tốt hơn là không công ăn việc làm.

Giống như cô Qiu, nhiều thanh niên Trung Quốc có trình độ cao cũng phải linh hoạt tìm việc làm trái ngành nghề, thu nhập thấp hơn mong đợi. “Chỉ cần hạ thấp tiêu chuẩn, thị trường công việc sẽ không thiếu việc làm”, Nina Wu, giám sát viên nhân sự chỉ ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.