(GD&TĐ) - Khi các cơ sở GD khác sau ngày khai giảng tưng bừng, nô nức bước vào năm học mới, thì tại Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn còn 37 cơ sở GD đang quần quật, lăn lưng khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ngày khai trường đối mặt với lũ
Ba mươi bảy cơ sở GD ở Hương Khê (gồm 15 trường MN, 13 trường tiểu học và 9 trường THCS) thuộc các xã Lộc Yên, Hương Đô, Phương Điền, Phương Mỹ, Gia Phố, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Giang đều nằm dọc hai bên bờ sông ngàn Sâu. “ Không năm nào chúng em không đối mặt với lũ lụt, nhưng chưa năm nào lũ lụt lại vào đúng ngày khai giảng như năm nay. Vì vậy ngày khai giảng thay vì cờ hoa rực rỡ, múa hát tưng bừng lại là ngày cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh của trường chống chọi với giặc Thủy Tinh”. Cô Trương Thị Lan - Hiệu trưởng trường tiểu học Hương Đô chia sẻ.
Thuyền trong trường tiểu học Hương Đô sau khai giảng đã 3 ngày |
Sáng ngày 05/09 mưa như trút nước. Tại Hương Khê lượng mưa đo được từ 220mm đến 300mm. Do xả lũ tại đập Hố Hô, nên hai xã Lộc Yên và Hương Đô bi ngập nặng. “Chưa bao giờ tôi thấy nước ngập nhanh như vậy. Sáng 05 tôi sang trường để chuẩn bị khai giảng năm học mới, nhưng 9 giờ cùng ngày, nước lũ đã ào ạt về cổng trường khiến tôi không thể trở về nhà. Các cầu cồng qua sông bị ngập, các trường học huy động lực lượng đến ứng cứu nhưng nước lũ xô về ào ạt, trở tay không kịp”. Thầy Đậu Văn Duẩn- Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà (Hương Đô) vẫn chưa hết ngạc nhiên.
Sáng ngày 08/9 chúng tôi có mặt tại Hương Khê cùng đống chí trưởng phòng xuống một số cơ sở GD bị lũ. Lũ đã rút nhưng dấu tích của trận lũ còn lưu lại ở những đám bèo Nhật Bản còn vương lại trên sân trường, những đám bùn non, ngấn nước, màu vàng quạch đọng lại làm tường nhà loang lổ. Tại trường tiểu học Hương Đô, con thuyền chống lũ vẫn còn nằm trên hành lang trước dãy nhà học lớp 5. Chúng tôi đến trường MN Hương Đô, các cô giáo đang dọn dẹp, lau chùi, phơi phong sách vở, đồ chơi bị chôn trong bùn . “ Suốt cả tháng 8 chúng em lo tu sửa cơ sở vật chất của trường, vôi ve lại tường, chỉnh trang tường rào, tỉa xén bồn hoa, cây cảnh, dọn dẹp sân trường, trồng cây vườn trường, sữa chữa bàn ghế, sơn lại cánh cửa…cho khang trang háo hức bước vào năm học mới. Nhưng lũ đến xóa sổ. Tường loang lổ, nền sân, nền lớp học lún sụp. Hàng trăm đồ dùng dạy học và sách vở được gác lên nóc tủ, kê bàn để lên cao nào ngờ lũ ào ạt đến nhanh làm đổ tủ, trôi bàn, trôi sách. Tiếc của thì một, tiếc công thì mười”. Cô Nguyễn Thị Phương- Hiệu trưởng trường MN Hương Đô chia sẻ.
Tại trường Tiểu học Hương Đô các công trình vệ sinh tự hoại bị nghẽn tắc. “ Nhưng đáng nói nhất là công trình điện bị hư hỏng. Mạng internet bị hỏng hoàn toàn. Máy vi tính ẩm nước lại trải qua thời gian đã lâu nên không còn dùng được. Còn chiếc ti vi tại nhà bảo vệ cũng hỏng luôn do chập cháy.”. Cô Trương Thị Lan- Hiệu trưởng trường tiểu học Hương Đô nói.
Theo thống kê bước đầu của Phòng GD&ĐT Hương Khê đến thời điểm hiện nay thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng, trong đó 21230 m hàng rào bị sập, 12000 m2 sân trường bị lún, 8500m2 nền nhà học láng xi măng bị sụp. Hàng ngàn mét vuông tường nhà bị tróc, hàng ngàn cuốn sách và đồ dùng dạy học bị lũ cuốn trôi, hàng trăm máy vi tính bị hỏng vv…
Trong thời điểm lũ tràn về, nhiều thầy cô giáo đến trường dự lễ khai giảng, do nước lũ tràn đến quá nhanh không về kịp nên nhà cửa, đồ dùng , vật dụng, bị hư hỏng như nhà cô Xuân, cô Huế, cô Quyên (tiểu học Hương Đô)
Nỗ lực khắc phục
Sau lũ, phòng GD&ĐT Hương Khê phối kết hợp vơi các cấp ủy Đảng chính quyền địa phương huy động CB, GV, CNV, phụ huynh tập trung dọn dẹp bùn rác, vệ sinh phòng học, sân trường, vườn trường. “Từ hôm mòng 5 lại nay, chúng em ở trường suốt cả ngày, lo dọn phòng lớp thì không nói, nhưng lo sắp xếp lại đồ chơi, sách vở. Trận lũ này vào nhanh ra nhanh, nhưng mưa kéo dài, trời không hửng nắng nên rất khó khăn cho công tác thu dọn sau lũ”. Cô Nguyễn Thị Phương cho biết.
Nước lũ đẩy bèo trôi về trường |
Đến thời điểm chiều mòng 08/9, công việc lau chùi lớp học tạm ổn, nhưng lớp học vẫn còn ẩm ướt. Các công trình phụ phải chờ nước rút hết mới thông được. Đường điện đang được củng cố. Hiện tại mới 8/37 cơ sở GD nối lại được đường điện. “ Nếu trời mà không nắng, thì còn rất gian nan”. Thầy Đậu Văn Duẫn chia sẻ.
Hiện tại nhiều cầu cồng trên địa bàn bị lũ cuốn trôi, các xã vẫn bị nước cô lập, cho nên học sinh vẫn chưa đến trường được. Nếu đến trường phải đi bằng phương tiện đò ngang. “Chúng tôi khuyến cáo cho nhà trường, phụ huynh học sinh bằng mọi cách đảm bảo an toàn tính mạng cho thầy và trò. Sắp tới khi các cầu chưa sữa chữa kịp thời để lưu thông mà học sinh phải qua đò, thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra mức độ an toàn của các con đò đó. Đối với học sinh mẩu giáo, tiểu học phải qua khe suối, vận động phụ huynh đưa đón các cháu một cách cẩn trọng”. Thầy Hùng nhấn mạnh.
Các trường bị lũ dang ra sức cố gắng để sáng thứ 2 ngày 10 có thể bắt đầu vào học. Mặc dầu vậy, vẫn còn nhiều nỗi lo sau lũ. Lo vệ sinh, lo đề phòng bệnh dịch sau lũ, nhất là bệnh đường ruột và đau mắt đỏ, ngứa chân….
Ngày 07/9 trung tâm ý tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn công tác đến Hương Khê kiểm tra, nắm bắt tình hình, triển khai kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh. Đoàn đã cấp cho 2 xã ngập lụt nặng 75 kg clora minB dạng bột, 30 kg keo làm trong nước, hàng trăm gói orezol, 35 lít nước hóa chất diệt côn trùng với tống kinh phí ước tính gần 30 triệu đồng. Vì vậy các cơ sở GD bị ngập lũ phối kết hợp với địa phương để giải quyết tốt khâu vệ sinh. Đối với trường bán trú, cần phải chăm lo an toàn vệ sinh ăn, uống cho các cháu…
Các cô giáo MN phơi sách sau lũ. |
Còn đó… nỗi lo
Trận lũ đã cuốn mùa màng xuống sông, xuống bể. Theo ông Định Văn Lâm- Chủ tịch UBND xã Hương Đô : “Toàn huyện có 1437 hộ bị ngâp lũ. Riêng xã Hương Đô có 910/1213 hộ bị ngập lũ, trong đó 50% số gia đình ngập sâu từ 1,5m. Lũ đã ngâm 60 ha đậu, 50 ha lúa vụ thu, 45 ha ta ngô ở hai bên bờ sông ngàn Sâu đang ở thời kỳ thu hoạch. Bây giờ nhìn ra đồng ruộng, lũ đã đổ tất cả xuống sông, xuống bể. Nông dân Hương Đô coi như trắng tay. Trước mắt, chúng tôi sẽ lo giải quyết được những hộ thiếu đói, nhưng lâu dài, thách thức thiếu đói là nhãn tiền”. Dân đói nghĩa là phụ huynh đói thì ảnh hưởng trực tiếp đến việc học hành của con em…
Được biết ngành GD&ĐT Hương Khê có phong trào xã hội hóa GD. Đây là một trong những địa phương dẫn đầu Hà Tĩnh về xây dựng trường chuẩn quốc gia trong những năm qua. Nhưng thách thức mà GD&ĐT Hương khê đối mặt thường trực là lũ bão sẽ tàn phá nặng nề cơ sở vật chất trường học. Nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia sau lũ đã xuống cấp nghiêm trọng. “Tôi rất lo, đang cố gắng tìm giải pháp khắc phục, nhưng trước mắt phải huy động lực lượng thầy, cô giáo, phụ huynh ổn định CSVC để sớm tổ chức giảng dạy. Mặt khác cũng khuyến cáo cơ sở đảm bảo an toàn cho thầy trò trong mùa mưa lũ và sau đó tìm mọi nguồn lực mà trước hết là từ nội lực để giữ vững và phát triển GD trong giai đoạn mới”. Thầy Hùng- Trưởng phòng GD&ĐT chia sẻ.
Lê Văn Vỵ