(GD&TĐ) - Quy mô dân số đứng thứ 13 trên thế giới đang tạo cơ hội cho chúng ta sử dụng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, lực lượng lao động chủ yếu là giới trẻ cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế, đặc biệt là những kỹ năng mềm để giới trẻ có khả năng thích ứng với xã hội đầy biến động như hiện nay.
Thanh niên tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS Ảnh: XN |
Dân số vàng nhưng chất lượng không vàng
Báo cáo phát triển con người của Chương trình phát triển (Liên Hiệp Quốc) cho thấy Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng dân số lại không tương đồng. Chỉ số phát triển con người ở nước ta hiện nay mới xếp thứ 116/186 nước tham gia xếp hạng bởi các yếu tố về tầm vóc, thể lực người Việt còn thua xa so với nhiều nước trong khu vực.
Thanh niên Việt Nam không chỉ “thấp bé nhẹ cân” mà còn đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 cho thấy sự thiếu kiến thức và thông tin về sức khoẻ sinh sản kết hợp với những thay đổi về văn hoá, kinh tế – xã hội đã dẫn đến những hành vi có nguy cơ cao ở vị thành niên/thanh niên hiện nay. Số liệu cho thấy phần lớn thanh niên/vị thành niên từng có quan hệ tình dục trước hôn nhân đã không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào. Chỉ có 14% vị thành niên/thanh niên được hỏi đã từng sử dụng biện pháp tránh thai. Hậu quả là trung bình hàng năm có hàng trăm nghìn ca nạo phá thai, trong số đó là nạo phá thai ở những phụ nữ trẻ chưa kết hôn. Độ tuổi quan hệ tình dục ngày càng trẻ hóa trong khi kiến thức về sức khỏe sinh sản lại rất mù mờ nên thanh niên và vị thành niên bị lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh dục, đặc biệt là HIV/AIDS ngày càng tăng.
Giáo dục để “hươu” không đâm vào bụi rậm
Tỷ lệ người nhiễm HIV được phân bổ theo nhóm trẻ, nhóm từ 13 - 49 tuổi chiếm hơn 97%. Số trẻ em dưới 13 tuổi chiếm 1,73%, tất cả đều bị lây nhiễm từ mẹ. Nữ giới nhiễm HIV nhiều hơn cho thấy xu hướng tình dục không an toàn tương đối phổ biến trong giới trẻ và cơ cấu người nhiễm HIV đang có sự dịch chuyển từ nam sang nữ. Điều này cho thấy tình dục không an toàn sẽ là con đường lây nhiễm HIV chủ yếu.
Để vạch đường cho “hươu” chạy, nhiều dự án về giới, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai tại Việt Nam. Đánh giá về tác động của các dự án trên, theo ThS Lê Thị Kim Dung, chuyên gia đánh giá độc lập Việt Nam, đã có sự thay đổi đáng kể về kiến thức cũng như hành vi của giới trẻ về các vấn đề liên quan đến quyền sức khỏe sinh sản, quyền sức khỏe tình dục, HIV/AIDS (chống kỳ thị, phân biệt với người có HIV/AIDS). Tại 4 địa phương Nam Định, TPHCM, Bắc Giang và Phú Yên, 50% vị thành niên/thanh niên tham gia dự án có kiến thức về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. 50% thanh niên/vị thành niên biết áp dụng kiến thức được học để bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ và vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… Điều đáng mừng là nhiều bậc cha mẹ đã có cái nhìn mở hơn và thừa nhận các quyền của vị thành niên, cho phép và tạo điều kiện để vị thành niên/thanh niên tìm kiếm thông tin về tuổi mới lớn, sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
H. Thu