Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc ở bậc đại học, nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản, hình thành thói quen luyện tập thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Theo quy định, giám đốc các đại học, học viện và hiệu trưởng trường đại học chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình môn học Giáo dục thể chất. Những năm gần đây, thực hiện quyền tự chủ trong xây dựng chương trình, nhiều cơ sở đại học đã nỗ lực đổi mới giảng dạy giáo dục thể chất, chủ động xây dựng thêm nhiều môn học mới, rộng mở môn tự chọn, thậm chí có trường còn bỏ các môn bắt buộc, chỉ có môn tự chọn.
Các đơn vị đi đầu trong xây dựng môn tự chọn trong giáo dục thể chất có thể kể như: Trường ĐH Kinh tế - Tài chính dạy aerobic, boxing, vovinam, thể hình thẩm mỹ; Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng có môn gym và fitness, yoga, golf; Trường ĐH Kinh tế TPHCM có tennis, golf và khiêu vũ; Trường ĐH Văn Lang có môn võ, yoga, khiêu vũ thể thao, bóng chuyền, điền kinh, bóng rổ, bóng đá.
Thậm chí Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM… đưa cả pickleball vào chương trình. Những môn học mới được đưa vào giảng dạy đã tăng thêm lựa chọn cho sinh viên, khuyến khích người học tích cực vận động, hào hứng hơn trong học tập.
Để mở rộng môn học tự chọn, bên cạnh đầu tư đội ngũ giảng viên cơ hữu, công trình thể thao, trang thiết bị, có trường còn rộng mở mô hình câu lạc bộ, mời về huấn luyện viên chuyên nghiệp, thậm chí xây dựng cả hệ thống giải đấu quy mô.
Nhờ vậy, sinh viên không chỉ có điều kiện học tập, rèn luyện phù hợp với yêu cầu cá nhân, mà còn được tăng thêm kỹ năng để có thể ngoại giao thể thao, phát triển quan hệ khi gia nhập thị trường lao động.
“Sinh viên kinh tế ra trường cần có khả năng ngoại giao để xây dựng các mối quan hệ. Các bạn biết thêm kỹ năng chơi golf, tennis hay khiêu vũ sẽ bổ trợ cho công việc sau này”, PGS.TS Nguyễn Quang Sơn - Trung tâm Giáo dục thể chất ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ.
Đẩy mạnh môn học tự chọn trong giáo dục thể chất là chuyển động tích cực của giáo dục đại học Việt Nam thời gian gần đây, đó cũng là xu hướng của giáo dục đại học ở các nước tiên tiến. Thế nhưng nhìn tổng thể, hiện chưa nhiều trường làm tốt việc này.
Ngoài nhóm trường quốc tế, trường tự chủ tài chính có tiềm lực kinh tế, đa số trường còn chậm đổi mới trong giảng dạy, nặng về các môn học bắt buộc nên sinh viên kém hào hứng. Nguyên nhân do để mở rộng các môn học tự chọn cần đầu tư lớn về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nguồn lực tài chính.
Trong khi đó phần lớn trường đại học khó khăn về nguồn thu, thiếu điều kiện sân bãi tập, công trình thể thao, thiếu giảng viên. Kết quả khảo sát đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 25/2015/TT-BGDĐT quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo đại học của Bộ GD&ĐT tại 13 trường cho thấy: Đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng so với tổng sinh viên; cơ sở vật chất phục vụ dạy học còn thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác giáo dục thể chất, hoạt động rèn luyện thể dục, thể thao cho học sinh, sinh viên là một trong những điểm nhấn trong chỉ đạo năm học 2024 - 2025 của Bộ GD&ĐT. Việc mở rộng môn tự chọn trong học phần Giáo dục thể chất là hướng đi tích cực, cần khuyến khích nhân rộng.
Để mô hình này phát triển, bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi trường, rất cần xây dựng cơ chế chia sẻ nguồn lực hiệu quả giữa các trường, giữa nhà trường và thiết chế văn hóa thể thao để góp phần khắc phục khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, nhằm đảm bảo tốt hơn điều kiện dạy học.