Trên hành trình này, TP Đà Nẵng là điểm đón cuộc đua tại khu vực Đông Nam Á. Đó là lý do mà Đà Nẵng cũng tham dự cuộc thi này. Đội Đà Nẵng - Việt Nam có 59 thủy thủ (39 nam, 20 nữ), do thuyền trưởng người Australia Wendy Tuck dẫn dắt.
Trong đó có một thủy thủ là người Đà Nẵng (Nguyễn Trần Minh An, 29 tuổi), cũng là người con đầu tiên của Đà Nẵng trở thành thủy thủ thuyền buồm, tham gia cuộc thi vòng quanh thế giới.
Những cái “đầu tiên”
Nguyễn Trần Minh An quê ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), từng làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh cho Công ty Green Tour, trước khi trở thành thủy thủ thuộc biên chế của Công ty CP Tàu Lai Cảng Đà Nẵng.
Ba năm trước, ông David Cusworth, Giám đốc Phát triển và tuyển dụng của Công ty Clipper Ventures Plc, đã trực tiếp phỏng vấn rất nhiều ứng viên của Việt Nam để thành lập đội đua của thuyền buồm Đà Nẵng tham gia cuộc đua, chỉ có Minh An đáp ứng đủ tiêu chí cả về khả năng tiếng Anh lẫn tố chất thủy thủ.
Sẽ rất đáng ngạc nhiên khi biết rằng Minh An chưa từng có kinh nghiệm đi thuyền trên biển, trước khi tham dự khóa tập huấn khắc nghiệt đang diễn ra tại Úc. Minh An sẽ tham gia đội Đà Nẵng - Việt Nam trên chặng 4.130 hải lý từ Whitsundays, Úc đến Đà Nẵng, trong cuộc đua trên biển dài nhất thế giới Clipper 2015 - 2016.
Chặng đua này là chặng thứ 7 trong chuỗi 14 chặng đua, bắt đầu vào ngày 18/1/2016 và sẽ mất khoảng một tháng để hoàn thành, dự kiến cập cảng Đà Nẵng vào nửa cuối tháng 2/2016; sau đó sẽ ở lại thành phố cho đến khi bắt đầu chặng 8 đi Thanh Đảo, Trung Quốc vào ngày 27/2/2016.
Điều đó có nghĩa là từ địa điểm huấn luyện ở Úc, Minh An sẽ trở về quê hương trên con thuyền buồm với tư cách là thủy thủ người Đà Nẵng, nếu không muốn nói rộng hơn là người Việt Nam, đầu tiên tham dự thử thách toàn cầu này. Cuộc đua 2015 - 2016 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 19 năm Cuộc đua Clipper có sự tham gia của Việt Nam, cụ thể là TP Đà Nẵng, với tư cách là Nhà tài trợ và Cảng Đăng cai cuộc đua trên hành trình vòng quanh thế giới.
Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, mục tiêu của TP đối với việc tài trợ Cuộc đua Clipper là sử dụng nền tảng quốc tế cao cấp của sự kiện để thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch quốc tế, cũng như phát triển các quan hệ ngoại giao, văn hóa, xã hội trong khu vực.
Có quyết tâm, không gì là không thể
Phát biểu về sự tham gia của mình đối với Cuộc đua Clipper 2015 - 2016, sự kiện đua thuyền duy nhất đào tạo các thủy thủ không chuyên thành các nhà đua thuyền đại dương, Minh An cho biết: “Được chọn tham dự Cuộc đua Thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper và đại diện thành phố quê hương, thành phố Đà Nẵng, là một vinh dự to lớn và đầy háo hức đối với tôi.
Ban đầu chỉ là để thử sức mình, tôi cũng không kỳ vọng được chọn nhưng cuối cùng đã trở thành người may mắn nhất. Điều đó cho thấy thực sự nếu có quyết tâm thì không gì là không thể”. “Bên cạnh việc bản thân được trải nghiệm cuộc đua, tôi hi vọng có thể giới thiệu Đà Nẵng với các thủy thủ, những người ủng hộ, cũng như chia sẻ văn hóa Việt Nam với các đồng đội. Tôi rất tự hào về thành phố của mình và thực sự háo hức khi cuộc đua chuẩn bị đến quê hương.
Tôi hi vọng những thành viên khác của các đội đua cũng vậy và sẽ quay lại thăm chúng tôi một ngày nào đó trên đất nước Việt Nam tươi đẹp này”, Minh An chia sẻ thêm. Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Thành phố Đà Nẵng cử thủy thủ Nguyễn Trần Minh An tham gia Cuộc đua Clipper trên con thuyền Đà Nẵng - Việt Nam với hi vọng sẽ giúp cho thủy thủ đoàn cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về thành phố Đà Nẵng và Việt Nam.
Lãnh đạo địa phương vẫn thường xuyên theo dõi sát sao và động viên kịp thời trong suốt thời gian Minh An tham gia khóa tập huấn khắc nghiệt tại Sydney (Úc) và rất mừng khi được biết em đã có sự tích cực chuẩn bị cho hành trình sắp đến. Chúng tôi chúc cho thủy thủ Nguyễn Trần Minh An và các thủy thủ đội Đà Nẵng - Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, cũng như đóng góp cho thành công chung của đội”.
Minh An trải lòng mình trước ngày khai cuộc: “Khi ở trên biển, tôi cảm thấy như đang ở nhà vì ba năm qua tôi làm thủy thủ tàu lai, nhưng tôi chưa từng có kinh nghiệm đua thuyền trên biển. Đây là cơ hội học tập mới và rất lớn đối với tôi.
Tôi nghĩ một trong những thử thách lớn nhất của trải nghiệm này là thời tiết. Nếu mưa và sóng khắc nghiệt và biển gập ghềnh, sẽ rất khó khăn cho việc lái thuyền của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không thể đoán được chúng tôi sẽ có những trải nghiệm gì. Đây là thử thách của mẹ thiên nhiên, và cũng là lý do vì sao nó vừa khó đoán vừa thú vị”.