Hưng Yên: Kết thúc giãn cách xã hội 2 huyện Yên Mỹ và Khoái Châu từ ngày mai

GD&TĐ - Tỉnh Hưng Yên đã ban hành thông báo về việc kết thúc phong tỏa 2 xã và dừng giãn cách xã hội tại 2 huyện của tỉnh trong ngày mai (26/2).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 25/2, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành thông báo số 35/TB-UBND về kết luận của chủ tịch tỉnh Hưng Yên - Trần Quốc Văn, tại cuộc họp thành viên UBND tỉnh và Ban chỉ đạo tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên kết thúc phong tỏa xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên) và dừng giãn cách xã hội tại huyện Yên Mỹ và huyện Khoái Châu từ 9h30’ ngày 26/2. UBND 2 huyện trên hướng dẫn nhân dân tiếp tục tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm “khuyến cáo 5K”.

UBND tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát người ra vào tỉnh tại các điểm giao thông tiếp giáp với các tỉnh khác, nhất là tỉnh Hải Dương.

UBND huyện Phù Cừ, Ân Thi, Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào chỉ đạo thực hiện chốt chặn các tuyến đường huyện, đường xã và các đường ngang, đường tắt sang tỉnh Hải Dương để kiểm soát nghiêm ngặt người từ Hải Dương vào Hưng Yên và từ Hưng Yên sang Hải Dương.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã…chỉ đạo duy trì hoạt động 24/24h các chốt kiểm soát tại các rẽ từ đường quốc lộ, đường nối 2 cao tốc vào địa bàn huyện, thị xã nhằm thực hiện hiệu quả việc kiểm soát phòng, chống dịch đồng thời không cản trở lưu thông hàng hóa.

Để chủ động với nguy cơ dịch quay trở lại, tỉnh Hưng Yên cũng thành lập 3 khu cách ly dự phòng tại Đại học Thủy lợi, Cao đẳng Nghề kỹ thuật và Trường Hải quan Việt Nam.

Ngoài ra, liên quan đến thời gian học sinh Hưng Yên quay lại trường học, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp cùng với Sở Y tế, các đơn vị liên quan căn cứ tình hình dịch bệnh, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh việc chỉ đạo cho học sinh đi học trở lại và đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch trong nhà trường, báo cáo UBND tỉnh trước 12h ngày 26/2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cha mẹ có thể để trẻ bình tĩnh rồi nói chuyện. Ảnh minh họa

Làm gì khi con hay giận dỗi?

GD&TĐ - Trẻ nhỏ thường giận dỗi, buồn rầu vì không thể nói ra được nỗi bực bội của mình hoặc chưa được đáp ứng mong muốn nào đó.