“Hung thần” của các nhà thầu

GD&TĐ - Không phải ngẫu nhiên mà nhà thầu xây dựng ở các địa phương gọi cán bộ thanh tra là những “hung thần”. Hễ nghe thanh tra của bộ về kiểm tra các công trình xây dựng ở địa phương là ai nấy đều bạc mặt. 

“Hung thần” của các nhà thầu

Một phần là sợ đoàn thanh tra phát hiện ra những gian dối trong quá trình thi công các dự án nhưng đa phần là sợ phải chung chi. Chung chi không chỉ dừng lại ở mức độ “hữu hảo” mà phải theo sự mặc cả, tùy mức độ sai phạm mà số tiền chung chi sẽ nhiều hay ít. Vụ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ 350 triệu đồng mới đây tại Vĩnh Phúc bị công an bắt quả tang là một ví dụ. Mới chỉ “thăm hỏi” các dự án cấp huyện thôi mà đã đòi từng ấy tiền hối lộ để được “bỏ qua” rồi thì thử hỏi, các dự án cấp tỉnh, số tiền đầu tư cả nghìn tỉ đồng thì không biết phải chung chi bao nhiêu?

Có thể nói, chuyện vòi vĩnh và mặc cả từ các đoàn thanh tra mỗi khi về làm việc ở các tỉnh là khá phổ biến, chẳng qua là mức độ chung chi có thể “chịu đựng được” nên không bị tố cáo mà thôi. Chắc nhiều người còn nhớ vụ Kiểm toán Nhà nước về kiểm tra một số công trình xây dựng bằng vốn trái phiếu Chính phủ tại Quảng Ngãi năm 2010. Bốn cán bộ của Kiểm toán Nhà nước đã đòi các doanh nghiệp xây dựng chung chi nhiều tỉ đồng.

Một mặt, đoàn đã đòi Ban Quản lý các công trình xây dựng tỉnh này chung chi để họ bỏ qua một số sai phạm, mặt khác họ đòi riêng một số nhà thầu phải chung chi từng dự án lẻ. Dĩ nhiên là Ban Quản lý các công trình xây dựng phải “nã” vào các nhà thầu, “phân bổ” số tiền chung chi theo tỉ lệ các dự án mà nhà thầu đã thi công. Một cổ nhưng đến hai tròng như thế, các nhà thầu không chịu thấu bèn … báo cáo công an!

Chỉ một dự án lẻ là tuyến đường Di Lăng - Trà Trung mà “bốn ngài kiểm toán” đòi đến 500 triệu đồng. Mới nhận 280 triệu đồng, họ đã bị bắt quả tang. Công an khám trong phòng nghỉ của khách sạn mà những người này đang ở, phát hiện thêm đến 600 triệu đồng tiền mặt nữa.

Có mấy câu hỏi được đặt ra là: Số tiền chung chi của các doanh nghiệp cho các đoàn thanh tra, liệu họ có ăn một mình? Bộ chủ quản có biết tình trạng nhũng nhiễu đó không? Hỏi bất cứ ai hai câu hỏi trên cũng đều nhận câu trả lời là các đoàn kiểm tra không thể nuốt trôi một mình với số tiền hàng tỉ đồng sau mỗi chuyến kiểm tra ấy được. Và bộ chủ quản không thể nói “không biết” về sự nhũng nhiễu này.

Một câu hỏi nữa: Nếu doanh nghiệp không chung chi thì sao? Thì chắc chắn những sai phạm sẽ bị phanh phui. “Chúng tôi cũng muốn làm đàng hoàng lắm chứ nhưng sẽ lỗ chỏng vó vì một trăm thứ phải “cúng”, từ các sở ngành liên quan, đến chủ đầu tư rồi đến tận cái nơi rót vốn (tức tận Trung ương)! Đó là chưa kể những thứ “râu ria” không có tên mà doanh nghiệp phải “hầu” hàng ngày”.

Vụ việc đoàn cán bộ thanh tra nhận hối lộ bị bắt giữ ở Vĩnh Phúc vừa qua là hệ lụy tất yếu của một quá trình đòi chung chi dài dài. Vụ việc này cũng khiến dư luận phần nào “hiểu thêm” vì sao những sai phạm không hề nhỏ tỉ như ở như ở tòa nhà 8B Lê Trực của Hà Nội mãi không xử lý được, trong khi Bộ chủ quản thay vì thể hiện thái độ cầu thị, lại như “vấp đĩa, rối băng” nhắc đi, nhắc lại những quy định, hướng dẫn về phòng chống tham nhũng, xử lý sai phạm một cách ráo hoảnh.

Khi sự đề kháng của cơ thể kém thì bệnh tật sẽ phát sinh. Nếu vẫn cứ duy trì một thể chế bệnh tật như hiện nay khì đừng mong diệt hết virus tham nhũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ