Huế: Đã có 8 người chết do lũ dữ

GD&TĐ - Tính đến sáng 6/11 tại Thừa Thiên Huế có 8 người chết và mất tích. Toàn tỉnh đã tiến hành sơ tán, di dời 1971 hộ, 7479 khẩu, riêng Thành phố Huế 668 hộ, 2202 khẩu.

Đò là phương tiện duy nhất của người dân vùng rốn lũ Thừa Thiên Huế lúc này
Đò là phương tiện duy nhất của người dân vùng rốn lũ Thừa Thiên Huế lúc này

Do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai vừa qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và mưa đặc biệt lớn đã làm sạt lở, xâm thực bờ biển trên địa bàn toàn tỉnh với chiều dài hơn 10km gồm các đoạn bờ biển qua xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải, Vinh Thanh, huyện Phú Vang và xã Vinh Hải, Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

Trong đó tập trung nặng đoạn qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với chiều dài hơn 2km; đoạn qua xã Vinh Hải dài hơn 2,5km. Bờ biển đoạn qua thôn 4, xã Vinh Hải sóng đã đánh trôi một phần khối lượng xử lý khẩn cấp của các năm 2014, 2016 với chiều dài khoảng 200m; có nguy cơ mở cửa biển mới, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017 – 2018.

Công an Phường Vỹ Dạ giúp dân tránh lũ
Công an Phường Vỹ Dạ giúp dân tránh lũ

Tại huyện Nam Đông, do mưa lớn đã làm cho đèo La Hy thuộc xã Hương Phú bị sạt lở nhiều đoạn. Riêng huyện A lưới có 6 điểm sạt lở trên tuyến QL 49 và các tuyến đường liên thôn, cầu Chai 1, 2 thuộc xã Đông Sơn tiếp tục bị sạt mái taluy và sạt mố cầu. UBND huyện đã huy động các lực lượng địa phương ứng cứu, đến 22 giờ 00 cùng ngày, số người gặp nạn đã được giải cứu

Theo thông từ Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận 8 trường hợp chết mất tích do lũ cụ thể tại địa bàn xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) cũng ghi nhận trường hợp hai bố con mất tích chưa liên lạc được. Theo đó, sáng 5/11 11, ông Phan Văn Quốc (54 tuổi, ở xã Thủy Thanh) chở con gái là Phan Thị Thúy (24 tuổi) đi làm ở khu công nghiệp Phú Bài.

Tuy nhiên, đến chiều tối nay, gia đình liên lạc với công ty của Thúy thì được biết không thấy Thúy đến chỗ làm. Trong khi đó, điện thoại của ông Quốc cũng báo không liên lạc được. Được biết, quãng đường từ xã Thủy Thanh đến khu công nghiệp Phú Bài, qua cánh đồng đã ngập lũ từ sáng đến nay.

Ngoài ra một đoàn hành khách khoảng 30 người trên một xe khách từ Huế lên A Lưới vào sáng 5/11, đã bị mắc kẹt ngay gữa đèo Tà Lương, tuyến QL49A, vì sạt núi chắn đường đã đươc lực lượng dân quân tự vệ ứng cứu đưa về UBND xã Hồng Hạ, an toàn.

Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H. A Lưới (Thừa Thiên- Huế) cho biết, vào sáng 5/11, một xe khách tuyến Huế- A Lưới, trên xe có khoảng 30 người, khi đến đèo Tà Lương thì bị sạt núi gây tắc đường cả hai đầu.

Sáng 6/11 nước lũ còn dâng cao trên các tuyến đường ở Trung tâm thành phố Huế
Sáng 6/11 nước lũ còn dâng cao trên các tuyến đường ở Trung tâm thành phố Huế

Chiếc xe không thể lên A Lưới mà cũng không thể quay ngược về Huế. Khoảng 30 người trên xe khách này đã quyết định đi bộ vượt qua điểm sạt lở để lên A Lưới. Tuy nhiên, do đường xa nhiều điểm sạt lở lớn không thể vượt qua nên lãnh đạo huyện đã chỉ đạo UBND xã Hồng Hạ huy động lực lượng dân quân dùng xe máy đến ứng cứu.  

Sau nhiều giờ ứng cứu, hiện số người trên đã được đưa về trị sở UBND xã Hồng Hạ an toàn. Tại đây, họ đã được cấp thức ăn, nước uống nghỉ ngơi, để chờ thông đường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng cho biết, đa số những người hành khách trên xe này đều là người dân các xã của H. A Lưới, vì vậy họ đã quyết tâm đi bộ lên A Lưới, để mong muốn về nhà.

Tuy nhiên, do từ Tà Lương lên Bốt Đỏ (A Lưới) cũng có một số điểm sạt lở nữa nên hiện tại từ A Lưới, lực lượng cứu hộ của huyện cũng không về được mà những người này cũng không thể lên A Lưới được.

Tính đến sáng 6/11 Cháu Hồ Lê Mạnh Tường ở 94/47 Dương Vân An, phường Xuân Phú, thành phố Huế, 14 tuổi, bị nước cuốn trôi và Bà Đoàn Thị Phương, 48 tuổi, trú tại tổ dân phố Vân Căn, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, do chèo thuyền đi đón con ở An Lỗ, trên đường về bị lật thuyền hiện vẫn còn mất tích.

Chiều 5/11, ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, theo yêu cầu của UBND tỉnh, để đảm bảo an toàn cho học sinh và cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh, tất cả trường học, cơ sở giáo dục thuộc các cấp học sinh trong tỉnh được nghỉ học vào ngày 6/11 do ảnh hưởng của bão số 12.

Sở GD&ĐT đề nghị phòng GD&ĐT các huyện, thị xã và TP. Huế theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão lũ; thông tin kịp thời, đầy đủ đến lãnh đạo các trường, giáo viên, học sinh; nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Sở GD&ĐT tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành giáo dục ngừng ngay việc tổ chức các cuộc họp, các hoạt động không cấp thiết để tập trung nhân lực rà soát kế hoạch, các biện pháp cụ thể để bảo đảm an toàn cho cơ sở vật chất nhà trường, bảo quản tốt hồ sơ, thiết bị giảng dạy, chủ động ứng phó khi mưa bão xảy ra.

Cũng trong chiều 5/11, văn phòng Đại học (ĐH) Huế cho biết vừa gửi thông báo đến các trường thành viên, khoa trực thuộc theo dõi kỹ tình hình mưa lũ và chủ động cho sinh viên nghỉ học vào ngày 6/11. Ngày 5/11 là chủ nhật nên sinh viên các trường được nghỉ học.

Tuy nhiên, các đơn vị đều đã chủ động trực và theo dõi diễn biến mưa lũ. Lãnh đạo ĐH Huế cũng đến các đơn vị để kiểm tra tình hình thực tế. Hiện, vẫn chưa có vấn đề gì xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ