HS bỗng nhiên biểu hiện bất thường: Bệnh không lạ

GD&TĐ - Gần đây, một số HS ở Bắc Kạn, Đắk Lắk đang sinh hoạt, học tập bình thường bỗng có biểu hiện như nói nhảm, quậy phá, la hét… Điều đáng nói, những hành vi trên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, có sự lây truyền và khi trở lại bình thường, các em không nhớ được sự việc đã xảy ra. 

HS bỗng nhiên biểu hiện bất thường: Bệnh không lạ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều người coi đây là bệnh lạ nhưng thực chất có trong y văn, thậm chí còn tương đối phổ biến ở trẻ em.

Bỗng dưng “nổi loạn”

Sở Y tế Đắk Lắk vừa có báo cáo gửi Bộ Y tế về việc một số HS đang theo học tại các điểm trường của Trường Tiểu học Cư Pui II (huyện Krông Bông) mắc triệu chứng lạ.

Theo xác minh của ngành Y tế tỉnh, 6 em độ tuổi từ 10 - 13 bỗng dưng nói nhảm, quậy phá, la hét và chửi mắng trong giờ học. Triệu chứng trên kéo dài từ 15 phút đến 3 giờ.

Khi trở lại bình thường, các em đều không nhớ những gì vừa xảy ra. Kết quả điều tra ban đầu của Sở Y tế tỉnh cho thấy những HS trên có biểu hiện bệnh rối loạn phân ly tập thể.

Trước đó, một số HS theo học tại điểm trường Nà Bản (Chợ Đồn, Bắc Kạn) được ghi nhận có biểu hiện lạ, thường xuyên ngất, suy kiệt sức khỏe… Tất cả HS trên đều là nữ, trong độ tuổi vị thành niên và đều là HS giỏi của trường và nhà ở gần nhau. Các em có biểu hiện giống nhau (người bỗng nhiên cứng đơ, run giật chi, bất động cơ thể, nói nhảm…).

Điều tra dịch tễ cho thấy, những HS trên đều có chỉ số IQ cao, điều kiện sống khó khăn. Nơi các em sinh sống chưa gia đình nào có ti vi, các em ít được tham gia hoạt động tập thể, vui chơi giải trí. Bước đầu, các em được xác định mắc hội chứng rối loạn phân ly tập thể.

Bệnh lạ nhưng thực ra rất cũ

Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm bệnh, rối loạn phân ly hay còn gọi là Hysteria là một nhóm gồm các bệnh lý tâm thần thường gặp, với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 0,3-0,5% dân số.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, rối loạn phân ly là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ và quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp cũng như sự kiểm soát vận động.

Đây là bệnh thường gặp ở trẻ gái, phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý hoặc khó khăn trong học tập, cuộc sống hay mối quan hệ nào đó mà người bệnh không thể tự giải quyết.

Những sang chấn trên tích lũy lại tạo ra cảm xúc mạnh như lo sợ tột độ, tức giận quá mức, thậm chí là tuyệt vọng. Điều đáng nói ở chỗ, bệnh có tính chất lan truyền trong nhóm người có điểm tương đồng hoặc quan hệ nào đó nên dễ gây hoang mang dư luận.

Cũng theo bác sĩ Hương, cho đến nay khoa học vẫn chưa có xác minh rõ ràng về căn bệnh này. Do vậy, rối loạn phân ly hay rối loạn phân ly tập thể được gọi chung là bệnh lý chức năng.

Đây không phải là bệnh lạ, bệnh hiếm bởi được ghi nhận từ lâu. Tuy nhiên, do cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực. Người lớn và trẻ nhỏ đều có áp lực riêng nhưng lại không tìm cách được giải tỏa, chia sẻ nên ngày càng có nhiều người mắc.

Là bệnh liên quan đến tâm thần nên phương pháp điều trị chủ yếu là liệu pháp tâm lý kết hợp với nâng cao thể trạng, bồi dưỡng nhân cách và thiết lập môi trường sống, học tập phù hợp với lứa tuổi.

Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm, cần sự theo dõi, tư vấn của nhân viên y tế bởi những người có chuyên môn sẽ giúp cha mẹ, thầy cô và cộng đồng hiểu hơn về bệnh để tránh tình trạng thờ ơ với sức khỏe các em cũng như trầm trọng hóa bệnh tật.

Về phía gia đình, nhà trường, bác sĩ Hương khuyến cáo, cha mẹ không nên quá bao bọc trẻ. Ngoài việc chăm sóc, tùy theo lứa tuổi, nên cho trẻ tham gia hoạt động tập thể, ngoại khóa để hình thành kỹ năng xử lý tình huống và biết chấp nhận thực tế. Trong trường học, tăng cường bồi dưỡng lối sống, đạo đức, tinh thần đoàn kết, tính tập thể để các em có thể chia sẻ khó khăn, cùng nhau tìm cách giải quyết vướng mắc…

- Trẻ bị hội chứng rối loạn phân ly trước hết cần cách ly để tránh sự lan truyền. Tiếp đó bác sĩ sẽ hỗ trợ các em về tâm lý, hướng dẫn bài tập thư giãn, kỹ năng giải quyết vấn đề;

- Nâng cao thể trạng cho trẻ và giảm áp lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ