Làm việc nhiều mảng, nhiều lĩnh vực
Theo ThS Bùi Minh Phụng- Khoa CNTT Trường ĐH Văn Lang, ngành Công nghệ phần mềm hay Kỹ thuật phần mềm là một nhánh chuyên sâu của ngành CNTT, tạo ra những quy trình, những phần mềm ứng dụng vào cuộc sống của con người. Với sự hỗ trợ của phần mềm, con người được giải phóng khỏi những công việc thủ công nhàm chán, các quy trình hoạt động được tối ưu hóa, giảm thiểu các sai sót.
Người học Kỹ thuật phần mềm được học và hướng dẫn sử dụng thêm nhiều mảng kiến thức của các lĩnh vực như: kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, quản lý, toán học, quản lý dự án, quản lý chất lượng, công thái học phần mềm và kỹ nghệ hệ thống… Chính vì thế, một kỹ sư Kỹ thuật phần mềm khi ra trường có thể làm việc ở rất nhiều mảng.
ThS Phụng nhìn nhận, chính sự bùng nổ quá nhanh và mạnh mẽ của các ứng dụng số và nền tảng ứng dụng tích hợp trong một thời gian ngắn đã khiến cho ngành học CNTT nói chung, Kỹ thuật phần mềm nói riêng, hiện thu hút sự quan tâm rất lớn của người học.
Ông cho biết, nhiều trường hiện nay có đào tạo ngành này, nhưng riêng Trường ĐH Văn Lang từ năm học 2008-2009 đã đào tạo theo chương trình Carnegie Mellon University (CMU)- trường đại học xếp hạng số 1 của Mỹ về Khoa học Máy tính và Hệ thống thông tin.
“Chương trình này chính là một trong những chiến lược quan trọng tạo ra bước đột phá trong chất lượng đào tạo cử nhân CNTT của Văn Lang. Bởi chương trình đào tạo của CMU đặc trưng do tính thực hành cao, các kỹ năng mềm và các đồ án từ thực tế. Mặt khác, các môn học trong chương trình đều do giảng viên được tu nghiệp từ CMU trực tiếp giảng dạy. Vì vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp rất “có giá”, được rất nhiều đơn vị chào mời” - ThS Phụng chia sẻ.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng iSpace, ngành Kỹ thuật phần mềm đặc biệt phù hợp với những bạn trẻ đam mê công nghệ, thích sáng tạo, mày mò khám phá và tạo ra những thứ mới. Học ngành này, sinh viên cũng có thể khẳng định được khả năng của mình từ rất sớm, thông qua những sản phẩm thật, các dự án thật do chính các em thực hiện.
“Nhiều sinh viên còn kiếm được tiền nhờ những ứng dụng, sản phẩm phần mềm do mình phát triển thành công ngay từ lúc còn đi học”- ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.
Nhìn nhận ở góc độ triển vọng, xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề và nhu cầu của thị trường, TS Lê Trường Tùng- Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT cho rằng: Kỹ thuật phần mềm là một ngành của tương lai. Khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ và len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống, thì nhân lực ngành này sẽ vẫn khan hiếm trong những năm tới.
Ông Tùng cho biết, hiện sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường Đại học FPT ngoài việc được đào tạo tích hợp cân bằng giữa kiến thức nền tảng với công nghệ, kỹ thuật mới (không chỉ bao gồm các kiến thức về khoa học cơ bản của nhóm ngành CNTT, mà còn đào tạo đầy đủ về quy trình phát triển phần mềm), họ còn được đào tạo phương pháp, kỹ thuật, công nghệ trong phân tích, thiết kế, phát triển, kiểm thử, bảo trì phần mềm và quản lý dự án phần mềm, cũng như các ứng dụng CNTT…
Sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành các kỹ sư phần mềm có chất lượng tốt, có thể làm việc trong các dự án phần mềm vừa và lớn như: Các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, game; bộ phận vận hành và phát triển CNTT của các cơ quan, nhà máy, trường học, ngân hàng … các doanh nghiệp có ứng dụng CNTT.
Họ cũng có thể đảm nhiệm vị trí chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì các phần mềm máy tính, đáp ứng các ứng dụng khác nhau trong các cơ quan, công ty, trường học... Công tác trong các công ty sản xuất, gia công phần mềm trong nước cũng như nước ngoài. Với sinh viên nhạy bén, giỏi, tư duy sáng tạo, họ cũng có thể làm việc tại các công ty tư vấn về đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các hệ thống thông tin hoặc có thể tự phát hành các sản phẩm game, ứng dụng trên thiết bị di động.
“Ở Việt Nam, đây là ngành mũi nhọn được Đảng và Nhà nước rất quan tâm và đầu tư phát triển vì nhu cầu tuyển dụng các kỹ sư Công nghệ thông tin và ngành Phát triển phần mềm nói riêng sẽ rất cao trong thời gian tới”- TS Tùng nhận định
Sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Trường ĐH Công nghiệp TPHCM |
Thu nhập cao và luôn khát nhân lực
Với thực tế quá khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao mảng CNTT, nhất là những kỹ sư phần mềm giỏi, không khó hiểu vì sao nhân lực ngành này luôn được các công ty phát triển Game, phát triển ứng dụng săn lùng ráo riết. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, thì cơ hội và nhu cầu việc làm của ngành Kỹ thuật phần mềm lại vô cùng lớn.
Trong cơ cấu ngành nghề trọng điểm quốc gia, mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần bổ sung khoảng 1 triệu nhân lực CNTT. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017 cho thấy, con số thiếu hụt nhân lực ngành này có thể lên tới trên 500.000 người.
Thực tế, báo cáo nhu cầu nhân lực chất lượng cao của riêng TPHCM do Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM thực hiện hằng quý cũng cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành CNTT chưa bao giờ giảm. Cá biệt, có năm nhu cầu nhân lực ngành này tăng đến 47% (năm 2015), tính trung bình, mỗi năm TPHCM cần khoảng 16.200 nhân lực lĩnh vực này.
Lý giải điều này, ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM chia sẻ: Kể từ khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), nhu cầu nhân lực của Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh với hơn 6 triệu việc làm được tạo thêm. Trong đó, nhóm ngành CNTT với đặc thù phát triển không ngừng.
Cụ thể, bình quân mỗi năm, TPHCM cần khoảng 280.000-300.000 việc làm, riêng ngành CNTT đã chiếm 6%-7%, khoảng 16.000-20.000 chỗ/năm. Trong đó, riêng ngành Lập trình di động và phần mềm mỗi năm cần khoảng 2.000-2.500 chỗ, ước tính khu vực phía Nam khoảng 10.000 chỗ.
“Trước đây chúng ta chỉ biết về phần cứng, phần mềm và mạng máy tính thì nhóm ngành này đã xuất hiện thêm nhiều ngành mới liên quan như: công nghệ phần mềm, kỹ thuật mạng, công nghệ nội dung số và phát triển phần mềm di động, game... Đây hiện là những lĩnh vực phát triển rất nhanh và có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực vô cùng lớn. Nó chính là nguyên nhân khiến cho nhu cầu nhân lực của ngành tăng liên tục.”- ông Tuấn nói.
Báo cáo mới nhất về ngành CNTT Việt Nam 2017 của mạng tìm kiếm việc làm Vietnamworks, nhu cầu nhân sự ngành CNTT đang ở mức cao nhất trong lịch sử với gần 15.000 việc làm được tuyển dụng trong năm 2016. Theo dự báo của đơn vị này, với gần 80.000 nhân lực CNTT sẽ được các trường cho “ra lò” trong hai năm, 2017 và 2018, so với nhu cầu tính đến cuối năm 2018, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 70.000 nhân lực về CNTT.
Nhu cầu khan hiếm, sự cạnh tranh và kiếm tìm nguồn nhân lực chất lượng giữa các công ty phát triển phần mềm, phát triển Game, các ứng dụng di động vô tình khiến cho mức lương của kỹ sư ngành Kỹ thuật phần mềm được đẩy lên hàng top những ngành nghề có mức lương hấp dẫn nhất hiện nay.
TS Nguyễn Quang Tiệp- một chuyên gia về phần mềm - chia sẻ: Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, các ứng dụng nền tảng, các tun (tool), hỗ trợ việc dựng các phần mềm ngày càng bùng nổ thì nhu cầu tuyển dụng nhân lực mảng này càng tăng. Với một lập trình viên giỏi nghề, có ý tưởng và “nhạy” trong việc định hướng nhu cầu thị trường, nhu cầu người dùng, việc anh ta nhận mức lương 800-1.200 USD/ tháng là chuyện bình thường, thậm chí với nhiều công ty chuyên về phần mềm đa quốc gia, mức lương ấy có thể là 1.500-2.000 USD/tháng.