Hợp tác xã mở hướng thoát nghèo cho người dân vùng cao

GD&TĐ - Với những cách làm hiệu quả, một hợp tác xã tại huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) đã mở hướng thoát nghèo cho nhiều gia đình.

Chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên.
Chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên.

Những mô hình kinh tế hiệu quả

Xã Sơn Liên là một trong những địa phương tiên phong ở huyện miền núi Sơn Tây đưa nhiều loại cây ăn quả vào trồng để mở hướng thoát nghèo cho người dân. Qua nhiều năm triển khai, các mô hình đã chứng minh hiệu quả kinh tế có thể kể đến như cây bưởi da xanh, mắc ca, các giống ổi,...

Nhờ việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay Sơn Liên đã và đang dần hình thành vùng trồng cây ăn quả năng suất mang lại thu nhập cao cho người dân. Và để đạt thành công trên có dấu ấn rất lớn của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên (Hợp tác xã Sơn Liên).

Nhằm hỗ trợ việc canh tác cũng như nâng tầm sản phẩm của người dân, cuối năm 2019 Hợp tác xã Sơn Liên được thành lập với các thành viên chủ chốt là những người trẻ khát khao thay đổi bộ mặt của vùng đất khó này.

"Việc khó nhất chính là thay đổi nhận thức và khơi gợi tinh thần vươn lên thoát nghèo của bà con (người Ca Dong) nơi đây. Để cho người dân thấy được hiệu quả của những mô hình kinh tế, không còn cách nào khác ngoài việc chúng tôi phải là người tiên phong", chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Liên chia sẻ.

Cây mắc ca ở xã Sơn Liên.

Cây mắc ca ở xã Sơn Liên.

Bên cạnh những bất lợi cố hữu của miền núi, các thành viên Hợp tác xã cho rằng rẻo cao này cũng có những lợi thế nhất định để phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến chất đất Sơn Liên rất phù hợp để canh tác cây ăn quả.

Từ sự hiệu quả cao với dự án đầu tiên trồng 1ha bưởi da xanh trên vùng đất đồi, Hợp tác xã Sơn Liên mở rộng thêm nhiều diện tích trồng giống bưởi này. Đến nay, toàn xã có 22ha bưởi da xanh đã cho hiệu quả kinh tế cao và dần tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

Ngoài việc đồng hành trong quá trình canh tác, các thành viên hợp tác xã còn hướng dẫn người dân ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Kể từ khi được hợp tác xã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm cách đây 3 năm, gia đình anh Đinh Văn Thiếu đã vơi đi nỗi lo nước tưới thường xuyên cho 900 gốc ổi nhà mình. Cùng với đó, anh Thiếu cũng tiết kiệm được một khoảng chi phí khi sử dụng béc phun mưa phù hợp.

Tương tự, theo ông Đinh Văn Đê từ sự hướng dẫn tận tình của Hợp tác xã, ông tận dụng diện tích đất đồi để trồng ổi và bưởi da xanh, nhờ đó cuộc sống của gia đình đã ổn định hơn. Thu nhập từ vườn ổi, bưởi gấp đôi so với trồng mì, keo trước đây.

Sau hơn 4 năm hoạt động hiệu quả, từ 18 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã Sơn Liên đã có gần 45 thành viên tham gia. Cùng việc hướng dẫn canh tác, Hợp tác xã còn đóng vai trò cầu nối, kênh thu mua sản phẩm để đưa đến tay người tiêu dùng, góp phần giải bài toán đầu ra cho người dân.

Tạo dựng thương hiệu

Ngoài hiệu quả từ dự án bưởi da xanh, diện tích trồng giống ổi Nữ hoàng cũng đạt năng suất cao, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng cho các thành viên Hợp tác xã.

Theo chị Phạm Thị Trầm, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Liên, ổi Nữ hoàng là mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng những năm gần đây, nhận thấy nhu cầu của thị trường nên các thành viên đã mở rộng diện tích cây trồng này. Hiện, Hợp tác xã có hơn 5ha trồng ổi Nữ hoàng cho năng suất cao và giá bán ổn định.

Đến nay, sản phẩm ổi ở Sơn Liên đã được cấp giấy chứng nhận trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGap. Nhiều mặt hàng khác của các Hợp tác xã cũng được cấp nhãn mác hàng hóa, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, chất lượng VietGap như măng nứa, bưởi da xanh,...

Sản phẩm hạt mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên.

Sản phẩm hạt mắc ca của Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên.

Cùng với trồng trọt hiệu quả, Hợp tác xã Sơn Liên còn phát triển các mô hình chăn nuôi như nuôi heo ky theo hình thức trang trại, khoanh vùng; nuôi bò lai vỗ béo, nuôi gà, dê.

Nhờ tận dụng tối đa các kênh bán hàng như mạng xã hội, thương mại điện tử, hội chợ hay bán trực tiếp tại cửa hàng,... các sản phẩm của Sơn Liên đã được người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Nhờ đó mà doanh thu của Hợp tác xã này cũng tăng dần theo các năm.

Nếu năm 2022, doanh thu mới đạt 1,4 tỉ đồng thì năm 2023 Hợp tác xã Sơn Liên đã ghi nhận bước nhảy vọt doanh thu với trên 5 tỉ đồng. Cùng với đó tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương.

Theo ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, thành quả mà Hợp tác xã Sơn Liên đạt được là kết quả của việc nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như không ngừng cải thiện, nâng cấp sản phẩm từ mẫu mã, bao bì đến chất lượng để có được chỗ đứng trên thị trường.

"Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên là hợp tác xã có doanh thu tốt nhất trên địa bàn huyện, rất hy vọng cách làm như tại Sơn Liên sẽ được nhân rộng ra các xã khác", ông Giang cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ