Ý thức tự vươn lên
Ra riêng với đôi bàn tay trắng, không đất sản xuất, gia đình chị Phạm Hồng Mơ ngụ ấp 1, xã Khánh Lâm (huyện U Minh) được chính quyền địa phương đưa vào danh sách hộ nghèo của xã. Sau khi được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Khánh Lâm hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; cha, mẹ cho mượn đất trống quanh nhà để trồng màu, chồng thì đi theo ghe biển kiếm thêm thu nhập.
Với ý thức tự vươn lên, dù cuộc sống vẫn còn khó khăn do phải nuôi 2 con nhỏ, vợ chồng chị Mơ vẫn tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.
“Không được hộ nghèo, đồng nghĩa không được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ nữa, mình cũng không cảm thấy buồn, thấy bị thiệt thòi, vợ chồng mình còn trẻ, còn sức, phải cố gắng làm để phát triển, đâu thể cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước hoài, Nhà nước hỗ trợ ban đầu vậy là đã tốt lắm rồi”, chị Mơ chia sẻ.
Mô hình trồng màu của chị Phạm Hồng Mơ, xã Khánh Lâm (huyện U Minh) |
Gia đình bà Đỗ Thị Ngọt nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo của xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) do bản thân bà Ngọt mắc bệnh nặng, chạy chữa tốn kém, kinh tế kiệt quệ. Thế nhưng, vốn là gốc nông dân, cần cù, chịu thương chịu khó, ngay khi sức khỏe phần nào phục hồi, bà Ngọt liền tăng gia sản xuất.
Từ 100 con gà giống được Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, đến nay bà Đỗ Thị Ngọt đã phát triển đàn gà lên hàng trăm con. Không chỉ nuôi gà, bà còn chăn nuôi thêm vịt, heo và một số loài có giá trị kinh tế khác. Nhận thấy kinh tế dần ổn định, bà Ngọt liền tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo, dù biết có sổ hộ nghèo sẽ giúp bà thuận lợi hơn rất nhiều trong việc khám, chữa bệnh.
“Chừng nào mình không làm nổi mới nhờ Nhà nước hỗ trợ, chứ còn sức mình phải tự làm vươn lên, đâu để Nhà nước lo cho mình hoài, xã hội còn nhiều hộ nghèo hơn mình nữa. Nghĩ vậy, mình tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Giờ mình phải tiếp tục làm ăn vươn lên, chỉ bảo con cháu cũng phải nỗ lực, không để tái nghèo”, Bà Ngọt nói.
Mô hình chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Diễm, xã Khánh Lâm (huyện U Minh) |
Chị Nguyễn Thị Diễm, ấp 1, xã Khánh Lâm (huyện U Minh) cũng là một trong những hộ tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. “Ngày trước mình ở nhà sập xệ, được chính quyền địa phương hỗ trợ cho căn nhà, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, hiện cuộc sống đã ổn định nên mình xin thoát nghèo, để Nhà nước hỗ trợ cho các hộ khác khó khăn hơn mình”, chị Diễm chia sẻ.
Nỗ lực giảm nghèo
Để người dân nâng cao nhận thức, ý thức tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, từ năm 2022 đến nay, Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, TP Cà Mau triển khai tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức như: Hội thảo, tổ chức đối thoại chính sách về giảm nghèo với người dân, tuyên truyền giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn các nội dung, chuyên đề về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025, góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Song song công tác tuyên truyền, tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả các Dự án thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng thời thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; Chính sách dạy nghề, tạo việc làm; Chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; hỗ trợ về y tế; Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; Chính sách hỗ trợ về nhà ở; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo...
Nhiều hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn thực hiện các mô hình sản xuất. |
“Cà Mau đặc biệt quan tâm thực hiện tốt Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Tổng nguồn vốn năm 2022 và 2023 thực hiện Dự án là hơn 26,7 tỷ đồng. Triển khai trên 100 mô hình sinh kế, chủ yếu tập trung vào các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, có hơn 1.400 hộ dân được thụ hưởng, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh với hình thức hỗ trợ vốn xây dựng mô hình trong vòng 36 tháng”, bà Nguyễn Thu Tư, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Cà Mau cho biết.
Hộ nghèo được tạo công ăn việc làm để vươn lên thoát nghèo. |
Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các hoạt động, chính sách giảm nghèo nêu trên, tỉnh Cà Mau đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 quy định tại Nghị định số 07 ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là hơn 7.400 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41% và hơn 5.700 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,86%.
Đến cuối năm 2023, qua rà soát, toàn tỉnh còn 4.900 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,6% (giảm hơn 2.500 hộ, tỷ lệ giảm 0,81%); hộ cận nghèo còn gần 4.790 hộ, chiếm tỷ lệ 1,56% (giảm 922 hộ, tỷ lệ giảm là 0.3%).