Hợp tác với trường đại học quốc tế: Cơ hội vươn tầm

GD&TĐ - Những năm gần đây, nhiều trường đại học trong nước liên tục ký kết hợp tác với các trường đại học quốc tế tên tuổi trong đào tạo, trao đổi SV.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM và GS Aaron Thean - Phó Hiệu trưởng NUS tại lễ ký kết hợp tác. Ảnh: ĐHQG-HCM
PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM và GS Aaron Thean - Phó Hiệu trưởng NUS tại lễ ký kết hợp tác. Ảnh: ĐHQG-HCM

Đây được xem là cơ hội để các trường đại học trong nước bứt tốc, “vươn vai” nhanh, mạnh và hiệu quả hơn.

Cập nhật những xu thế mới, tri thức mới

Cuối tháng 6, Hội đồng trường Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức phiên họp thứ 3 năm 2024, bàn nhiều nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nhà trường thời gian tới. Trong số những thành tựu 6 tháng đầu năm, hoạt động phát triển hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ được nhấn mạnh. Cụ thể nhà trường tăng thêm 12 đối tác, như Đại học quốc gia Singapore (Singapore), Đại học Portsmouth (Vương quốc Anh)…

Trên cơ sở hơn 10 năm hợp tác nghiên cứu và đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các giáo sư của Viện Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng - Applied Artificial Intelligence Institute (A2I2) trực thuộc Đại học Deakin, Đại học Quốc gia TPHCM xác định Deakin là đối tác hợp tác chiến lược trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin. - PGS.TS VŨ HẢI QUÂN (Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM)

Trước đó không lâu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM có buổi làm việc lần đầu với đại diện Đại học Zurich (Thụy Sĩ) tại Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam. TS Christian Schwarzenegger - Phó Hiệu trưởng Đại học Zurich cho rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đã có sự tiến triển nhất định.

Tuy nhiên, hai bên cần tiếp tục thắt chặt thêm, đặc biệt là về khía cạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. TS Christian Schwarzenegger cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với các trường đại học danh tiếng của Việt Nam, trong đó có Trường Đại học Ngân hàng TPHCM về một số nội dung trong quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; học bổng dành cho sinh viên; chương trình trao đổi cho các bậc đại học, thạc sĩ và tiến sĩ trong tương lai.

Trong buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM đã đề nghị hợp tác với Đại học Zurich nhằm hỗ trợ triển khai các chương trình liên kết đào tạo, đặc biệt là các khóa ngắn hạn và điều hành trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, Kinh doanh, Kinh tế quốc tế, Bảo hiểm... đồng thời xem xét tăng số lượng học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam tại Đại học Zurich.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung chia sẻ, trong thời gian tới, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học danh tiếng khác tại khu vực và quốc tế. Nhà trường đang hướng đến việc hội nhập với hơn 90 đối tác đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) trong đào tạo và hợp tác quốc tế.

Theo các chuyên gia giáo dục đại học, xu hướng toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ đã và đang thúc đẩy giáo dục đại học của mỗi quốc gia đổi mới không ngừng, đặc biệt là hội nhập quốc tế để cập nhật nhanh chóng những xu thế mới, tri thức mới. Vì vậy, nền giáo dục đại học mỗi quốc gia nói chung và các trường đại học nói riêng cần hội nhập quốc tế để giao lưu, học hỏi cũng như đổi mới phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Trung tuần tháng 6/2024, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Đại học Arden (Vương Quốc Anh) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy việc phát triển nghiên cứu khoa học, giảng dạy và các dự án quốc tế của hai đơn vị. Hai bên cam kết thúc đẩy trao đổi học thuật mạnh mẽ, hợp tác, mang đến cho sinh viên cơ hội giáo dục đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao tri thức trong nhiều lĩnh vực.

Theo thỏa thuận hợp tác, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Đại học Arden sẽ hợp tác nhiều lĩnh vực, trong đó có các dự án nghiên cứu chung. Sinh viên và giảng viên sẽ có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi, giúp họ tiếp cận môi trường quốc tế và trải nghiệm phương pháp giảng dạy và học tập đa dạng. Hai trường cũng cam kết phát triển chương trình học thuật chung, nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo nhằm mang đến cho sinh viên nhiều lựa chọn.

Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, nhà trường luôn chú trọng đến công tác hợp tác quốc tế và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác phát triển của trường.

Nhà trường tăng cường mạng lưới đối tác thông qua ký kết các thỏa thuận và tham gia các mạng lưới đối tác giáo dục đại học trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật trên toàn thế giới, gửi cán bộ trao đổi ngắn và dài hạn, tham gia các dự án hợp tác quốc tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển và hoàn thiện đội ngũ cán bộ, tăng năng lực cạnh tranh của trường trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu.

Hiện tại, mạng lưới đối tác học thuật của Trường Đại học Bách khoa phủ khắp từ Mỹ, Canada, châu Âu, Đông Nam Á, Đài Loan, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản…

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, nhà trường xác định một trong chiến lược phát triển trong giai đoạn 2017 - 2023 là tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2023, mạng lưới hợp tác của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát triển với 197 đối tác từ 34 quốc gia trên khắp các châu lục.

Hop tac voi truong quoc te - hinh 2.jpg
Một giờ học tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Thực hiện chiến lược

Tháng 4/2024, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Deakin (Australia) ký kết biên bản hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI) và một số lĩnh vực khác. Theo đó, phát triển các chương trình nghiên cứu liên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và AI là một trong những nhiệm vụ để thực hiện chiến lược phát triển Đại học Quốc gia TPHCM giai đoạn 2021 - 2030.

Trong thời gian tới, hai bên thống nhất đẩy mạnh phát triển các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin, đặc biệt nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề lớn của ngành y tế, nông nghiệp, quản lý hành chính công, xây dựng đô thị thông minh… tại Việt Nam.

Ngoài ra, hai đại học này còn triển khai hợp tác nhiều lĩnh vực khác như đào tạo và nghiên cứu về y tế cộng đồng, công nghệ sinh học, chuyển đổi số, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản trị đại học và quản lý công cho lãnh đạo. Hai bên cũng cam kết gia tăng số lượng và quy mô chương trình trao đổi sinh viên, cung cấp cơ hội thực tập nghiên cứu tại Đại học Deakin cho sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM.

Trước đó, Đại học Quốc gia TPHCM cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore. GS Aaron Thean - Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore đề nghị, hai bên hợp tác triển khai chương trình đào tạo tích hợp cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ theo mô hình 3+1+4.

Theo đó, người học hoàn thành 1 năm học tại Đại học Quốc gia Singapore sau khi học 3 năm đầu của chương trình cử nhân tại các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia TPHCM sẽ được cấp bằng cử nhân của Đại học Quốc gia TPHCM và bằng thạc sĩ (Master by coursework) của Đại học Quốc gia Singapore.

Người học có thành tích học tập tốt ở bậc cử nhân - thạc sĩ và mong muốn tiếp tục học chương trình tiến sĩ sẽ được cấp học bổng để theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore trong 4 năm tiếp theo. Toàn bộ lộ trình từ bậc cử nhân đến hoàn tất bậc tiến sĩ là 8 năm. Chương trình đem đến cho các sinh viên tài năng của Việt Nam cơ hội học tập và được cấp bằng bởi hai đại học hàng đầu của Việt Nam và Singapore với thời gian học tập được rút ngắn, chi phí tiết kiệm.

Hai bên còn cam kết sẽ ưu tiên triển khai hợp tác chương trình đào tạo tích hợp ở các lĩnh vực đào tạo trọng tâm giai đoạn 2021 - 2030 của Đại học Quốc gia TPHCM, gồm: Vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và y sinh.

Các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM cũng đã trao đổi với đại diện Đại học Quốc gia Singapore về kế hoạch cụ thể để triển khai mô hình đào tạo tích hợp này. Bên cạnh đó, hai bên đã thống nhất phát triển hợp tác nghiên cứu, trao đổi giảng viên, xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cho TPHCM và các địa phương.

Hop tac voi truong quoc te - hinh 4.jpg
Đoàn sinh viên Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM trong một chương trình trao đổi sinh viên tại Singapore, tháng 3/2024. Ảnh: OISP

Cơ hội vươn lên mạnh mẽ

TS Vũ Thị Phương Anh - Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nhận định, hợp tác quốc tế giữa các trường đại học ngày càng trở nên thiết yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhu cầu này không chỉ xuất phát từ phía các trường đại học Việt Nam mà còn từ các trường quốc tế. Có thể thấy rõ, ngày càng có nhiều trường đại học của các nước chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác tại thị trường giáo dục đại học Việt Nam.

Lý do cho sự thay đổi này là do yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường phải có những tố chất và tư duy toàn cầu để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động quốc tế. Hợp tác với các trường đại học nước ngoài là giải pháp hiệu quả để các trường đại học Việt Nam nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu này.

Theo TS Phương Anh, hợp tác quốc tế giữa các trường đại học bao gồm nhiều lĩnh vực đa dạng, từ phối hợp xây dựng chương trình, liên kết đào tạo quốc tế, trao đổi chuyên gia, giảng viên và sinh viên, đến hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đưa sinh viên đi thực tập hoặc trải nghiệm việc làm tại nước ngoài. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế còn bao gồm việc học hỏi và áp dụng kinh nghiệm quản trị đại học từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

“Điểm mới mà các trường đại học Việt Nam cần hướng đến trong hợp tác quốc tế là tham gia các Hiệp hội nghề nghiệp quốc tế, đồng thời tham gia kiểm định quốc vì điều này tạo điều kiện cho việc công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường. Đây là minh chứng mạnh mẽ nhất cho chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc tế của các trường đại học”, TS Phương Anh nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế khẳng định, hợp tác quốc tế là cơ hội quan trọng để các trường đại học Việt Nam nâng tầm vị thế và thu hút sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, đối với các trường tư thục, việc hợp tác quốc tế cần được cân nhắc kỹ lưỡng về mặt tài chính do chi phí phát sinh.

“Dù không mang lại lợi ích kinh tế trước mắt, hợp tác quốc tế và trao đổi sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thương hiệu và uy tín của nhà trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong công tác kiểm định chất lượng chương trình và xếp hạng đại học”, TS Phương Anh chia sẻ.

TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, hợp tác quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam sẽ là xu hướng trong tương lai. Việc này sẽ giúp các trường ngày càng mở rộng, phục vụ tích cực cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học.

Các quy định về giáo dục đại học hiện nay đã “mở cửa” cho các trường đại học, tạo cơ hội thuận lợi để các trường mở rộng quan hệ. Việc hợp tác với các trường quốc tế góp phần thổi luồng gió mới vào giáo dục đại học Việt Nam, giúp những cơ sở đào tạo trong nước có thêm cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Trong thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Ngân hàng TPHCM và Đại học Zurich (Thụy Sĩ), hai bên hợp tác để thiết lập khuôn khổ trao đổi giảng viên và sinh viên, trong đó có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí lựa chọn, thời gian và kinh phí. Đồng thời, hai bên tạo cơ hội cho sinh viên Trường Đại học Ngân hàng học tập tại Đại học Zurich và ngược lại, nâng cao trải nghiệm giáo dục và tiếp xúc văn hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.