Hợp tác quốc tế để đổi mới trường đại học

GD&TĐ - Thời gian gần đây, chuyên gia giáo dục Tami Harriot - Quản lý Dự án toàn cầu về phát triển, Ban Phát triển Quốc tế Trường ĐH Sunshine Coast (Australia) liên tục có các chuyến công tác gặp gỡ, làm việc với các trường ĐH Việt Nam về phát triển quan hệ hợp tác. Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Tami bày   tỏ sự phấn khởi về triển vọng kết nối chặt chẽ giữa một ĐH vùng     của Australia với các trường ĐH Việt Nam.

Chuyên gia Tami Harriot và các học viên trong khóa học về lãnh đạo quản trị và lập kế hoạch chiến lược do  Australia tổ chức
Chuyên gia Tami Harriot và các học viên trong khóa học về lãnh đạo quản trị và lập kế hoạch chiến lược do Australia tổ chức

Hợp tác là chia sẻ nguồn lực và chuyên môn

* Xin hỏi lý do tại sao bà chọn GDĐH của Việt Nam là “đích ngắm” hợp tác?

- Tại Việt Nam, tuyển sinh vào GDĐH đã tăng đáng kể trong thập kỷ qua,với tỷ lệ nhập học chung quốc gia ở khoảng 25%. Nhu cầu học tập vượt xa khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất của các trường ĐH. Dù vậy, GDĐH ở Việt Nam đang đi đúng hướng, tiếp tục cung cấp cơ hội học tập cho công dân muốn xây dựng đất nước tốt hơn thông qua môi trường học tập và phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam thừa nhận những thách thức trong GDĐH và cam kết giải quyết những thách thức này.

ĐH Sunshine Coast (USC) là trường ĐH vùng trẻ và năng động. Kể từ khi thành lập năm 1996, nhu cầu về các chương trình của chúng tôi ngày càng tăng. Điều quan trọng là, chúng tôi xây dựng sự hợp tác trên nền tảng của chương trình Quản trị và Lãnh đạo của Aus4Skills do Chính phủ Australia tài trợ. Với sự hiểu biết về bối cảnh văn hóa Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng hai bên sẽ cùng nhau phát triển cách tiếp cận hiệu quả để thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác GDĐH, đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

* Trong quan hệ hợp tác, thường thấy các trường ĐH Việt Nam sẽ được USC hỗ trợ về chuyên môn, kinh phí... Vậy với USC thì sao, trường sẽ nhận được lợi ích gì?

- Hợp tác là chia sẻ nguồn lực và chuyên môn, mỗi đối tác đóng góp cho sự tiến bộ và lợi ích của quan hệ theo cách riêng của mình. Về mặt nghiên cứu, chúng tôi hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực mà chúng tôi có chuyên môn cao, ví dụ như nuôi trồng thủy sản, gien và lâm nghiệp. Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Australia hợp tác để giải quyết vấn đề các bạn phải đối mặt và sau đó áp dụng vào thực tế tại Việt Nam. Những điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của chúng tôi. Điều này cũng sẽ thúc đẩy hợp tác giảng dạy.

Tích cực hỗ trợ các trường ĐH Việt Nam đổi mới

* Hiện các trường ĐH Việt Nam hướng tới tự chủ ĐH. USC đã và sẽ hỗ trợ các nhà trường ở Việt Nam những gì để góp phần tháo gỡ những khó khăn khi tự chủ tài chính, học thuật…?

- Chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm trong hoạch định và thực hiện chiến lược, quản trị và tự thẩm định. Ngày nay, các trường ĐH phải xuất sắc cả về giảng dạy và nghiên cứu, do đó, chúng ta cần một hội đồng khoa học đủ mạnh cũng như hội đồng để hướng dẫn và xây dựng tầm nhìn chiến lược cho trường.

* USC sẽ là cầu nối để các đơn vị khác ở Australia chung tay phối hợp, hỗ trợ các nhà trường ĐH Việt Nam đổi mới. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

- Đối với ĐH Thái Nguyên và Trường ĐH Tây Bắc, xu hướng chung là phát triển thành trường ĐH đa ngành. USC chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của lĩnh vực chúng tôi đang dẫn đầu và sẽ kết nối với các tổ chức khác để hỗ trợ tốt nhất cho các trường ĐH miền núi phía Bắc. Điều này sẽ hỗ trợ việc đạt được tầm nhìn của các trường ĐH này và trở thành ĐH hàng đầu trong khu vực không những đáp ứng nhu cầu đào tạo trong vùng, mà còn có thể hợp tác và đào tạo thu hút nhiều SV quốc tế.

* Có thể hình dung năm 2019, bức tranh hợp tác của USC với các trường ĐH Việt Nam sẽ như thế nào?

Chúng tôi mong muốn làm việc với tổ chức có các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng, có tư duy mở, linh hoạt và hành động trong khuôn khổ đạo đức. Các thành viên Hội đồng trường và Hội đồng Khoa học có tinh thần tiên phong và tầm nhìn chiến lược, những người luôn mong muốn thử các giải pháp sáng tạo và phấn đấu vì chất lượng GD hàng đầu, tốt nhất trong khu vực.
Chuyên gia giáo dục 
Tami Harriot

- Trong khuôn khổ hợp tác hiện nay, chúng tôi xây dựng một kế hoạch làm việc với những hoạt động sử dụng các nguồn lực quý giá mà chúng tôi có trong cộng đồng cựu SV của chúng tôi và tiếp tục hỗ trợ phát triển chuyên môn của họ. Có nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam đang nghiên cứu đề án tiến sĩ tại USC.

Chúng tôi tiếp tục hợp tác với các trường ĐH ở các tỉnh phía Bắc trong đào tạo lãnh đạo và quản trị ĐH, hợp tác nghiên cứu - đặc biệt là về công nghệ gien, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Chúng tôi cũng tiếp tục quản lý chương trình học bổng John Dillion của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) để hỗ trợ cho các nhà lãnh đạo tương lai trong nghiên cứu nông nghiệp. Cùng đó khám phá nhiều cơ hội hơn trong các lĩnh vực khác như trao đổi SV, thực tập và các khóa học ngắn hạn.

Điều đáng lưu ý, chúng tôi tận dụng mối quan hệ sẵn có và làm việc với các cựu SV và tổ chức khác để xây dựng các cộng đồng bền vững. Những nỗ lực của chúng tôi sẽ đóng góp vào thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ