Hợp tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 23/9, tại Cao Bằng đã diễn ra Hội nghị trao đổi công tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam và  tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Đại diện 4 tỉnh biên giới Việt Nam tham gia ký kết hợp tác trao đổi trong lĩnh vực giáo dục với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Đại diện 4 tỉnh biên giới Việt Nam tham gia ký kết hợp tác trao đổi trong lĩnh vực giáo dục với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Tham dự Hội nghị, điểm cầu Trung Quốc có ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh; ông Lưu Hữu Nghị, Giám đốc Sở Giáo dục Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 4 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Quảng Ninh.

Hội nghị nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp giữa các bên định kỳ mỗi năm một lần từ năm 2017 để cụ thể hóa nhận thức chung, chỉ đạo của lãnh đạo các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam và lãnh đạo Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

Hàng năm, Quảng Tây cấp cho 4 tỉnh biên giới Việt Nam mỗi tỉnh từ 18 - 25 suất học bổng đào tạo trình độ đại học, sau đại học. Lạng Sơn, Hà Giang cấp cho Quảng Tây từ 2 - 5 suất học bổng toàn phần cho học sinh của tỉnh Quảng Tây đào tạo trình độ đại học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam).

Tại hội nghị, các bên tiếp tục trao đổi, thảo luận, đánh giá về quá trình hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực Giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Đề xuất, kiến nghị một số nội dung về duy trì cơ chế và mở rộng, hợp tác giữa 2 bên như: giải quyết các vướng mắc về hồ sơ học bổng và học tập của du học sinh trong điều kiện dịch Covid-19; duy trì và tăng cường các chương trình học bổng về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên; trao đổi học tập, giao lưu giữa học sinh, giáo viên, giảng viên của 2 bên; hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa 4 tỉnh về hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới chương trình công tác giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

Đối với tỉnh Cao Bằng, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã cử 56 học sinh tham gia đào tạo trình độ đại học với các chuyên ngành kinh tế, ngôn ngữ, bác sĩ đa khoa, y học dân tộc, thương mại quốc tế; 32 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ với các chuyên ngành Hán ngữ, kinh tế, nghệ thuật...

Từ năm 2010 - 2014, liên kết đào tạo 29 sinh viên của Quảng Tây học chuyên ngành Tiếng Việt tại trường Cao đẳng Sư phạm Cao Bằng theo chương trình đào tạo thỏa thuận với Học viện Sư phạm dân tộc Quảng Tây; trường THPT Thành phố phối hợp với trường Đại học Quảng Tây cử học sinh tham gia trại hè tại Quế Lâm.

Tại Hội nghị, Ông Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá cao những kết quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục mà hai bên đã đạt được, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo trình độ đại học và sau đại học, bồi dưỡng nâng cao trình độ Tiếng Trung và Tiếng Việt thông qua hình thức cấp học bổng, trao đổi giáo viên và lưu học sinh.

Kết quả hợp tác trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong ngành giáo dục, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hai bên mà còn góp phần tăng cường giao lưu nhân dân hai bên, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các địa phương, qua đó, đóng góp tích cực vào vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 Đảng, 2 nước Việt Nam - Trung Quốc…

Kết thúc hội nghị, các bên tiến hành ký kết Bản ghi nhớ, thống nhất tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi định kỳ trong lĩnh vực giáo dục giữa tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và 4 tỉnh biên giới Việt Nam; thiết lập cơ chế liên lạc và điều phối giữa hai bên bao gồm: Sở Giáo dục Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 4 tỉnh biên giới Việt Nam, các trường cao đẳng, đại học và cơ quan khác nhau của Trung Quốc và Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện và thúc đẩy những nhận thức chung đã đạt được trong Hội nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ