Cô giáo mang bằng giỏi trở về quê hương “chinh phục” học trò vùng cao

GD&TĐ - “Với tấm bằng giỏi, ngày ấy tôi có nhiều sự lựa chọn cho mình. Nhưng tôi lại muốn quay về quê hương để chinh phục học trò vùng cao…”, cô giáo Bùi Thị Quế tâm sự.

Cô Bùi Thị Quế giới thiệu không gian vui chơi của trường.
Cô Bùi Thị Quế giới thiệu không gian vui chơi của trường.

Quê hương tôi còn nghèo!

Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo Mường Tè nên cô giáo Bùi Thị Quế thấm hiểu những khó khăn, vất vả của bà con vùng cao. Trở ngại về giao thông là điều đầu tiên tạo nên rào cản cho mọi sự phát triển. Nhìn những thế hệ học trò lớn lên trong sự thiếu thốn, khát khao “con chữ”, ngay từ nhỏ cô Quế đã “nuôi” khát khao trở thành giáo viên và không ngừng học tập, rèn luyện để hiện thực hóa ước mơ.

Năm 1997, cô Quế tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên với tấm bằng loại giỏi. Cô bảo: “Ngày ấy người đi học sư phạm vốn đã không nhiều, tốt nghiệp bằng giỏi lại càng ít, vì thế tôi có nhiều sự lựa chọn nơi công tác cho mình. Nhưng tôi chỉ muốn quay về với Mường Tè. Quê hương tôi còn nghèo!”

Ngôi trường đầu tiên mà cô Quế bắt đầu sự nghiệp giảng dạy là Tiểu học xã Bum Nưa. Sau thời gian dài công tác tại đây, năm 2010, cô được điều động về Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè. Sau 2 năm đảm nhiệm vai trò Phó hiệu trưởng, đến năm 2013, cô Quế được bổ nhiệm làm hiệu trưởng.

Dẫn dắt, đồng hành cùng tập thể sư phạm nhà trường từ những ngày đầu gian khó, đến nay Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè đã có 54 cán bộ, giáo viên. Đây là nơi theo học của trên 600 con em đồng bào. Trong đó, người Hà Nhì, Thái chiếm đa số.

Theo ông Hà Đình Nhuận, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết, cô Quế có năng lực cả về quản lý lẫn chuyên môn. Nhờ những nỗ lực cố gắng của toàn thể giáo viên và học sinh, dưới sự lãnh đạo của cô mà những năm qua, Trường Tiểu học thị trấn luôn đạt thành tích cao trong dạy và học.

Điển hình là năm học 2021 - 2022, ngôi trường này có 2 học sinh đạt giải Nhất cuộc thi Ielts cấp tỉnh, 3 em đạt giải Nhì, 2 em giải khuyến khích. Trong đó, có 2 em lọt vào tốp 20 cấp tỉnh trong đợt thi quốc gia. Với cuộc thi Trạng nguyên tiếng Việt qua hệ thống mạng internet, nhà trường có 2 học sinh đạt giải Nhất cấp tỉnh.

Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, công tác dạy và học của trường gặp nhiều khó khăn. Nhằm thích ứng với dịch bệnh, cô Quế đã phát huy vai trò người đứng đầu để dẫn dắt tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp, với mục tiêu “ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.

Nhiều sáng kiến mới được cô Quế đưa vào giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Cụ thể như một số biện pháp chỉ đạo thực hiện Công tác xã hội hoá giáo dục; xây dựng thư viện thân thiện, nâng cao chất lượng văn hóa đọc cho học sinh tiểu học…

Dưới sự lãnh đạo của cô Quế, những năm qua Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè luôn đạt thành tích cao trong dạy và học.
Dưới sự lãnh đạo của cô Quế, những năm qua Trường Tiểu học thị trấn Mường Tè luôn đạt thành tích cao trong dạy và học.

“Lạt mềm buộc chặt”

Cô Quế tâm sự: Đối với một cô giáo trẻ mới ra trường thì khó khăn lớn nhất là phải hiểu được tâm lý của từng học sinh. Từ đó, phải tự học để tìm ra những phương pháp dạy học tốt nhất. Và mỗi học sinh, cô Quế lại đưa ra một phương pháp riêng, trong đó đề cao những giải pháp mang tính nhân văn.

“Tôi còn nhớ có lần, một giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của trường phản ánh lên ban giám hiệu là trường hợp em học sinh khó bảo. Em này không chịu học tập, tới lớp chỉ quậy phá và không nghe lời giáo viên”, cô Quế nhớ lại.

Chính cô Quế đã trực tiếp tìm gặp em học sinh này để trò chuyện, tâm sự. Ban đầu học sinh tỏ thái độ chống đối, không chịu chia sẻ. Thế nhưng, qua những cử chỉ, hành động, cô Quế hiểu bản chất học sinh không phải như vậy. Nhiều lần tiếp cận khiến cô – trò hiểu nhau hơn. Cô Quế cùng thường xuyên khen ngợi từ hành động nhỏ nhất em làm được.

“Sau một thời gian thì cô giáo chủ nhiệm trao đổi lại là học sinh đó đã có nhiều thay đổi. Vào ngày 20/11, chính em này đến tận phòng tặng tôi một bông hoa, khiến giáo viên trong trường phải ngạc nhiên. Tôi lấy đây làm kinh nghiệm để chia sẻ cho các giáo viên khác trong trường. Cái gì xuất phát từ tấm lòng thì cũng dễ dàng nhận lại được sự yêu mến”, cô Quế chia sẻ.

Là giáo viên công tác nhiều năm tại nhà trường, nên cô Nguyễn Thị Mai Quỳnh hiểu rõ và thường xuyên vận dụng phương pháp giáo dục này của cô Quế. Theo cô Quỳnh, cô Quế luôn là tấm gương về chuẩn mực đạo đức, lối sống và thực hiện nhiệm vụ để giáo viên toàn trường noi theo.

“Nhất là đối với người dân địa phương, cô Quế luôn gần gũi, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh. Dùng tình cảm và sự nhân văn để giải quyết mọi vướng mắc. Không chỉ dùng lời nói dễ hiểu, cử chỉ thân thiện, mà còn bằng những việc làm cụ thể, cô đã không chỉ chinh phục được học trò mà cả những phụ huynh khó tính”, cô Quỳnh nói.

Cô Bùi Thị Quế, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Mường Tè (Lai Châu) nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở; được các cấp, ngành khen thưởng. Năm 2020, cô được công nhận Nhà giáo Ưu tú và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.