Chân trời mới
GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: Năm 2012, với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, sau chuyến công tác ở Clermont -Ferrand và Paris, mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm viện trường Clermont - Ferrand với các bệnh viện tại Hà Nội đã được tăng cường.
Từ đó đến nay, hàng năm, Trung tâm Tim mạch của Trung tâm viện trường Clermont - Ferrand đã tiếp nhận ít nhất 1 phẫu thuật viên tim mạch Việt Nam trong khuôn khổ chương trình DFMS/DFMSA (đào tạo bác sĩ chuyên khoa). Tiếp đó là chương trình hợp tác đào tạo mở rộng với bác sỹ chẩn đoán hình ảnh, y tá và các nhân viên y tế. Việc giảng dạy được thực hiện bởi đội ngũ giảng viên của Trung tâm viện trường
Clermont - Ferrand. Đã có nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng đang công tác tại các bệnh trong cả nước được sang Pháp học tập hoặc được tham gia lớp giảng dạy của các chuyên gia Pháp tại Việt Nam về lĩnh vực chuyên khoa hoặc chăm sóc, kiểm soát nhiễm khuẩn và chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Theo GS. TS Lê Ngọc Thành, bệnh viện vừa cử 5 bác sĩ sang Pháp để đào tạo về tim mạch, nội khoa, chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật thần kinh. Sở dĩ, lãnh đạo bệnh viện tin tưởng và lựa chọn đối tác là viện - trường của Pháp bởi điểm khác biệt lớn nhất với nơi khác là tại đây nếu có ngoại ngữ, chuyên môn tốt, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng sẽ được tham gia vào quá trình khám, chữa cho bệnh nhân tại bệnh viện như bác sĩ bản địa.
Điều này vô cùng quan trọng đối với bác sĩ trẻ bởi việc dạy bài bản các kỹ năng, kiến thức trong quá trình làm việc sẽ giúp họ hình thành phong thái làm việc khoa học, từ đó sẽ chủ động tiếp cận các kỹ thuật mới để phục vụ công tác phân tích hồ sơ bệnh án, chăm sóc và quản lý bệnh nhân…
Tiếp tục đồng hành với bác sĩ
Theo ông Lionel Camilleri, Trưởng Trung tâm Tim mạch (Trung tâm viện trường Clermont Ferrand), mục đích của chúng tôi là đào tạo cho các bác sĩ để khi về bệnh viện, họ có thể cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân, chất lượng quản lý bệnh nhân trong bệnh viện và biết phân tích các hồ sơ bệnh án.
Trong tương lai chúng tôi sẽ phát triển khóa thực tập ngắn hạn cho bác sĩ chuyên khoa rồi. Đồng thời sẽ hợp tác lĩnh vực nghiên cứu khoa học y học và sẽ có những chương trình như làm nghiên cứu sinh tại Pháp và Việt Nam. Chương trình hợp tác này sẽ thực hiện tại tất cả các bệnh viện của Hà Nội, trong đó Trường ĐH Y Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm chính.
Mỗi năm Pháp nhận khoảng 30 bác sĩ trẻ Việt Nam sang học và thực tập trong khuôn khổ chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó cũng có khoảng 80 giảng viên Pháp sang Việt Nam giảng dạy các chương trình liên đại học.
Tùy viên hợp tác y tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Alain Dorie cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị mở chương trình đào tạo về tâm thần nhi. Đây là chương trình quan trọng và tương lai hợp tác này như thế nào được thảo luận trong hội thảo về hợp tác y tế giữa Pháp - Việt Nam được tổ chức vào ngày 15/6 này tại Paris giữa lãnh đạo ngành Y tế hai nước. Chúng tôi sẽ thảo luận tương lai cho hợp tác này và nước Pháp luôn sẵn sàng lắng nghe các yêu cầu phía Việt Nam để hợp tác tốt hơn”.
Bệnh nhân chính là người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc hợp tác đưa nhân viên y tế ra nước ngoài học tập, nâng cao kỹ năng và trình độ. Do vậy, lãnh đạo Bộ Y tế luôn xác định tiếp tục hợp tác với Pháp trên lĩnh vực là thế mạnh của nước bạn để góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe toàn diện người dân trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Y tế) Nguyễn Mạnh Cường nhận định.
Bác sĩ Nguyễn Công Hựu (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E) cho biết: Bác sĩ trẻ ra nước ngoài học tập không phải đi học kỹ thuật mới mà sang như thực tập sinh, làm tất cả công việc trong phòng, khoa từ giấy tờ đến chăm sóc bệnh nhân. “Sau khóa học 2 năm, tôi tâm đắc nhất là học được cách tiếp cận và lấy niềm tin với bệnh nhân, phân tích bệnh án, tìm phương án điều trị tốt nhất cho họ”, bác sĩ Hựu chia sẻ.