Tháo gỡ khó khăn
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, mỗi trường đều có sứ mệnh và nhiệm vụ đào tạo riêng, nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những ngành không còn “hot” nhưng có tính đặc thù nên vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, xã hội của đất nước. Vấn đề đặt ra, các trường có thể liên kết, hợp tác với nhau để đào tạo nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở hợp tác, các trường sẽ cùng định hướng để phụ huynh và học sinh, sinh viên nói riêng, xã hội nói chung hiểu hơn về những ngành nghề đó, đồng thời đánh giá đúng giá trị mà nó mang lại. Ngoài ra, các trường cùng nhau xây dựng chương trình đào tạo tốt hơn, từ đó chất lượng đào tạo sẽ hiệu quả hơn. “Điều quan trọng, các trường liên kết, hợp tác với nhau để khắc phục những hạn chế, phát huy điểm mạnh của mình trong quá trình hội nhập và phát triển” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Khẳng định, hợp tác trong đào tạo đã tạo nên sức mạnh chung, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đoàn Quang Vinh – ĐH Đà Nẵng phân tích: Các trường có thể sử dụng chung nguồn lực: Từ tài liệu học tập, giảng dạy; trang thiết bị, cơ sở vật chất... cho đến đội ngũ giảng viên, nhà khoa học... nhất là trong thời kỳ giáo dục đại học Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số.
“Ngoài ra, việc công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ của sinh viên sẽ được các trường tiến hành, thậm chí triển khai đến các khoa để xem xét trong chương trình đào tạo: Học phần này sẽ chấp nhận như thế nào, môn học kia có thể thay thế ra sao...? Chúng tôi đã tính đến việc này và sẽ sớm triển khai” - PGS.TS Đoàn Quang Vinh chia sẻ.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Các trường phải bàn thêm để đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Tất nhiên, sẽ có những ràng buộc nhất định và giới hạn về tỷ lệ khối lượng học tập và thời gian học tập. Chẳng hạn, trong quá trình đào tạo, môn học đó phải là môn học chung. Thứ nữa, số lượng tín chỉ mà sinh viên theo học không được quá nhiều...
Có thể trao đổi sinh viên
Theo Giáo sư Tiến sĩ Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội), ngoài việc công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ, các trường tính đến phương án hợp tác trong đào tạo, trao đổi sinh viên. Theo đó, sinh viên của trường này có thể sang trường kia để đăng ký học một số học phần, nhằm tích lũy tín chỉ. Đương nhiên, những môn học đó phải tương đồng nhau và có trong chương trình đào tạo.
Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ làm căn cứ cho phép sinh viên của cơ sở đào tạo này được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại. Trong hợp tác đào tạo giữa các cơ sở, việc đánh giá và công nhận lẫn nhau số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở phối hợp đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong nhấn mạnh: Việc công nhận tín chỉ, trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo nhằm tạo điều kiện cho người học có trải nghiệm ở môi trường học tập khác nhau. Ví dụ: Sinh viên của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể đăng ký học ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) để tích lũy tín chỉ nếu được hai trường đồng ý. Theo đó, thay vì học với các thầy cô, giảng đường của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sinh viên sẽ được học ở môi trường mới, với giảng đường và giảng viên mới - Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM).
“Ở một số nước châu Âu, châu Á, họ khuyến khích mô hình liên kết này để sinh viên được thay đổi môi trường học tập. Ngoài ra, các em sẽ được trải nghiệm và trưởng thành hơn. Nói như vậy không có nghĩa, học ở trường này sẽ dễ hơn trường kia. Tất cả đều có nguyên tắc chung và riêng của mỗi trường, nhằm bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Thanh Phong nói.