Phù hợp thực tiễn
Chị Phương, phụ huynh học sinh Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), nhận được thông báo thời gian diễn ra buổi họp phụ huynh gần 1 tuần. Điểm đặc biệt, giấy mời lần này không ghi địa điểm họp, thay vào đó là ID và Pass để vào ứng dụng Zoom. Kèm giấy mời, giáo viên chủ nhiệm lưu ý phụ huynh khi vào ứng dụng sẽ đổi tên theo con để tiện theo dõi và bật camera suốt thời gian họp.
“Cuộc họp diễn ra vào chiều Chủ nhật và mọi thứ đều suôn sẻ, thậm chí còn rôm rả hơn họp trực tiếp”, chị Phương bày tỏ ấn tượng về trải nghiệm lần đầu tiên tham gia họp phụ huynh trực tuyến và cho biết: Giáo viên chủ nhiệm đã công phu chuẩn bị màn khởi động bằng một trò chơi vui có thưởng. Các phụ huynh cùng trả lời khoảng chục câu hỏi bằng cách click vào đáp án đúng. Toàn bộ câu hỏi đưa ra đều liên quan đến trường, lớp, như: Quy mô học sinh, quy mô lớp học của nhà trường; sĩ số học sinh trong lớp; các thành tích trường và lớp đạt được trong năm học…
“Trò chơi kết thúc, tôi mới hiểu dụng ý của cô giáo. Đó không đơn thuần là tiết mục khởi động để tạo không khí đầu cuộc họp, mà còn là cách giáo viên giới thiệu với các phụ huynh về trường, lớp trong năm học vừa qua” - chị Phương kể.
Cuộc họp sau đó diễn ra với các nội dung quen thuộc, nhưng không khí họp thì khác hoàn toàn, phải nói là rất thú vị. Thông tin giáo viên cần truyền đạt đến phụ huynh đều được minh họa bởi bảng biểu, số liệu, nên hiệu quả hơn.
Trên màn hình với hàng chục cửa sổ nhỏ, có phụ huynh vừa ngồi trên xe ô tô vừa họp, người vừa họp vừa xử lý công việc hoặc làm việc nhà nhưng vẫn có thể nắm đủ thông tin. Nhiều phụ huynh có con cũng ngồi họp cùng, chủ yếu để… hỗ trợ kỹ thuật cho cha mẹ; bởi sử dụng các ứng dụng trực tuyến trong học tập đã trở nên rất quen thuộc với các con khi học trực tuyến. “Họp kiểu này đỡ vất vả, tiện lợi hơn nhiều, mà chất lượng cuộc họp lại không hề thua kém” - chị Phương nhận định.
Chị Ngọc Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) có con học Vinschool - trường có truyền thống họp phụ huynh 1 - 1 (giáo viên họp riêng với từng phụ huynh). Phụ huynh được chọn khung giờ trong ngày định sẵn để họp trong khoảng 15 phút. “Thời gian đó cả gia đình tôi đang ở quê, nhưng vẫn có thể họp bình thường. Đó là ưu thế tuyệt vời của họp trực tuyến” - chị Ngọc Anh nói và cho rằng cách họp 1 - 1 hay ở chỗ giáo viên và phụ huynh có thể chia sẻ thoải mái hơn về mọi vấn đề của con vì cuộc họp chỉ có 2 người, nếu có học sinh cùng tham gia là 3 người. Giáo viên có thể nhận xét về học sinh cũng như trao đổi với phụ huynh khá kỹ.
“Buổi đó, con cũng nói lời cảm ơn và tạm biệt cô giáo chủ nhiệm vì sang năm con sẽ có cô chủ nhiệm mới. Tôi nghĩ rằng, kể cả không có dịch bệnh, nhà trường nên cho phụ huynh được lựa chọn có thể họp trực tiếp hoặc trực tuyến. Như vậy thuận tiện cho phụ huynh rất nhiều” - chị Ngọc Anh chia sẻ.
Linh hoạt xử lý tình huống bất ngờ
Trong điều kiện dịch bệnh nhưng các hoạt động giáo dục thường nhật vẫn được các trường cố gắng triển khai với sự chủ động, linh hoạt và ứng dụng công nghệ thông tin. Ngày 28/5, Sở GD&ĐT Thái Bình có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục không tổ chức họp phụ huynh bằng hình thức trực tiếp tại trường và chuyển sang học trực tuyến hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.
Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp trực tuyến với cha mẹ học sinh qua ứng dụng trực tuyến Zoom Meetings. Phụ huynh chỉ cần có máy tính, hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet có thể tham gia họp.
“Thời gian họp vào buổi tối để phụ huynh có thể tham gia đầy đủ. Nếu phụ huynh nào không có điều kiện tham gia họp trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi riêng với phụ huynh qua điện thoại hoặc gửi kết quả học tập của học sinh về gia đình” – thầy Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Ngày 16/5, cô Trần Thị Thu Hương, GV Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã chủ trì cuộc họp với đầy đủ 30 phụ huynh của lớp tham gia. Để chuẩn bị cho cuộc họp, cô Hương cho biết thời gian chuẩn bị cần kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian hơn so với họp trực tiếp. Trong đó, không thể thiếu là những hướng dẫn cụ thể để phụ huynh biết cách cài đặt, sử dụng phần mềm. Giáo viên cũng có lưu ý cụ thể với học sinh về quá trình họp, như: Chỉ bật mic khi có ý kiến phát biểu, ghi tên tham gia cuộc họp theo tên của con để thuận tiện điểm danh…
“Tôi triển khai theo 3 bước. Bước đầu tiên là soạn giấy mời có hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh về cách thức tham gia buổi họp, nội dung chính của buổi họp, thời gian… Bước hai, dùng Google form khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh trước buổi họp. Bước ba, chuẩn bị nội dung: Đưa vào các slide để trình chiếu trong buổi họp; hình ảnh hoặc video ảnh học sinh tham gia các hoạt động tại trường; một số hoạt động để phụ huynh không nhàm chán vì phải nghe giáo viên độc thoại.
Bản thân tôi dùng Quizziz để tổ chức trò chơi cho phụ huynh trả lời một số câu hỏi liên quan đến việc học tập và rèn luyện của con ở trường; dùng mentimeter và padlet để phụ huynh chia sẻ nhận, nhắn nhủ đến các con…
Nội dung cuộc họp vẫn như truyền thống, gồm: Báo cáo kết quả chung của toàn trường, lớp; ý kiến trao đổi của giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập, rèn luyện của lớp; chia sẻ phương pháp đồng hành cùng con ôn thi vào lớp 10, lựa chọn trường thi cho con, cách đăng kí nguyện vọng... Ban đầu dù khá lo lắng, hồi hộp, nhưng sau đó tôi thực sự cảm thấy vui vì phụ huynh có phản hồi tốt” - cô Trần Thị Thu Hương chia sẻ.