Gỡ khó cho tuyển sinh đầu cấp
Là một giáo viên đang công tác trong ngành GD, tôi luôn đồng hành cùng với ngành, luôn ủng hộ Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Về phương án xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực, theo quan điểm của tôi thì việc Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế tuyển sinh THCS cho Thông tư 11 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là sự điều chỉnh hợp lý.
Thứ nhất, phương án tuyển sinh với hình thức xét tuyển phối hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực đến hôm nay đã không còn xa lạ với bậc học THPT và Bộ GD&ĐT đã triển khai nó từ Kỳ thi THPT quốc gia 2015. Nếu triển khai ở bậc THCS cũng là cách để từng bước giúp các em bậc THCS làm quen và tiếp cận dần với việc học, thi mới và hạn chế dần với tình trạng học lệch, học tủ trong học sinh.
Thứ hai, là sự linh hoạt trong quá trình tuyển sinh THCS trong trường hợp các cơ sở GD có số HS đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với tiêu chuẩn tuyển sinh, thì các Sở GD&ĐT các địa phương thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Thứ ba, về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, dự thảo Thông tư này đã nâng cấp chế độ tuyển thẳng, ưu tiên cho những HS đạt các giải của các cuộc thi về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật của HS THCS, THPT phải đạt giải cấp quốc gia.
Trước đó, cách đây 3 năm, khi Bộ cấm mọi hình thức thi tuyển sinh vào lớp 6, khiến nhiều trường chất lượng cao gặp áp lực vào mùa tuyển sinh. Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp phụ huynh làm đẹp hồ sơ cho con em mình, khiến cho việc xét hồ sơ phải kèm theo nhiều tiêu chí phụ như là ưu tiên những em đạt giải trong các cuộc thi Olympic, giao lưu Toán, Tiếng Việt… Cũng chính vì vậy mà ra đời nhiều cuộc thi, giao lưu, nhưng mục đích không phải để HS được chơi một sân chơi trí tuệ, mà trở thành một cuộc đua, nhằm lấy thành tích, lấy huy chương, giải thưởng làm đẹp hồ sơ tuyển sinh vào trường điểm.
Sau đó, Bộ GD&ĐT có giải pháp để tháo gỡ những vấn đề phát sinh trong tuyển sinh đầu cấp như loại bớt việc ưu tiên một số cuộc thi. Và dự thảo phương án tuyển sinh mới đây nếu được thông qua thì năm nay, các trường “nóng” tuyển sinh hàng năm quá tải hồ sơ đăng ký sẽ rất mừng. Vì Bộ đưa ra một thước đo công bằng, bên cạnh việc xét hồ sơ để lọc và lựa chọn HS đủ điều kiện trúng tuyển vào trường, thầy Trần Trung Hiếu nhận định.
Cân nhắc khi đưa ra triển khai đại trà
“Việc tổ chức thi đánh giá năng lực là phù hợp với địa bàn thành phố lớn, đông dân cư, quy mô mạng lưới trường lớp rộng lớn, bao gồm cả hệ thống GD công lập lẫn dân lập, tư thục. Nhưng nhìn rộng ra cả nước, mà cụ thể như tại Nghệ An, thì khi triển khai đánh giá năng lực trong tuyển sinh lớp 6 sẽ gặp không ít khó khăn, hạn chế” - thầy Trần Trung Hiếu nêu ý kiến.
Tất nhiên, đây mới là dự thảo và đề xuất của Bộ GD&ĐT, tức là có một khoảng thời gian để Bộ lắng nghe các ý kiến góp ý của dư luận xã hội và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trước khi áp dụng triển khai trong thực tế.
“Để hiện thực hóa phương án tuyển sinh này, tôi thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần: Lấy ý kiến góp ý, phản biện để có cách nhìn tổng quan và cụ thể về những mặt được và cả những tồn tại cần điều chỉnh thì tạo nên sự đồng thuận, đồng hành của đội ngũ các nhà quản lý GD, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh; Nên triển khai trước phương án tuyển sinh này ở các thành phố lớn, từ đó rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai ở các địa phương còn lại; Với phương án kiểm tra năng lực, Bộ cần có những quy định, hoặc hướng dẫn cụ thể, giao cho địa phương chủ động, linh hoạt để ra đề, tổ chức thi với hình thức, nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế tại nơi đó, thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, GD toàn diện học sinh” - Thầy Trần Trung Hiếu đề xuất.