Họp lớp theo Thông tư 30: Phụ huynh nghĩ đến dự cho có mặt, nào ngờ...

GD&TĐ - Những câu chuyện nhỏ cô Hoàng Như Ngà - Giáo viên Trường tiểu học Nghĩa An (Nghĩa Đàn, Nghệ An) - chia sẻ khi triển khai thực hiện Thông tư 30 là minh chứng giản dị nhưng sâu sắc, cho thấy cách đánh giá mới đã thực sự "thấm" trong mỗi nhà trường và thực sự đi vào cuộc sống.

Họp lớp theo Thông tư 30: Phụ huynh nghĩ đến dự cho có mặt, nào ngờ...

Câu chuyện 1

Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi có gợi ý phụ huynh chia sẻ về cách đánh giá mới. Nhiều phụ huynh thú nhận, thời gian đầu cảm thấy không hài lòng, băn khoăn, lo lắng vì nếu không chấm điểm làm sao biết con mình học hành thế nào!

Nhưng sau đó, mỗi khi con đi học về, mở vở ra đều thấy những nhận xét rất chi tiết của cô giáo, sự lo lắng dần được thay bằng cảm giác yên tâm. Nếu trước đây, căn cứ vào điểm số, phụ huynh chỉ biết con học ở mức giỏi, khá, trung bình hoặc yếu mà không biết rõ con mình yếu ở điểm nào. Thì nay, những nhận xét của cô giáo chỉ rõ tiến bộ như thế nào, còn yếu cụ thể ở đâu, nhờ thế dễ dàng cùng phối hợp với cô kèm cặp con ở nhà hiệu quả hơn.

Cũng trong buổi họp hôm đó, một phụ huynh đã gặp tôi tâm sự: Chồng em đi làm xa, mỗi lần về nhà đều kiểm tra tình hình học tập của con. Nếu thấy điểm kém là anh ấy trách móc, chỉ có mỗi việc ở nhà chăm con cũng không nên thân. Do đó, mỗi lần con bị điểm kém, con lo một thì mẹ lo mười.

Nhưng từ khi đánh giá theo cách mới, thay chấm điểm bằng nhận xét, chồng em về không còn chê trách nữa, em thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều.

Câu chuyện kể của phụ huynh đó thực sự đã khiến tôi có thêm niềm tin vào việc mình đang làm và cố gắng làm tốt hơn.

Câu chuyện 2

Tôi vừa tổ chức một họp lớp để bình bầu học sinh cuối năm, có hội trưởng và hội phó hội cha mẹ phụ huynh học sinh đến dự. Cách thức bình chọn là: Giáo viên viết tên học sinh lên bảng, cho cả lớp giơ tay phát biểu, nhận xét về bạn. Học sinh được nhận xét cũng chia sẻ suy nghĩ xem bạn nhận xét mình như thế có thỏa đáng hay không. Việc học sinh đánh giá bạn là một nội dung của Thông tư 30.

Không khí buổi họp diễn ra vô cùng sôi nổi. Khi được bạn nhận xét, có học sinh thừa nhận, nhưng cũng có những em rất khéo léo trả lời trước lớp: Con biết nhược điểm của mình, cho con xin thêm một cơ hội để đạt mức học sinh hoàn thành tốt các môn học; con xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu và khắc phục những nhược điểm của mình.

Các phụ huynh tham dự buổi họp cũng đứng lên nhận xét về con mình, có cả những ưu và khuyết điểm. Với không khí dân chủ như vậy, học sinh hào hứng, phấn khởi, còn các phụ huynh đến dự cảm thấy vô cùng thú vị, bất ngờ. Một phụ huynh nói với tôi: Ban đầu chỉ nghĩ đến dự cho có mặt, nhưng quả thực buổi họp này đã cho tôi nhiều bài học ý nghĩa.

Nói thêm về việc khen thưởng, từ khi áp dụng Thông tư 30, học sinh có rất nhiều danh hiệu để khen. Không chỉ những em có học lực giỏi mà giấy khen còn được trao cho những em học yếu nhưng trong quá trình học có tiến bộ; những học sinh tích cực việc lớp, việc trường... Việc đó thực sự có tác dụng động viên, khích lệ học sinh rất lớn.

Câu chuyện 3

Trường của tôi nằm cách trung tâm 7 - 8 cây số. Đặc thù trường vùng xa nên học sinh tiếp thu bài còn chậm. Năm tôi dạy lớp 4, có một học sinh viết rất chậm. Nếu giáo viên ngồi bên cạnh em sẽ viết được, nhưng chỉ lơi ra một chút là không hoàn thành bài.

Với học sinh này, mới đầu quả thực tôi rất nản. Nhưng chính những nhận xét theo tinh thần Thông tư 30 mà tôi kiên trì làm đã khiến em có tiến bộ bất ngờ.

Ví dụ, khi học sinh này hoàn thành bài nhưng viết chưa đúng mẫu, đặc biệt với những chữ có nét thắt, tôi ghi nhận xét: Con đã hoàn thành bài nhưng cần lưu ý những con chữ có nét thắt. Sau lời nhận xét, tôi viết lại những chữ này làm mẫu ở phía dưới. Cứ tập dần nhiều lần như vậy, em đã thực sự có tiến bộ. Cuối năm, khi Ban giám hiệu kiểm tra vở sạch chữ đẹp của lớp còn tưởng vở của học sinh đó được em nào khác viết hộ.

Với môn Toán, mỗi khi học sinh làm sai, tôi gọi một học sinh làm bài sai và một học sinh làm bài đúng lên bảng; cho em có bài làm đúng chia sẻ, sau đó cô phê vào vở. Em học sinh làm sai sau đó về chỗ làm lại và thường làm đúng ngay.

Hiệu quả của cách làm này là: Nếu gọi học sinh lên để trực tiếp cô chữa bài, nhiều khi các em sẽ sợ, nhưng khi gọi bạn lên cùng chia sẻ, em sẽ không có tâm lý lo lắng, áp lực nữa, từ đó tiếp thu bài nhanh hơn. Ngược lại, với học sinh làm bài tốt, được cô gọi lên chữa bài cùng bạn cũng rất phấn khởi.

Có thể nói, nếu làm đúng theo tinh thần của Thông tư 30 sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, giáo viên sẽ vất vả vì phải chấm, chữa bài và nhận xét rất chi tiết, cụ thể, hầu như không có thời gian nghỉ.

Một số kiến nghị

Giáo viên hiện nay, ngoài giảng dạy trên lớp còn khá vất vả với việc ghi chép sổ sách. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi chỉ muốn chia sẻ hai vấn đề:

Thứ nhất là về Sổ theo dõi chất lượng giáo dục: Nội dung đánh giá về hoạt động giáo dục và môn học, mỗi tháng một lần là hợp lý.

Tuy nhiên, ở trang 6 - 7 của sổ này có nội dung theo dõi sự hình thành, phát triển năng lực học sinh; trang 8 - 9 theo dõi sự hình thành, phát triển phẩm chất.

Ở những trang này, tháng nào giáo viên cũng phải ghi nhận xét nên nhiều khi bị trùng lặp và rất mất thời gian. Hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất là cả một quá trình nên tôi cho rằng, nên mỗi kỳ đánh giá những nội dung này một lần là phù hợp.

Thứ hai là về học bạ: Hiện nay, giáo viên còn vất vả ở chỗ, ở trang đánh giá năng lực, phẩm chất phân chia nội dung quá chi tiết khiến giáo viên phải ghi từng năng lực, phẩm chất nhỏ rất mất thời gian, mệt mỏi. Tôi cho rằng, không cần thiết phải chia nhỏ từng từng năng, phẩm chất như vậy; giáo viên chỉ cần ghi vào hai mục này với nội dung ưu điểm và tồn tại của học sinh là đủ.

Có thể nói rằng, khi triển khai Thông tư 30, bản thân giáo viên có vất vả hơn, nhưng không thể phủ nhận, đây là quy định nhân văn, hướng tới sự tiến bộ của học sinh, vì học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả theo đúng tinh thần Thông tư, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết và thương yêu học sinh thực sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ