Theo đó, tiếp tục duy trì tổ chức các cuộc thi cấp quốc gia theo các văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, gồm:
Kỳ thi THPT quốc gia; kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT;
Hội khỏe Phù đổng toàn quốc (gồm các môn thể thao được dạy trong trường học, được tổ chức 4 năm/lần); cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức các cuộc thi sau:
Cuộc thi "Giao thông học đường" do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì; cuộc thi "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" do Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì; cuộc thi "Viết thư quốc tế UPU" do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Đối với Cuộc thi giải Toán và Vật lý trên mạng, Cuộc thi tiếng Anh trên mạng, Cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay: Các đơn vị chủ trì tổ chức rà soát và đổi mới nội dung, hình thức thi gắn liền với đổi mới hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình giáo dục phổ thông, đăng công khai đề án tổ chức trên mạng và báo cáo Bộ GD&ĐT để theo dõi.
Các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm theo dõi, giám sát trong quá trình diễn ra cuộc thi, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả, theo nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh, không thu kinh phí, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp toàn quốc, không lấy thành tích cuộc thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia.