(GD&TĐ) - Là một trong những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở một trường đại học, ra trường đã 2 năm, P “gõ cửa” nhiều nơi mà vẫn chưa xin được một chỗ làm yên ổn. Cô lại phải xin bố mẹ chắt bóp cho đi học thạc sỹ Ngôn ngữ. Một tháng ròng ăn ở ôn thi tại Đà Nẵng, cô đã quyết chí lần này thi phải đạt điểm thật cao, mới hòng kiếm được một chỗ trong Viện nghiên cứu.
Trước kỳ thi khoảng một tuần lễ, lớp trưởng của “lớp ôn thi”, một chú độ tuổi trung niên mà P được biết là đang giữ chức Trưởng phòng ở một đơn vị nọ đã tập hợp lớp lại để thông báo một số vấn đề, trong đó có quy chế thi. Sau khi lớp trưởng nói với vẻ mặt nghiêm trọng rằng quy chế thi lần này rất nghiêm ngặt, P nhận thấy trên nhiều gương mặt “sĩ tử” lộ rõ vẻ âu lo. Lớp trưởng trấn an: “ Nhưng hi vọng với tinh thần tương trợ nhau lúc khó khăn, chúng ta sẽ vượt qua kỳ thi này, bỏ tốn công sức, tiền bạc trong thời gian qua. Chúng ta đã và đang cống hiến nhiều cho xã hội. Thời đại bằng cấp, nếu thi mà không được thì thật là uổng phí, bỏ lở cơ hội”. Sau đó, lớp trưởng hỏi: Ai có ý kiến gì xung quanh việc thi không?
Ảnh chỉ có tính chất minh họa (Nguồn: Internet) |
Thế là cả lớp 40 người được dịp xôn xao bàn tán. Người thì bảo: “ Phải có tài liệu đem theo người thì mới yên tâm được. Mình lớn tuổi rồi làm sao mà nhớ cho hết, chắc các giám khảo cũng thông cảm cho!”, người phụ theo: “ Đúng vậy, vấn đề là phải tập hợp những kiến thức trọng tâm, cơ bản rồi tìm ra cách làm “phao” một cách tiện lợi nhất như hồi còn học ở phổ thông ấy”. Lại có ý kiến: “ Quan trọng hơn là phải có thái độ tốt với các giám thị ngay từ đầu để còn được tạo điều kiện chứ!”. Ý kiến “thái độ tốt với giám thị” này xem ra được lớp trưởng “ bắt nhịp” kịp thời hơn cả: “Đúng vậy, nhưng vấn đề là làm thế nào cho thật tế nhị đây? Theo tôi là nhờ anh chị nào “địa thổ” ở đây tìm gặp bảo vệ trước để đặt tạo mối quan hệ thân thiện rồi đặt vấn đề để người ta giúp cho. Chỉ có bảo vệ trước giờ thi mới có quyền đi coi ngó các phòng thi để biết được giám thị nào coi ngó ở phòng nào mà thôi…”.
P để ý số ý kiến tán thành nộp tiền để “ lót tay” cho bảo vệ bồi dưỡng giám thị khoảng 2/3 số thí sinh có mặt hôm ấy. Đa số không tán thành còn lại là những gương mặt SV còn trẻ tuổi như cô. “Mình là SV chưa có công ăn việc làm, bố mẹ lại nghèo, cho đi học là may lắm rồi, lấy tiền đâu ra”, nghĩ vậy, P xin phép ra về trước, trong đầu cứ mông lung ý nghĩ: Hồi thi đại học, biết tỷ lệ chọi là 1/25 mà còn chẳng thấy ăn nhằm vào đâu, huống chi bây giờ thi thạc sỹ lớp có 40 người mà lấy tới 27 người thì cũng có gì khó lắm đâu mà họ phải lo tới như thế nhỉ. Cô còn nghe các thí sinh thi cao học khóa trước nói rằng, đề thi tiếng Anh và các đề thi khác cũng còn dễ hơn hồi ở đại học nữa…
Ngày thi đã đến! P chứng kiến mọi dự tính trong cuộc họp đã bị đảo lộn. Người bảo vệ của Đại học Đà Nẵng không những từ chối nhận tiền “lót tay” bồi dưỡng và đưa cho giám thị, lại còn to tiếng chấn chỉnh: “ Người ta đang chống tiêu cực ầm ầm lên kia mà sao các anh chị làm vậy! Tôi đã được quán triệt kỹ về chủ trương rồi; các anh chị cũng phải quán triệt để làm gương cho con, cho cháu chứ !”, làm mấy đại biểu “môi giới” trường thi sợ hoảng cả lên, chui tọt vào phòng ngồi.
Bị “mất mục tiêu” từ cổng bảo vệ. Khi đề thi được phát ra, không ít người cứ nhấp nhổm “như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm” vì các giám thị coi ngặt quá, không sao mà rút “phao” trong người ra mà sử dụng được. Một vài vị chồm lên phía trước coi bài của P và một số bạn trẻ khác, thì lập tức bị nhắc nhở. Hết buổi thi, có 2 vị đã bị xử lý kỷ luật.
Kết quả lớp thi thạc sỹ ngôn ngữ hôm ấy, P lại được điểm cao nhất lớp; cô không khỏi ngậm ngùi thương cho những cô, chú, anh chị mất công hiến kế nhiều hôm ấy lại rơi vào danh sách bị hỏng thi, trong đó có chú trưởng phòng được bầu làm lớp trưởng nọ. Nhưng cô đã quyết định phải viết một bài ca ngợi bác bảo vệ đã dũng cảm không nhận hối lộ, để nhân rộng gương điển hình làm trong sạch xã hội!
Hồng Châm