Điều luật gây tranh cãi
Được công bố vào năm 1922, luật này được sử dụng lần cuối vào năm 1967 trong các cuộc bạo loạn cánh tả, sau đó là một chiến dịch đánh bom khủng bố trên khắp Hồng Kông và các cuộc chiến giữa người biểu tình và cảnh sát. Năm mươi mốt người chết trong cuộc hỗn loạn, bao gồm 10 sĩ quan cảnh sát. Điều luật đã không được sử dụng trong hơn nửa thế kỷ qua cho phép bà Lam quyền vượt qua cơ quan lập pháp của thành phố để “đưa ra bất kỳ quy định nào mà ông ta (hoặc bà ta) có thể xem xét vì lợi ích cộng đồng”.
Luật mới cấm mọi người mặc đồ che mặt, bao gồm cả việc sử dụng sơn, để che giấu danh tính trong các cuộc biểu tình trái phép cũng như hợp pháp, hoặc các đám tuần hành công cộng. Những người bị kết tội phải đối mặt với án tù một năm và khoản tiền phạt 25.000 dollar Hồng Kông (3.100 USD). Tuy nhiên, quy định này miễn trừ đối với những người có lý do chính đáng để đeo khăn che mặt như do các mục đích tôn giáo, y tế hoặc nghề nghiệp.
Bà Lam cho biết lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/10 và không đưa ra hạn định vô hiệu hóa luật chống đeo mặt nạ. Bà cũng cho biết lệnh ban hành “Quy định cấm che mặt” là một “quyết định cần thiết”, nhưng khẳng định điều đó không có nghĩa là Hồng Kông đang trong tình trạng khẩn cấp. “Chúng tôi đang ở trong một mối nguy hiểm công cộng khá nghiêm trọng. Điều cần thiết là chúng tôi phải ngăn chặn bạo lực và khôi phục lại sự ổn định xã hội càng sớm càng tốt”, bà cho biết. “Chúng tôi tin rằng, luật mới sẽ tạo ra một hiệu ứng răn đe chống lại những người biểu tình và những hành động bất thường khi đeo mặt nạ”.
Đại đa số người đã tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ gần đây tại Hồng Kông đều đeo mặt nạ để che giấu danh tính, với sự e ngại rằng họ có thể bị cảnh sát bắt hoặc trở thành mục tiêu của các hành động khác. Nhiều người cũng sử dụng mặt nạ chống hơi cay và mặt nạ phòng độc khi tham gia các cuộc biểu tình.
Dự đoán trước thông báo này, hàng trăm người đã tuần hành qua khu thương mại trung tâm của Hồng Kông để phản đối lệnh cấm. Nhiều cuộc biểu tình được lên kế hoạch cho buổi tối.
Áp lực chồng chất
Bà Lam đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình cuối tuần đang bước vào lần thứ 18. Các cuộc biểu tình ở thành phố bán tự trị này ngày càng dữ dội, kể từ khi bắt đầu vào đầu tháng 6. Bà Lam cho rằng “những kẻ bạo loạn đang tấn công các khu vực khác nhau của Hồng Kông, gây ra nỗi kinh hoàng”, khiến cuộc sống hàng ngày đã bị ảnh hưởng.
Người đứng đầu cơ quan Tư pháp Hồng Kông John Lee cho biết, những người biểu tình đã hành động quyết liệt hơn khi đeo mặt nạ. Việc đeo mặt nạ cho phép những người có hành vi phạm tội thoát khỏi hành động pháp lý.
“Chúng ta có thể thấy rằng, hầu hết tất cả những người biểu tình bạo lực đều bịt mặt để tránh cảnh sát bắt giữ và hậu quả pháp lý, vì vậy họ cũng có thể tấn công người dân vì các mục đích khác, hay phá hoại các cửa hàng và trạm MTR”, ông Lee nói.
Tuy nhiên, các những người chỉ trích cho rằng việc này sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm và mở đường cho các quy định khắc nghiệt hơn. “Chính quyền Hồng Kông nên làm việc để tạo ra một môi trường chính trị để những người biểu tình không cảm thấy cần phải đeo mặt nạ; không nên cấm đeo mặt nạ hay áp đặt các hạn chế sâu hơn về quyền tự do ngôn luận”, Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.
“Bà Lam cần phải đồng ý kiểm tra lực lượng quá lớn của cảnh sát và tiếp tục quá trình hướng tới quyền bầu cử phổ thông. Những hạn chế bổ sung chỉ gây thêm căng thẳng”.
Những cuộc biểu tình cuối tuần tại Hồng Kông ngày càng căng thẳng, đánh dấu bằng những trận chiến dữ dội với hình ảnh những người biểu tình mặc áo đen ném bom xăng, đốt cháy lối vào ga tàu điện ngầm và phá hoại các tòa nhà chính quyền. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, đạn cao su, vòi rồng và bắt giữ 269 người.
Cuộc khủng hoảng chính trị bắt đầu sau khi hàng trăm nghìn người xuống đường để phản đối dự luật gây tranh cãi về việc dẫn độ từ Hồng Kông sang Trung Quốc. Kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 6, 1.100 người đã bị thương, trong đó có 300 cảnh sát.