Hồng Kông: Cảnh báo nạn khai man thông tin đại học

GD&TĐ - Hồng Kông, Trung Quốc, đang đối mặt với tình trạng gian lận thông tin tràn lan trong tuyển sinh đại học.

Các trường đại học ở Hồng Kông nhận được sự quan tâm lớn từ sinh viên quốc tế.
Các trường đại học ở Hồng Kông nhận được sự quan tâm lớn từ sinh viên quốc tế.

Những trường hợp sử dụng thông tin học vấn giả để đăng ký vào các trường đại học có thể nhận án tù.

Những năm gần đây, Hồng Kông thúc đẩy chiến dịch “Du học tại Hồng Kông” nhằm thu hút sinh viên quốc tế. Khu vực này đang nỗ lực duy trì tiêu chuẩn và chất lượng giáo dục cao, môi trường học tập công bằng.

Các kế hoạch bao gồm khuyến khích chuyển đổi khách sạn và tòa nhà thương mại thành ký túc xá cho sinh viên. Điều này không chỉ giúp tăng cường cơ sở vật chất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên quốc tế trong việc theo học.

Các chính sách đã thu hút đông đảo sinh viên đến Hồng Kông nhưng cũng làm tăng tình trạng khai man thông tin để nhập học. Trường Đại học Hồng Kông (HKU), Trung Quốc, mới đây thông báo nhà trường phát hiện 30 thạc sĩ sử dụng thông tin giả để ghi danh. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 100 người.

Trong đó, một sinh viên từ Trung Quốc đã bị kết án gần 5 tháng tù vì nộp chứng chỉ giả từ một trường đại học danh tiếng Mỹ trong hồ sơ dự tuyển vào trường và khai man với viên chức nhập cư.

Bên cạnh đó, 8 trường đại học công lập đã tuyên bố ngừng ủy quyền tuyển sinh cho các đại lý du học. Điều này nhằm đảm bảo sinh viên không bị lừa dối và mọi hồ sơ đều phải tuân theo quy trình tuyển sinh công bằng, minh bạch.

Tổng Thư ký Văn phòng Giáo dục Hồng Kông, ông Eric Chan Kwok-ki, cảnh báo sinh viên quốc tế bị kết án do gian lận thông tin tuyển sinh đại học sẽ bị yêu cầu rời Hồng Kông và khó có thể trở lại trong tương lai, ngay cả khi đi du lịch. Tổng Thư ký Chan cho biết mọi đơn đăng ký sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng, đặc biệt là những đơn đến từ các trung tâm du học có dấu hiệu gian lận.

Ông Chan khẳng định: “Khi cơ quan chính phủ có đủ bằng chứng để truy tố hành vi phạm pháp, bằng cấp học vấn của những sinh viên này sẽ bị thu hồi và đối mặt với hậu quả nghiêm trọng”.

Dù số vụ việc gian lận được báo cáo vẫn nằm ở mức thấp, chính quyền cam kết sẽ điều tra tất cả các trường hợp một cách nghiêm túc. Những sinh viên đã bị phát hiện cung cấp hồ sơ học vấn giả sẽ không chỉ bị xử lý pháp lý, mà còn ảnh hưởng đến khả năng xin visa trong tương lai.

Bộ trưởng Giáo dục Hồng Kông, bà Christine Choi Yuk-lin cho biết: “Chúng tôi không lo ngại về các vụ đăng ký gian lận có thể ảnh hưởng đến chiến dịch “Du học tại Hồng Kông”. Sức hút và sự uy tín của các trường đại học Hồng Kông được thể hiện qua 400 nghìn đơn đăng ký từ sinh viên nước ngoài mỗi năm”.

Những cảnh báo và biện pháp nghiêm ngặt đối với việc sử dụng thông tin giả không chỉ nhằm bảo vệ uy tín của hệ thống giáo dục, mà còn để đảm bảo rằng sinh viên quốc tế được chào đón trong điều kiện tốt nhất. Chính sách này không chỉ thúc đẩy giáo dục, mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế và văn hóa của Hồng Kông trong tương lai.

Wu Linhui, 24 tuổi, là một trong số khoảng 30 thạc sĩ bị vướng vào vụ bê bối bằng cấp giả tại Đại học Hồng Kông (HKU). Cô đã làm giả thông tin tốt nghiệp ngành Toán học tại Đại học Cornell, Mỹ và nhận được lời mời theo học tại Đại học Hồng Kông (HKU) sau đó.

Theo South China Morning Post

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.