Biết về những kẻ thường trú này trên cơ thể người sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về các bệnh tật, từ dị ứng tới bệnh Parkinson. Việc nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi, vậy cái gì làm nên "con người", đồng thời giúp gợi mở các phương pháp điều trị mới.
Giáo sư Ruth Ley, giám đốc khoa Khoa học vi mô tại Viện Max Planck, cho biết: "Các vi sinh này rất cần thiết cho sức khoẻ của bạn. Và cơ thể của bạn "không chỉ là" bạn".
Dù cho bạn có tắm rửa, kỳ cọ bao nhiêu đi chăng nữa thì hầu như mọi "ngõ ngách" cơ thể sẽ đều được bao phủ bởi những sinh vật cực nhỏ. Những vi sinh này bao gồm vi khuẩn, virus, nấm và cổ khuẩn (ban đầu bị phân loại nhầm là vi khuẩn). Khu vực tập trung đông vi sinh vật nhất là trong ruột của chúng ta.
Giáo sư Rob Knight, Đại học California San Diego, chia sẻ với hãng tin BBC: "Cơ thể bạn chứa vi sinh vật nhiều hơn là "người".
Ban đầu các nhà khoa học cho rằng tế bào người chiếm tỷ lệ 10:1 so với số lượng vi sinh. "Con số tính toán cho thấy tỷ lệ suýt soát 1:1. Ước tính hiện tại là khoảng 43% tế bào người trong tổng số tế bào của cơ thể", giáo sư Knight cho biết.
Tuy nhiên về mặt di truyền, chúng ta thậm chí còn "yếu thế" hơn. Bộ gen với đầy đủ các cấu trúc di truyền của con người được tạo thành từ 20.000 cấu trúc hay gen. Trong khi đó, nếu tính toàn bộ gen của vi sinh vật thì con số dao động từ 2 đến 20 triệu gen.
Sarkis Mazmanian, giáo sư, nhà sinh vật học của Caltech cho biết: "Chúng ta không chỉ có một bộ gen mà các gen của vi sinh vật đóng vai trò như một bộ gen thứ hai, bổ trợ cho hoạt động của chính chúng ta".
"Theo chúng tôi, điều "làm nên" con người là sự kết hợp của DNA của chúng ta và DNA của vi khuẩn ruột", Mazmanian cho biết thêm.
Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta mang trên mình rất nhiều vi sinh như vậy nhưng không chịu bất kỳ tương tác hay ảnh hưởng nào lên cơ thể.
Khoa học đang nhanh chóng khám phá vai trò của vi sinh vật trong tiêu hóa, điều hòa hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật và sản xuất các vitamin quan trọng.
Giáo sư Knight cho biết: "Chúng tôi đang nghiên cứu để những vi sinh này tác động lên sức khoẻ của chúng ta theo những cách chưa từng được biết đến từ trước đến nay".
Đây là một cách tiếp cận mới về thế giới vi sinh bởi trước giờ, mối quan hệ của chúng ta với vi sinh đa phần là những cuộc chiến.
Cuộc chiến với vi sinh?
Kháng sinh và vắc-xin được dùng như vũ khí để chống lại bệnh đậu mùa, bệnh lao hay MRSA (tụ cầu khuẩn). Điều này tốt và đã cứu được rất nhiều người. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lo ngại rằng việc chúng ta tiêu diệt những vi khuẩn "xấu" có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới lợi khuẩn.
Giáo sư Ley chia sẻ: "Trong 50 năm qua chúng ta đã làm rất tốt để loại trừ các căn bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự tăng lên đáng sợ các bệnh tự miễn dịch và dị ứng".
"Việc nghiên cứu về vi sinh tập trung vào những thay đổi trong vi sinh, nguyên nhân tại sao chúng ta trị thành công các bệnh nhưng sau đó lại góp phần tạo ra một loạt bệnh tật mới".
Vi sinh cũng liên quan đến các bệnh như viêm ruột, Parkinson, điều trị ung thư, thậm chí cả trầm cảm và chứng tự kỷ.
Béo phì là một ví dụ khác. Rõ ràng yếu tố di truyền và lối sống đóng vai trò quan trọng, nhưng liệu rằng vi khuẩn ruột có tác động?
Chế độ ăn với bánh mì kẹp thịt và sôcôla sẽ vừa gây ra nguy cơ béo phì vừa ảnh hưởng tới các loại vi sinh phát triển trong đường tiêu hóa của bạn.
Vậy làm thế nào để biết các vi sinh sẽ chuyển hóa thức ăn theo hướng dẫn tới béo phì?
Giáo sư Knight đã tiến hành thí nghiệm trên những con chuột bạch được sinh ra trong môi trường sạch sẽ tuyệt đối. Toàn bộ sự trưởng thành của chúng đều vô khuẩn.
Ông cho biết: "Có thể chứng minh rằng nếu lấy vi khuẩn từ chất thải của người béo phì và cấy ghép vào chuột bạch sẽ khiến cho con chuột đó gầy đi hay béo lên tùy thuộc vào loại vi khuẩn được cấy ghép".
Vi khuẩn "nạc" từ những người béo nhất cũng có thể khiến chuột bạch gầy đi.
"Điều này thật sự đáng kinh ngạc, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu điều này cũng có thể áp dụng với con người?".
Đây là hy vọng lớn cho việc nghiên cứu, rằng sử dụng vi sinh vật có thể là phương thức mới cho y học - sử dụng vi sinh làm thuốc.
"Mỏ" thông tin quý giá
Tiến sĩ Trevor Lawley tại Học viện Wellcome Trust Sanger đang nuôi cấy vi sinh của những người khỏe mạnh trên những người bị bệnh.
"Khi một người bị bệnh, có thể một số vi sinh bị thiếu đi và việc này giúp bù lại".
Tiến sĩ Lawley cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc điều chỉnh hệ vi sinh trên cơ thể có thể giúp thuyên giảm một số bệnh như viêm loét đại tràng, viêm ruột.
Ông cho biết thêm: "Nhiều bệnh mà chúng tôi nghiên cứu xuất phát từ tổ hợp một số "lỗi", có thể là 10 hoặc 15 vấn đề xảy ra với một bệnh nhân".
Mặc dù y học vi sinh đang ở giai đoạn đầu, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc theo dõi vi sinh trên người sẽ sớm trở thành một việc thường nhật, cung cấp nguồn thông tin dồi dào về tình trạng sức khoẻ.
Giáo sư Knight cho biết: "Điều đáng ngạc nhiên là chỉ trong một lượng nhỏ chất thải của chúng ta, lượng dữ liệu thu được từ DNA của vi sinh còn nhiều hơn cả dữ liệu mà cả tấn đĩa DVD có thể lưu trữ".
"Trong tương lai không xa, khi bạn xả chất thải sẽ có một loại thiết bị đọc và thông báo là cơ thể bạn đang hoạt động tốt hay không", giáo sư cho biết.