Nhìn đâu cũng thấy vi phạm
Thông tin từ Bộ Y tế cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm.
Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh lây truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.
Như vậy, có thể thấy thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của cộng đồng.
Theo ông Anh Tuấn – Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam), nguyên nhân căn bản khiến công tác xử lý tình trạng vi phạm ATTP chưa hiệu quả là bởi trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa rõ ràng. Lâu nay, gần như việc xử lý vi phạm ATTP chỉ có cơ sở vi phạm bị xử phạt là chính, còn các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý liên quan trên địa bàn gần như rất ít khi bị xử lý hoặc nhắc tới. Dù quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan quản lý đã rất rõ trong Luật ATTP hiện nay.
Tăng cường truyền thông hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Yến – Phó Trưởng phòng Truyền thông (Cục ATTP - Bộ Y tế) thừa nhận, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về ATTP đã được tăng cường trong thời gian qua với nhiều hình thức đa dạng.
Mặc dù vậy, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về ATTP chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý ATTP.
Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng tràn ngập các bài viết về ATTP, thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay: Thịt có chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh vượt ngưỡng, cá được ủ ướp phân urê, rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép, trái cây “tắm” trong hóa chất độc hại…
Người tiêu dùng bị khủng hoảng niềm tin nhưng truyền thông và các cơ quan có trách nhiệm lại không định hướng và xây dựng niềm tin cho người mua về những thực phẩm “sạch”, thực phẩm an toàn ở đâu.
Điều này đặt ra vấn đề truyền thông trong an toàn vệ sinh thực phẩm cần hướng mạnh tới cả bốn cấp độ của con đường thay đổi hành vi: Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, tạo dựng niềm tin và thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng về ATTP.
Đại diện Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng, truyền thông an toàn vệ sinh thực phẩm cần bám sát theo chuỗi giá trị của sản phẩm theo mô hình: “Từ trang trại đến bàn ăn”, bao gồm các khâu: Sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, phân phối & tiêu dùng. Mỗi sản phẩm được gọi là an toàn cần phải đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn ở tất cả các khâu, các công đoạn của chuỗi giá trị sản phẩm.
Từ đó hướng tới mục tiêu kết nối được thực phẩm sạch/các địa chỉ xanh với người tiêu dùng, đồng thời công khai được cơ sở vi phạm ATVSTP/các địa chỉ đỏ trên phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết, tạo dựng dư luận xã hội tẩy chay những sản phẩm của những cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản không đảm bảo ATTP; tôn vinh những cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm ATTP.