Hôn nhân tiêu diệt tự do cá nhân?

Nhiều cặp vợ chồng trẻ có tư tưởng hiện đại, sống với nhau nhưng muốn được tự do, không phụ thuộc vào nhau, không chỉ về kinh tế mà về tất cả mọi mặt.

Hôn nhân tiêu diệt tự do cá nhân?

Song, tự do thái quá dễ khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên lỏng lẻo, thiếu gắn bó.

Cặp đôi Hân và Phong là một ví dụ. Ngay khi còn yêu nhau, họ đã thỏa thuận là người nào cũng có khoảng trời riêng của mình, miễn không xâm phạm lẫn nhau.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là sau khi cưới, về sống với nhau, họ cam kết là sẽ tôn trọng tự do của mỗi người. Hai người đều có thẻ ngân hàng riêng, mật khẩu của ai người ấy biết. Điện thoại, máy tính... của mỗi người cũng không bao giờ bị “nửa kia” kiểm tra.

Trong cuộc sống vợ chồng, cả hai thống nhất không can thiệp vào sở thích, công việc của người kia. Phong có thể tự do đi phượt với đám bạn cả tuần hay nhậu nhẹt tới khuya mà không bị vợ cằn nhằn.

Ngược lại, Hân thoải mái tụ tập cùng bạn bè uống cà phê, xem phim, nghe nhạc, du lịch đâu đó... Bữa cơm hằng ngày cũng không nhất thiết phải ăn cùng nhau.

Nếu thích, họ hẹn nhau về nấu cơm, cùng ăn. Nếu không, cả hai đi ăn hàng, hoặc mỗi người đi với bạn của mình. Chẳng việc gì phải khai báo cụ thể. Miễn sao phải nói cho người kia 1 tiếng để khỏi chờ đợi.

Tiền nong cũng vậy - “Hồn ai nấy giữ”. Đầu tháng, mỗi người trích ra một khoản, bỏ vào quỹ chung trong tủ để tiêu vào những việc chung như đóng tiền điện, nước, điện thoại, hay chi cho những bữa ăn chung...

Nếu cần mua các đồ dùng gia đình thì sẽ “cưa đôi”. Sau đó, ai muốn sử dụng tiền của mình thế nào thì tùy. Hân tha hồ sắm váy vủng, quần áo, mỹ phẩm... nhét cho chật tủ. Còn Phong thoải mái lướt sàn chứng khoán, lên đời xe máy, đổi điện thoại... để “chưng” với bạn bè...

Mỗi khi thấy bạn nhậu bị vợ gọi điện réo về giữa chầu hay than thở việc bị vợ kiểm tra laptop, di động... Phong rất hãnh diện vì mình không bao giờ bị “vướng”. Nếu có muốn đi chơi xa đột xuất cả tuần cũng chỉ cần “phôn” cho Hân một tiếng là “OK”.

“Thật là tự do và thoải mái! Chẳng khác gì lúc chưa có vợ!” – Phong hớn hở khoe với đám bạn như thế.

Tuy vậy, chỉ sau vài tháng, Phong cảm thấy vợ chồng mà sống kiểu như vậy chẳng giống ai. Đôi khi, thấy anh chàng nào đó vội vã bỏ cuộc nhậu đang hồi sung để trở về nhà sau cuộc gọi của vợ, anh lại thấy thèm thèm cảm giác được vợ quan tâm là anh đang đi đâu, làm gì, với ai?

Đôi lúc, một mình trở về nhà khi đã khuya mà Hân chưa về, anh thấy thật trống trải khi chẳng có ai chờ. Có lúc, Phong bỗng nhớ những bữa cơm gia đình khi chưa cưới vợ. Cả nhà vừa ăn vừa trò chuyện, vui vẻ và đầm ấm biết bao.

Hay như chuyện “giao ban”, Hân cũng rất thoải mái. Cô không “cấm vận” nhưng cũng không ngăn cản Phong “ra ngoài”. Cô chỉ dặn: “Đàn ông các anh không thể thiếu chuyện ấy nên khi cần, cứ “ăn bánh trả tiền”. Có điều, phải nhớ dùng bao cao su!”.

Hân cũng bắt đầu thấy chán vì chồng chẳng bao giờ để ý, hỏi han, quan tâm tới vợ. Đôi khi cô nghĩ, hai người vẫn chỉ là bạn bè, như hồi chưa yêu nhau. Có khác là giờ sống chung một nhà.

Đúng lúc đó, anh bạn đồng nghiệp của Hân thừa cơ “đục nước thả câu” bằng cách quan tâm chăm sóc cô hết sức chu đáo. Ban đầu là những lời thăm hỏi ân cần rồi đến những bữa cơm trưa, cà phê tối bên nhau... Sự nhiệt tình của anh ta khiến trái tim Hân rung rinh.

Còn Phong cũng được cô bé hàng xóm để ý bởi “thương anh ấy có vợ mà như không”. Những ngày Hân vắng nhà, cô chạy sang, nấu những món ngon cho Phong, là giúp mấy bộ đồ, giặt hộ mớ quần áo... Và rồi, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

Đến một ngày, Hân và Phong vui vẻ ký vào đơn ly hôn, chấm dứt cuộc hôn rất tự do thoải mái của họ.

Theo Nông Nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...