Khảo sát cho thấy nói chung tất cả các đôi vợ chồng đều hợp nhau cho đến ngày cưới. Bởi nếu không đã chẳng có đám cưới. Họ chỉ bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn từ sau khi sống chung. Tại sao có hiện tượng đó?
Là vì trước khi kết hôn, hầu như tất cả các đôi đều hay gặp nhau, ít nhất một tuần cũng vài ba buổi hẹn hò. Nhưng ngay sau tuần trăng mật, nhiều người cho là công việc chinh phục đã hoàn tất, chẳng mấy ai còn tiếp tục chinh phục cái mà mình đã chinh phục.
Lúc này đa số chuyển sang các mục tiêu khác như kiếm tiền, thăng tiến trong công tác hoặc mua nhà, tậu xe trả góp, sắm những tiện nghi hiện đại trong gia đình. Có người học thêm hoặc hướng tới việc chuẩn bị đón đứa con ra đời.
Hầu như tình yêu bị xếp xuống hàng cuối cùng, thậm chí không quan tâm đến việc nuôi dưỡng nó nữa. Bởi không ít người nghĩ rằng đã lấy nhau vì tình yêu thì dĩ nhiên nó sẽ tồn tại trong hôn nhân.
Ảnh minh họa.
Thực ra tình yêu là dạng tình cảm rất dễ lụi tàn nếu chúng ta không chăm sóc nó. Nhưng nhiều đôi vợ chồng sau khi cưới lại ít "gặp nhau" hơn trước khi kết hôn. Có đôi cả tháng mới mới gặp nhau một, hai ngày vì chồng phải đi làm dự án ở tỉnh.
Có đôi một ngày chỉ gặp nhau một, hai tiếng vì cả hai vợ chồng đều bận kiếm tiền để mua nhà riêng. Còn những đôi có trọn buổi tối bên nhau thì tâm trí chưa chắc chắn đã hướng về nhau.
Việc dành ra một buổi tối ở nhà với vợ thường biến thành một buổi tối ở nhà làm những gì mà họ thích chứ đâu phải là dành cho nhau. Kinh nghiệm cho thấy đôi vợ chồng trẻ dù có bận rộn đến đâu vẫn nên mỗi tuần có vài buổi cùng nhau đi ra khỏi nhà, đó mới là thời gian dành cho nhau thực sự.
Nếu bạn nói công việc của bạn quá bận đến không thể có thời gian đi dạo với nhau được là không đúng. Phải chăng bạn nhìn vào kế hoạch làm việc của mình và nhận thấy là không còn buổi nào nữa. Nhưng nếu bạn ưu tiên nhu cầu gặp nhau lên trước thì nhất định bạn sẽ "hẹn" được.
Chẳng phải các bạn đã từng làm như thế khi chưa kết hôn? Khi đó, bạn đã xếp lại nhiều cái khác vì nhu cầu gặp nhau quan trọng hơn. Nhưng chúng ta đã hoàn toàn thay đổi từ khi chúng ta làm đám cưới.
Điều đó giải thích vì sao có những đôi vợ chồng ăn cùng mâm, ngủ cùng giường mà đến một lúc không ai hiểu ai, chẳng khác nào hai kẻ xa lạ.
Trung tâm tư vấn hôn nhân thường gặp những người chồng, người vợ quá thất vọng về người bạn đời của mình ngay trong năm đầu sau một thời gian họ yêu "vô điều kiện". Vậy thế nào là yêu vô điều kiện (love unconditional)?
Đó là tôi sẵn sàng làm bất cứ cái gì mà người bạn đời của tôi muốn mặc dù chính tôi không muốn. Chính sự hy sinh này dần dần sẽ làm cho bộ mặt ích kỷ của đối phương hiện nguyên hình: Ngoại tình, nghiện hút, cờ bạc...
Cho nên trước hết bạn phải tuân theo một nguyên tắc cơ bản là: Chỉ làm cái mà cả hai đồng tình và tránh bất cứ cái gì làm ít nhất một trong hai người khó chịu.
Nói khác đi: "Không bao giờ làm bất cứ cái gì mà không có một thỏa thuận nhiệt tình giữa cả hai vợ chồng". Đó là quy tắc thuận vợ thuận chồng. Muốn như thế phải có bàn luận.
Trong thực tế, không ít người vì nể vợ, nể chồng mà miễn cưỡng làm những việc mình không thích. Có người không thích khiêu vũ nhưng cũng theo vợ đến vũ trường ngồi chịu trận trong tiếng nhạc "đinh tai nhức óc".
Có người vợ không biết chút gì về luật chơi ten-nít nhưng cũng theo chồng ra sân ngồi ngơ ngẩn đợi chồng đánh xong thì về. Có người không thích đám bạn bè của chồng nhưng cũng cố đi dự cuộc vui với vẻ mặt đưa đám, suốt buổi không buồn nói chuyện với ai.
Thậm chí có người không thích làm "chuyện ấy" vào lúc đó nhưng vì nể chồng nên cũng cố chiều. Tất cả những cách ứng xử tương tự đều có tác dụng phá hủy tình yêu mà họ từng có với nhau.
Ảnh minh họa.
Kinh nghiệm cho thấy muốn thỏa thuận được với nhau phải có trao đổi, bàn bạc. Những đôi vợ chồng nào hay trò chuyện với nhau thường hiểu nhau hơn. Những đôi quá mải mê công việc hoặc kiếm tiền đến nỗi họ đi biền biệt suốt ngày chỉ ăn cơm cùng nhau một bữa tối vào lúc 9 giờ đêm, xong lại ai có việc riêng của người ấy đến khuya lên giường đi ngủ.
Cách sống như hế cho dẫu tình yêu trước kia có mặn nồng say đắm đến đâu cũng phải lụi tàn. Những nỗi bức xúc, khó chịu không được bàn bạc với nhau để tìm cách giải quyết sẽ dồn nén lại và đó chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ hôn nhân ngày một gia tăng ngay trong những năm đầu của hôn nhân, nhất là sau khi đứa con ra đời.