Hôn nhân không hạnh phúc có nên ly hôn?

GD&TĐ - "Tôi thương con chẳng thể ly hôn, nếu cứ sống mãi như thế tôi càng gieo nghiệp nặng; Tôi bối rối, thấy có lỗi nhưng không biết nên làm thế nào nữa...", một trong những tâm sự nhờ chuyên gia tâm lý Tuệ An gỡ rối.

Hôn nhân không hạnh phúc có nên ly hôn?
Mai lấy chồng năm 20 tuổi, tính đến nay đã được 16 năm nhưng “có chồng hờ hững cũng như không” nên Mai đã sa vào mối quan hệ bị người đời chê trách (nếu trước kia chắc cô ấy đã bị gọt đầu - bôi vôi) nhưng nó khiến Mai hạnh phúc, say mê - điều mà suốt 16 năm qua cô chưa bao giờ được cảm nhận.
Ở độ tuổi son sắc nhất, Mai quyết định lấy Thắng nhưng đâu ngờ đón Mai lại là những tháng ngày tủi nhục. Bất cứ việc gì Mai làm cũng không vừa ý bố mẹ chồng, sai thì chẳng nói nhưng có đúng cũng thành sai rồi cuối cùng Mai luôn là người phải xin lỗi.
Thắng - chồng cô không hề có chính kiến, luôn nghe lời bố mẹ chưa bao giờ mở lời bênh vực hay biện minh bảo vệ vợ khiến Mai rất buồn.
Mai chia sẻ với chuyên gia tâm lý Tuệ An: "Người ta đi làm đưa tiền vợ giữ hoặc không thì cũng ai giữ tiền người ấy. Nhưng em lại khác, suốt 16 năm đi làm em chưa bao giờ biết đến khái niệm vợ cầm tiền lương, tất cả đều phải đưa cho chồng giữ. Em làm công nhân nên lương tháng không cao, thường xuyên tăng ca để kiếm thêm chút ít do đó nhiều hôm tận 7-8h mới về nhà. Cũng may chồng biết giúp đỡ, hôm nào em về muộn là lo cơm nước cẩn thận, dọn dẹp nhà cửả, bỏ đồ vào máy giặt… ngoài khoản quá nghe lời mẹ thì chồng em cũng tạm gọi là được.:
Con cô đã lớn, học lớp 6 nên phải tính toán dần việc học, chuẩn bị cho tương lai của con rồi chi tiêu gia đình, ti tỉ thứ cần lo nên Mai đánh liều hỏi chồng tiền tiết kiệm. Thế mà anh chồng tỉnh bơ nói không còn đồng nào, còn cho Mai xem số dư tiết kiệm. Chẳng những thế còn đang nợ ngân hàng hơn 50 triệu nữa.
Nghe xong, đầu óc Mai quay cuồng, người như tê dại phải mất một lúc sau mới bình tĩnh lại được. Tiền điện nước, tiền nhà, tiền ăn, tiền học phí cho con, tiền sắm sửa, ma chay đám hỏi đều do cô chi trả, còn bao nhiêu Mai đều tin tưởng đưa anh giữ chưa bao giờ phải đụng đến tiền lương của anh.
"Thế mà suốt 16 năm nay, giờ anh bảo với em không còn đồng tiết kiệm nào, cuối cùng nhìn lại mình chẳng có cái gì cả ngoài đứa con. Theo như suy đoán của thì chắc chồng em giấu diếm đưa tiền cho mẹ chồng giữ hết rồi" - Mai nghẹn ngào cho biết.
Dừng một lúc, Mai tiếp lời: "Em buồn cho số phận của mình, bố mẹ chồng chèn ép kiếm cớ, chồng không biết bảo vệ vợ con khiến em chán nản muốn ly hôn. Nhưng nếu ly hôn chắc chắn phải xa con vì em trắng tay, nhà không có, tiền tiết kiệm cũng không thì làm sao mà nuôi con được. Em thương con cũng thương mình, chẳng biết phải làm thế nào cả".
Chán nản tủi thân cho phận mình suy nghĩ nhiều, mệt mỏi và rồi Mai gặp một người mình từng biết cách đây hai năm qua một người bạn chung trước đó. Qua những lần nói chuyện, Mai biết được Lâm chưa lập gia đình và vừa chia tay mối tình gắn bó 5 năm.
Hai con người đang đau khổ gặp nhau kiếm tìm được sự đồng điệu, họ tâm sự đủ thứ chuyện cuộc sống. Thời gian đầu, Mai và Lâm nói chuyện với nhau như anh em. Ngày nào Lâm cũng gọi điện quan tâm, hỏi han, đưa Mai đi chơi. Nhưng Mai vẫn cho rằng chắc Lâm chia tay bạn gái đang cô đơn nên mới thương cô, còn Lâm thì nghĩ Mai đang buồn chuyện gia đình nên mới quen anh ấy.
Dù thế nào đi nữa, nhờ Lâm mà sau 16 năm lấy chồng lần đầu Mai biết được cảm giác một người đàn ông yêu thương quan tâm thật sự.
Cứ thế tình yêu trong họ lớn dần, Lâm nói sẽ đợi Mai dù thế nào anh cũng chấp nhận. Mai một mặt hạnh phúc trong tình yêu, một mặt nhận ra đã sai khi mình còn trong hôn nhân mà làm ra chuyện như vậy.
"Tôi thương con chẳng thể ly hôn, nếu cứ sống mãi như thế tôi càng gieo nghiệp nặng; Tôi bối rối, thấy có lỗi nhưng không biết nên làm thế nào nữa. Mong chuyên gia và các bạn giúp cho xin lời khuyên. Tôi cảm ơn!".
Câu chuyện trên đã được biên tập lại theo tâm sự được gửi đến Hộp thư gỡ rối của chuyên gia tâm lý Tuệ An.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.